“Cú hích” trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2010-2014 (Chương trình 585) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai hoạt động để đánh giá kết quả của Chương trình trong thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2013...

Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2010-2014 (Chương trình 585) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai hoạt động để đánh giá kết quả của Chương trình trong thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2013.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì, có sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình 585, đại diện một số Bộ ngành trung ương, các Sở, ban ngành tại một số địa phương.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị

“Luồng gió mới” trong công tác hỗ trợ pháp lý

Báo cáo sơ kết 2 năm triển khai hoạt động của Chương trình 585, Phó Trưởng Ban quản lý Chương trình Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Chương trình 585 là một bước đột phá nhằm thể chế hóa các hoạt động của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN.

Hội nghị cũng đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 585; tặng Giấy khen của Ban Chỉ đạo Chương trình cho 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

Trong quá trình triển khai các hoạt động của Chương trình từ năm 2011 đến nay đã đạt được rất nhiều kết quả thiết thực.

Chẳng hạn, đã tổ chức được gần 50 tọa đàm, hội thảo về các chuyên đề pháp luật kinh doanh, gần 70 chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho DN; hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn…

Qua các hoạt động trên, có thể nói Chương trình đã tạo ra “cú hích” trong việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN tại các Bộ, ngành trung ương. Không chỉ phối hợp với Chương trình tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN tại địa phương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN của riêng mình.

Bên cạnh đó, việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động của Chương trình đã tạo ra “một luồng gió mới”, tiếp thêm sức mạnh trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các hội viên của các tổ chức đại diện cho DN trên cả nước; nhiều DN được thông tin, giải đáp pháp luật, góp phần tháo gỡ các khó khăn pháp lý trong quá trình thực hiện pháp luật liên quan đến hoạt động của DN.

Tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho DN hoạt động

Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục còn gặp những khó khăn, phức tạp, vì vậy có nhiều kỳ vọng đối với các hoạt động của Chương trình sẽ góp phần hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hạn chế rủi ro pháp lý.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam đề xuất một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN cần triển khai, như: hoàn thiện khung pháp lý cho DN hoạt động; tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho DN nhỏ và vừa; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền khuyến cáo DN thực thi pháp luật; xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ pháp lý cho DN tại các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

“Đặc biệt, việc ban hành các văn bản chính sách liên quan đến DN phải được thực hiện theo hướng tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho DN hoạt động như trong lĩnh vực đấu thầu, đất đai, thuế, đầu tư, phá sản DN… Không làm chính sách theo lối “không quản được thì cấm hay hạn chế”, hay ban hành thì tùy tiện, thiếu cân nhắc và xa lạ với thực tế với cuộc sống thường ngày, giảm bớt các quy định, giấy phép can thiệp hành chính vào thị trường”, ông Nam nhấn mạnh.

Cũng đề nghị các Bộ và cơ quan ngang Bộ quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo khung pháp lý phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Nguyễn Duy Sụn lý giải, vì hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho DN và cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật.

Ông Sụn phân tích: Hiện nay khung pháp lý chưa đảm bảo bao quát, chưa đi vào thực tế cuộc sống, chưa định hướng cho nền kinh tế và nhiều khi còn lạc hậu so với sự phát triển kinh tế. Trước tình hình kinh tế - xã hội đang có nhiều xu hướng phát triển nhanh, thì việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo khung pháp lý phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho DN là yêu cầu quan trọng, cần thiết và cần được quan tâm, chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng.

“Cần xác định được những hoạt động có trọng tâm, trọng điểm”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá, mặc dù rất nhiều hoạt động đã diễn ra nhưng dường như vẫn chưa bám sát vào 3 dự án thành phần của Chương trình.

Các hoạt động phần lớn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp nhưng hai năm qua, chưa thấy Chương trình đề xuất với Bộ Tư pháp, với Chính phủ phải tháo gỡ vướng mắc cho DN… Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chương trình trong hơn hai năm là rất đáng ghi nhận, để lại dấu ấn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

Từ kết quả có giá trị nhất định như vậy thì cần xác định rõ những hoạt động có trọng tâm, trọng điểm nhằm tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, trong năm 2013 và năm tiếp sau để Chương trình thực sự lan tỏa, tạo “cú hích”, cơ sở vững chắc thực hiện thắng lợi Nghị định 66 trong thời gian tới.

Theo đó, có thể lồng ghép thực hiện với Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó phát hiện những vướng mắc cụ thể của DN để “xắn tay” vào hỗ trợ; thành lập đường dây nóng bằng việc hợp tác với luật sư của các Đoàn luật sư, Sở Tư pháp địa phương để tiếp nhận những khó khăn mà DN kiến nghị.

Để Chương trình gắn hơn nữa với các hoạt động của Bộ, có thể chọn 1-2 luật như Luật Phá sản, Luật Đầu tư, Luật DN… để các DN tham gia cùng Bộ xây dựng những văn bản nói tiếng nói của các DN, đáp ứng nhu cầu của DN, giảm chi phí tuân thủ thấp nhất cho DN…

Tiếp tục việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho DN cũng như kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN, song cần phân công, phân cấp rõ ràng, tạo điều kiện cho các địa phương, Bộ, ngành cùng vào cuộc, chứ không phải chỉ có sự tham gia của tổ chức pháp chế và Bộ Tư pháp.

Hoàng Thư

Đọc thêm