Cụ cây biết trả thù hay “luật ngầm” của các bậc cao niên?

(PLO) - Cây si cổ thụ sau khi bị bão quật đổ, được người làng cố công chăm sóc, dần sống lại, tạo thành hình con rồng uốn lượn, tỏa bóng ngay đầu xóm Mát (Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội). Cây rut rễ phụ như những râu rồng rung rinh theo gió, mang theo nhiều câu chuyện mang tính huyền bí lưu truyền trong dân gian.
Cụ cây biết trả thù hay “luật ngầm” của các bậc cao niên?
Người làng đi qua đều ngả mũ chào cây
Cao niên Nguyễn Viết Hựu (74 tuổi, người trong làng) cho hay: “Từ đời các cụ nhà tôi sinh ra đã có cây si này rồi nên chắc "cụ" phải vài trăm tuổi”. Hồi xưa, tương truyền có “thầy địa lý” đi ngang qua nơi này, ngắm cây một hồi lâu rồi phán:
“Cây si này phong thủy rất tốt. Cây tích tụ linh khí trời đất. Ở gần cây, tâm hồn người dân nơi này sẽ được thanh thản, yên bình, an vui. Mọi vật sinh sôi, phát triển theo chiều hướng tốt đẹp”. 
Nghe vậy, dân trong làng, ai nấy đều vui mừng, càng trân trọng “cụ” si. Các cao niên trong làng đều căn dặn con cháu: Đây là báu vật mà trời ban tặng cho làng, không ai được đụng đến.  
Năm 1970, “cụ” bị cơn bão mạnh quật ngã, bật gốc, thân đổ nghiêng một bên. Sau trận bão, ai nấy đều nghĩ cây không sống được. Xót xa, dân làng gắng sức cứu chữa. Họ đắp đất, dựng cột đỡ, chăm sóc cẩn thận. Điều kỳ diệu đã tới, cây ra rất nhiều mầm chồi, lộc non. Đặc biệt hơn, “cụ” cây bị bão quật ngã lại tạo thế thân rồng.
Theo các cao niên, ngày trước, cây si rất to, tán lá rộng bao phủ hàng trăm mét. Nhiều cành cây là là xòe ra bên đường. Đã từ lâu, người dân mặc định là đi lại phải có ý tứ, tránh động phải cành si. Thậm chí, ai có việc đi qua, đều ngả mũ thể hiện lòng tôn kính. 
Khoảng hơn chục năm trước, có một bà bán gạo ở làng bên, thuê ô tô chở gạo đi qua làng. Đến đầu làng, các cao niên ngăn lại, sợ đụng phải những cành si già. Dù bị ngăn cản, bà bán gạo vẫn khăng khăng cho ô tô đi tiếp. Như dự báo của các cao niên, ô tô chở gạo đã đụng phải một số cành si khiến nó gãy kêu răng rắc, rơi xuống nằm lăn lóc bên đường. Người làng xót ruột chạy tới định bụng mắng vài câu nhưng ô tô đi mất dạng. 
Bẵng đi vài tháng sau, bỗng thấy bà buôn gạo lễ mễ mang rất nhiều đồ cúng lễ đặt ở cây si. Hỏi mới biết, bà đang làm lễ, xin tạ lỗi đã mạo phạm làm gãy “các ngón tay” của “cụ”.
Bà bán gạo sợ hãi kể, sau hôm làm gãy cành si, đang làm ăn phát đạt bỗng nhiên xuống dốc. Gạo nhập về cả tháng chẳng ai hỏi tới. Chưa hết buồn vì buôn bán ế ẩm, gia đình bà lại bị tai ương khác. Cô con gái bà tuổi cập kê, bình thường xinh xắn, nhanh nhẹn, bỗng phát bệnh "lạ", ăn nói luyên thuyên, chân tay vung loạn xạ. 
Cụ Hựu kể chuyện bên cây si cổ thụ
 Cụ Hựu kể chuyện bên cây si cổ thụ 
Bà mẹ hoảng quá cho con đi chữa trị khắp nơi mà bệnh tình không thuyên giảm. Lúc tỉnh lúc mê, cô gái cứ phá phách đồ đạc trong nhà. Liên tiếp gặp vận đen, cả nhà rối như canh hẹ. “Đoán già đoán non”, mãi bà mới nhớ ra mình đã phạm thượng tới "cụ si" ở làng bên. 
Hôm bà bán gạo làm lễ tạ tội cây si, dân làng đổ xem rất đông. Chuyện tình cờ, chỉ một thời gian ngắn sau đó, bệnh tình cô con gái bà thuyên giảm hẳn. 
Cô trở lại phụ mẹ bán hàng, việc buôn gạo cũng dần tốt lên. Chỉ là ngẫu nhiên, nhưng trong mắt dân làng, cây si “chắc có điều lạ kỳ liên quan gì đó” 
Không nên “thần thánh hóa” cây si
Nhiều người làng còn nhớ chuyện đen đủi đến với đám trẻ chăn trâu. Đám trẻ vốn rất nghịch ngợm, đợt đó mùa đông, chúng mang rơm về đốt, sưởi ấm ngay dưới gốc si. Lửa rơm gặp gió lan nhanh, đám trẻ mải hò reo, không biết ngọn lửa ngấu vào gốc cây từ lúc nào. 
Rất may, người làng nghe thấy ồn ào chạy ra xem, kịp thời dập tắt đám cháy. Cây si mới chỉ bị xém một chút vào gốc. Vài ngay sau, vài đứa trong đám trẻ bị sốt cao, ho khan, người lúc nào cũng rực rực 39- 40 độ. Các gia đình vội nháo nhác đưa con đi bệnh viện chữa trị. 
Ở nhà, biết chuyện nghịch dại của đám trẻ, vài cao niên vội sửa lễ ra khấn tạ "cụ" cây. Lại là chuyện những đứa trẻ đang mùa lạnh gặp nóng đột ngột, bị ốm, chỉ vài bữa là khỏe khoắn, nhưng cao niên như răn dạy con cháu bảo vệ cây xanh, “hù” rằng “cây si thiêng”. Đám trẻ từ ấy sợ xanh mắt, không dám nghịch dại. 
Cây si ở xóm Mát còn gắn với nhiều câu chuyện không rõ thực hư khác như “một người say rượu quên hết cả cấm kỵ, thản nhiên “trút nỗi buồn” luôn ở gốc cây, vừa về nhà đã lăn đùng ra nền đất; con trai của người “mạo phạm” bỗng bị ngã xe, gãy tay bó bột hàng tháng trời; phải sắm lễ lên “tạ tội” mới thoát tai ương”.
Những “huyền thoại” về cây thiêng từ lâu giống như một làn khói hư ảo bao phủ làng quê. Không ít người thêu dệt thành những câu chuyện ly lỳ về “cụ cây" biết "báo oán”. Tuy nhiên ông Trịnh Bá Tư, Bí thư thôn cho biết, đó chỉ là là những tai nạn hoàn toàn có thể giải thích như đã lần lượt nêu trên. 
Chỉ có một điều chắc chắn, theo ông Bí thư thôn, từ bao đời nay, người làng luôn coi "cụ" cây như người thân, có ý thức chăm sóc, giữ gìn. Dù kinh tế chưa mấy khá giả, người dân xóm Mát vẫn thay phiên nhau chăm sóc cây. 
Không ai bảo ai, họ góp tiền làm sân, lát si măng ở gốc cây, sắm vài chiếc ghế đá để bà con đi làm về có chỗ nghỉ chân, hóng mát. Những ngày nắng nóng, mọi người đều ra tụ tập, trò chuyện dưới tán "cụ" si. 
Các cao niên ngồi ghế đá, đám trẻ trải chiếu dưới thềm, tình làng nghĩa xóm càng trở nên thân thiết, gắn bó.
“Trước những câu chuyện linh thiêng chưa biết thực hư, thời gian qua, một số người có ý muốn lập ban thờ dưới tán, để "hương khói" cho cây. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, chính quyền quyết định không đồng ý, bởi e sự “thần thánh hóa” cây sẽ là chỗ để những kẻ mê tín dị đoan lợi dụng, trục lợi”, ông Bí thư thôn nhấn mạnh.

Đọc thêm