Cụ già ốm o quật ngã tên cướp lực lưỡng giữa đêm vắng

Mất nhiều ngày điều nghiên, chắc mẩm chủ nhà trọ Nhựt Tân là một ông già gầy gò có vẻ ốm yếu hơn 70 tuổi, nhóm cướp người địa phương đã tấn công nhà trọ này. Kế hoạch cướp của chúng đã phá sản ngay phút đầu tiên khi chúng cướp nhầm “cao thủ”. Thấy tên cướp cao lớn khỏe mạnh chỉ sau vài giây thúc thủ trước ông già tuổi “thất thập cổ lai hi”, những tên đồng bọn hoảng loạn “chạy té khói”.

Kế hoạch tấn công nhà trọ Nhựt Tân (xã Đông Thạnh, huyện Cần Guộc, tỉnh Long An) của nhóm cướp người địa phương phá sản ngay phút đầu tiên. Thấy tên cướp cao lớn khỏe mạnh chỉ sau vài giây thúc thủ trước ông già tuổi “thất thập cổ lai hi” dáng vẻ ốm yếu, những tên đồng bọn hoảng loạn “chạy té khói”.

Ông già “tay không bắt giặc” bên hiện trường hạ đo ván tên cướp lực lưỡng
Ông già “tay không bắt giặc” bên hiện trường.

Khách trọ bất lịch sự

2 giờ khuya một ngày giữa tháng 8/2012, ông Nguyễn Á Đông (SN 1941, chủ nhà nghỉ Nhựt Tân) đang thiu thiu ngủ thì nghe thấy tiếng chuông cửa dồn dập. Ông vội vơ chiếc áo khoác lật đật đi ra khi bên ngoài, tiếng chuông cửa vẫn ầm ĩ không ngớt.

Cho thuê nhà nghỉ cả chục năm nay, cũng tiếp xúc với đủ hạng khách nhưng khi đó ông không khỏi khó chịu. “Thật mất lịch sự, đêm khuya muốn gọi thì cứ nhấn 2 - 3 tiếng chuông rồi buông tay ra, chứ ai lại gí nguyên ngón tay vào chuông đến cả phút khiến nó rú lên như tiếng chuông cứu hỏa”, ông lão nhớ lại.

Ra mở cổng, nhìn qua khe cửa, dưới ánh điện ở cổng mờ mờ, ông lão thấy một thanh niên cao lớn, đeo khẩu trang đứng ngay trước cổng. Trả lời câu hỏi: “Cậu thuê phòng nghỉ à?”, người lạ mặt trả lời ngắn gọn: “Dạ”. Trong khi mở khóa, ông chủ nhà nghỉ liếc nhìn sang bên trái phía trụ cổng còn thấy một thanh niên khác đang ngồi trên xe quay lưng về phía mình.

Ông thoáng nghĩ: “Đêm khuya mà người thì bịt mặt, người thì ngồi trên xe máy quay lưng về phía chủ nhà, bọn trẻ này thật bất lịch sự”. Nhận thấy cái liếc mắt có phần cảnh giác của ông, cậu thanh niên đeo khẩu trang nhanh nhảu: “Chỉ một mình tôi thuê phòng thôi, thằng kia đi về”.

Khi chiếc khóa vừa được mở, cánh cổng vừa hé ra thì gã thanh niên nhanh như cắt nhảy vọt ra phía sau ông. Hắn dùng tay phải khóa chặt cổ ông, tay kia gí sát một con dao vào cổ ông, gằn giọng: “Lão già, đưa hết tiền đây không tôi đâm chết”.

Những giây đầu tiên ông khá bất ngờ, khi kịp hiểu ra sự việc thì cánh tay như giọng kìm của tên cướp đã chẹn chặt cổ, ông còn cảm nhận được cả lưỡi dao lạnh ngắt đang chạm vào da mình. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn khiến ông nhanh chóng lấy được bình tĩnh, ôn tồn: “Được rồi, được rồi, muốn tiền tao đưa cho, việc gì mày làm dữ vậy”.

Thấy ông lão có vẻ “biết điều”, lại xét về “thực lực” giữa gã và ông lão gầy ốm nên tên cướp có vẻ yên tâm, tuy không bỏ tay ra nhưng vòng tay đang kẹp chặt cổ cũng có phần hơi lỏng. Chỉ đợi có thế, nhanh như chớp tay trái ông nắm chặt lấy cổ tay cầm dao của tên cướp, chân phải lùi lại sau làm tên cướp mất đà phải buông cánh tay đang kẹp cổ nạn nhân. Lúc đó khuỷa tay phải của ông đã kịp thời thúc mạnh vào ngực hắn.

Chỉ trong khoảng 10 giây bằng 3 động tác chính xác, hoàn hảo, nhanh như chớp giật, ông lão đã loại bỏ được cả tay cầm dao, tay kẹp cổ của đối tượng, còn giáng cho hắn một cú đau điếng vào ngực. Tên cướp bị đau, nhưng khi đó cậy sức thanh niên, hắn nhịn đau chứ chưa chịu buông dao.

Ông lão tiếp tục xoay người bẻ quặt tay cầm dao của tên cướp khiến con dao văng nền gạch khô khốc. Cú xoay điệu nghệ tiếp theo, ông đá vào khuỷu chân phải của tên cướp khiến hắn ngã quỵ xuống đất. Vậy chỉ là bằng 5 chiêu ra đòn trong thời gian chưa đầy nửa phút, ông lão ở tuổi “xưa nay hiếm” chẳng những biến nguy thành an, mà còn hạ đo ván tên cướp. Vừa lúc đó, ông nghe thấy tiếng hai chiếc xe máy đồng loạt rồ ga bỏ chạy.

Băng cướp “non gan”

Ông lão khi ấy ung dung khóa tay, giải “chiến lợi phẩm” vào nhà. Lúc này tên cướp mới hoàn hồn, hắn làu bàu: “Tôi chỉ đùa thôi, ông già làm gì mà nặng tay dữ vậy”. Ông chủ cười hà hà: “Giữa đêm khuya mày kề dao vào cổ người khác mà đùa à?. Không phải tao có võ thì đã lãnh con dao của mày rồi”. Đến khi khua các con dậy, mọi người mới bàng hoàng biết nhà mình vừa bị cướp.

Khi công an xã đến hiện trường giải đối tượng về trụ sở, tên cướp khai nhận hắn là Phạm Trọng Tính (SN 1996, ngụ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc), còn 3 đối tượng đồng phạm khác chờ hắn ở cổng, trong đó có đối tượng Trần Thế Ngọc (SN 1993).

Cơ quan điều tra xác định Tính là thành viên của một băng cướp có hơn 10 đối tượng. Trong mấy tháng vừa qua, băng nhóm này đã gây ra rất nhiều vụ trộm cướp trên địa bàn: Nhẹ thì trộm chó câu gà; để ý thấy nhà nào hớ hênh là bọn chúng vượt tường khoắng sạch đồ… Hàng đêm chúng rà xe đi “tuần”, thấy người nào đi đường là chúng nửa xin nửa cướp, trấn sạch tiền và tài sản của họ.

Nhiều người buôn bán đêm, đi lấy hàng rau hay thực phẩm ở các chợ đầu mối đã bị chúng cướp hết cả vốn liếng. Táo tợn, trắng trợn, nhóm cướp thường ỉ số đông, lại tấn công nạn nhân vào lúc đêm khuya nên hầu như không nạn nhân nào dám chống trả chúng. Thấy "làm ăn" quá dễ dàng, băng cướp này liều lĩnh bàn nhau xông thẳng vào nhà nghỉ để làm một “mẻ” lớn nhưng không may chúng đã gặp “cao thủ”.

Khi bắt được Trần Thế Ngọc, trả lời câu hỏi hỏi: “Được phân công “hỗ trợ” mà sao cả 3 tên lại bỏ chạy”, tên cướp thật thà: “Đứng ở ngoài thấy ông già có võ lợi hại quá nên cả 3 không ai dám xông vào, thấy thằng Tính bị bắt thì sợ quá nên bỏ chạy”. Ông lão cười: “Đúng là bọn này chỉ ỉ đông ăn hiếp những người yếu hơn chúng. Gặp người mạnh hơn thì chúng nhát như thỏ đế, tôi có mà là đại võ sư nhưng nếu bốn thằng thanh niên quây, lúc đó tôi cũng chịu thua”.

Kinh nghiệm bắt cướp "đầy mình"

Tưởng ông là một “đại võ sư ở ẩn”, ai ngờ ông lão miệt vườn thật thà: “Tôi có phải võ sư võ siếc gì đâu. Năm 30 tuổi tôi phiêu dạt ra Bình Định vài năm, thời gian đó có học được vài chiêu võ tự vệ. Thế võ mà tôi dùng lúc bắt thằng chỉ là thế tay không đấu với binh khí trong võ Bình Định”.

Cách đây 10 năm, khi gia đình còn làm nghề buôn bán trên ghe ở sông, ông cũng một lần “tay không bắt giặc”. Đêm hôm đó, các con và vợ ông đã ngủ say ở dưới khoang thuyền, riêng ông ngủ trên mui để coi đồ. Khoảng 3h đêm nghe thấy tiếng động, mở mắt ra ông thấy 3 thanh niên lạ mặt đang khuân hàng từ thuyền nhà mình sang ghe của bọn chúng.

Biết gặp nhóm trộm, ông bật dậy vơ lấy chiếc dầm (mái chèo) quát lớn, đứng vững ở thế thủ. Ba tên trộm bị bất ngờ nhưng thấy một ông lão trơ trọi đứng ở cuối thuyền thì bọn chúng cười khẩy coi thường, một tên nhảy ngay sang ghe bọn chúng lấy 3 chiếc dầm đưa cho hai đồng bọn còn lại. Ba tên trộm, khi ấy đã thành 3 tên cướp lừng lững tiến đến bao vây chủ thuyền.

Bất thình lình, ông già gày gò đó hú lên một tiếng rồi cây dầm trên tay ông xoay tít mù khiến nhóm cướp không thể lại gần, còn phải dần dần lùi lại khi “mưa gậy” tiến đến. Một đối tượng liều lĩnh lao vào ông định quyết chiến, phóng chiếc dầm trên tay hắn vào người ông nhưng hung khí này bị ông đánh bật ra xoay tít, rơi tõm xuống sông. Nhóm cướp thấy ông già dũng mãnh, cả 3 tên đồng loạt nhảy xuống ghe của mình hộc rốc bỏ trốn.

Nhớ lại những kỉ niệm trong đời mình, “ông già gân” chân thành: “Mỗi người nên cố gắng học một môn võ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa để phòng thân. Tôi mấy chục năm nay không hề động tay động chân với ai, nhưng khi hữu sự có thể bảo vệ được mình và gia đình là tốt rồi”.

Rồi ông cười khà khà: “Bọn cướp hung hãn, nhưng khi gặp người dám chống lại nó là chúng sợ liền”. Cái khí chất cứng cỏi, hào sảng ở ông lão tuổi thất thập khiến người ta nể phục.

Thủy Trúc

Đọc thêm