Uống rượu say khướt, nhớ chuyện anh trai mình bị đánh, đối tượng Phạm Hữu Hiếu (SN 1987, ngụ thôn Trường An, xã Phước An, huyện Hớn Quản, Bình Phước) vác dao sang nhà láng giềng "báo thù". Không dám tìm những người "đồng cân đồng lạng", "ma men" lại quay ra truy sát bà lão đang bế cháu bé hơn một tuổi. Nếu không có cú vấp ngã may mắn khiến nạn nhân tránh được lưỡi dao, thảm kịch đã xảy ra.
"Trẻ không tha, già không thương"
Theo nguồn tin từ cơ quan công an, lúc 15h30 ngày 9/4, sau khi nhậu tại đám giỗ của một người hàng xóm, Hiếu cởi trần trở về nhà trong tư thế loạng choạng, “chân nam đá chân xiêu”. Hiếu đi thẳng về nhà, thủ theo một con dao Thái Lan rồi mò sang gia đình bà Đoàn Thị Rành (SN 1940), cách đó khoảng 50 mét.
|
Hai bà cháu thoát nạn trong gang tấc |
Lúc này bà Rành đang bế đứa cháu hai tuổi ở sân. "Ma men" đứng trước cổng, luôn miệng chửi mắng một người cháu dâu của gia đình. Chị này không nói gì, lẳng lặng bỏ đi.
Thấy Hiếu chửi mắng vô cớ, bà lão cũng không nhịn được nên hai bên lời qua tiếng lại. Bà Rành nói: “Người mày chửi thì không có ở đây. Mày đi chỗ khác mà chửi. Đừng làm phiền gia đình tao, điếc tai hàng xóm”.
Nghe câu nói ấy, Hiếu liền rút dao trong người, chạy xộc vào nhà, gây hấn với tất cả những ai hắn nhìn thấy, gặp gì chém nấy, khiến cửa sổ, bàn ghế đổ vỡ lung tung.
Nghĩ mình là người già, lại đang bế cháu nhỏ thì kẻ côn đồ sẽ không đụng tới, bà lão kiên gan không bỏ chạy. Nào ngờ "ma men" không biết phải trái, cứ thế lao đến chém thẳng một nhát vào bà lão. Bà Rành vội vàng né tránh, may mắn đường dao lạng đi, suýt trúng cánh tay trái cháu bé. Bà lão ôm cháu bỏ chạy, bị Hiếu chạy vọt lên đón đầu vung dao.
Trong khoảnh khắc may mắn, bất ngờ cả hai bà cháu vấp ngã chổng kềnh. Chính cú ngã này đã thức tỉnh cơn say của Hiếu. "Ma men" đứng khựng nhìn hai nạn nhân một lúc rồi bỏ về, mặc hai bà cháu nằm dưới nền gạch kêu khóc, áo quần lấm lem đất cát.
Sự việc ngay sau đó được trình báo chính quyền. Tuy nhiên, khi được công an xã triệu tập, Hiếu liên tục la lối, quát mắng, bất hợp tác với cảnh sát. Táo tợn hơn, đối tượng dám vung tay giáng thẳng vào mặt phó công an xã ngay tại trụ sở.
Được biết phía cơ quan công an đã hoàn tất hồ sơ, sau đó VKSND huyện Hớn Quản đã có quyết định truy tố bị can Phạm Hữu Hiếu về hai tội danh “Cố ý gây thương tích” và “Chống người thi hành công vụ”.
Mâu thuẫn hàng xóm tích tụ lâu ngày?
Gia đình Hiếu quê gốc ở Bắc Giang, vào Bình Phước sống từ sau giải phóng. Hiếu là con thứ 13 trong gia đình có tới 14 anh chị em. Cha mất sớm khi Hiếu còn bé, học đến lớp 6 thì nghỉ học ở nhà làm mướn đủ thứ việc. Những người hàng xóm cho biết, bản tính Hiếu rất ngoan hiền, mỗi tội khi say rượu thường không kiềm chế được hành vi của mình.
Mẹ của Hiếu tâm sự: “Nó hay nổi nóng thất thường, nhất là mỗi khi nhậu say. Ngày trước cháu bị ngã từ trên cây đập đầu xuống đất nên thần kinh có chút ảnh hưởng. Cũng vì tai nạn đó mà việc học hành dang dở, rồi mắc thêm nhiều chứng bệnh khác. Nhưng dù vậy, gia đình không hề nghĩ nó liều lĩnh lại cầm dao chém láng giềng, rồi đánh cả công an xã”.
Nhà thủ phạm và nhà nạn nhân chỉ cách nhau vài chục bước chân, vốn là láng giềng thân thiết. Năm 2011, một người cháu của bà Rành đang đi xe trên đường, không hiểu vì lý do gì đã bị anh trai của Hiếu chửi. Hai bên cãi vã, dẫn đến đánh lộn, sau đó được mọi người can ngăn nên cả hai bỏ ra về.
Vẫn ấm ức trong lòng, vài ngày sau, hai anh trai của Hiếu tìm đến nhà người cháu bà Rành để “rửa hận”. Trong lúc “giao chiến”, một người anh của Hiếu bị chém sượt vào đầu, bay một chỏm tóc, chảy máu. Biết không thể “địch” nổi đối phương, cả hai rút ra ngoài rồi vội vã lên xe tháo chạy.
Sau sự việc, người cháu bà Rành đưa đơn trình báo Công an xã để nhờ can thiệp giải quyết. Nhưng thủ phạm nhất mực từ chối lên công an làm việc. Tuy nhiên, sau vụ xô xát Hiếu vẫn giữ thái độ hậm hực, ngấm ngầm nuôi âm mưu báo thù. Nhất là những khi uống rượu say, Hiếu đều kiếm cớ gây gổ, thách thức để lấy cớ “rửa hận” cho anh trai mình.
Đối tượng sẽ phải trả giá đắt trong một phiên tòa sắp tới. Tuy nhiên, dư luận vẫn không ngớt chê trách bởi cách hành xử của "ma men" "giận cá chém thớt". Bên cạnh đó còn là lối sống theo kiểu "sau lũy tre làng" thích bảo vệ “uy tín dòng họ” bằng bạo lực.
Theo Xa lộ pháp luật