Cụ Rùa nổi nhiều lần trong dịp Đại lễ, có gì thần bí?

Chỉ trong vòng một tuần diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, cụ Rùa nổi lên 3 lần, nhưng các chuyên gia môi trường không cho đây là chuyện bất thường.

Chỉ trong vòng một tuần diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, cụ Rùa nổi lên 3 lần, nhưng các chuyên gia môi trường không cho đây là chuyện bất thường.

"Thời gian gần đây chuyện rùa nổi trong những dịp có các sự kiện được đưa ra thảo luận nhiều. Tôi thì không tin rằng việc rùa Hồ Gươm nổi lên là hiện tượng thần bí", ông Tim McCormack (Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á - ATP) nói.

Theo McCormack, vào những dịp lễ hội, mọi người thường chú ý nhiều hơn tới hồ Hoàn Kiếm và cụ rùa, báo chí cũng đưa tin nhiều về hiện tượng này, khiến người ta lầm tưởng đó là một hiện tượng đặc biệt.

Trong tuần vừa rồi, báo chí ghi nhận việc Rùa nổi lên vào các ngày 7, 6 và 1/10 ở Hồ Gươm. Theo chuyên gia bảo tồn, những ngày bình thường, Rùa vẫn nổi lên đều đặn để thở, nhưng có những lúc nổi lên rất nhanh và ở khoảng cách xa nên không ai chú ý hoặc phát hiện ra. Do đó, cụ Rùa nổi lên vào dịp đại lễ chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên, cũng là tất yếu để duy trì sự sống.

1
Cụ Rùa nổi vào những sự kiện đặc biệt của đất nước là chuyện bình thường. Ảnh: Hà Đình Đức

Đồng tình quan điểm trên, ông Hoàng Văn Hà, cũng thuộc ATP, cho biết tổ chức này đã phỏng vấn những người làm việc, tập thể dục và sống xung quanh hồ Gươm để tìm hiểu tập tính của rùa, đồng thời đã quan sát hồ trong 1 tháng. Khoảng thời gian này chưa thể phản ánh được tập tính của rùa trong cả năm, nhưng kết quả đó cho thấy, rùa có khả năng nhịn thở tối đa là 2,5 tiếng, sau đó phải ngoi lên để thở.

Cụ Rùa cũng như loài động vật khác, muốn duy trì sự sống cần o-xy để thở, nên cụ nổi lên. Mỗi lần nổi, rùa thường nổi ít nhất là 30 phút/lần. Chỉ có điều nếu người dân quan tâm thì họ mới thấy. Cũng có trường hợp cụ Rùa nổi vào buổi tối, hay trong những lùm cây mà người dân không thể thấy được.

Cũng theo nghiên cứu này, rùa Hoàn Kiếm nổi lên trong thời gian dài vài giờ đồng hồ là có dấu hiệu thời tiết thay đổi như chuẩn bị mưa to, hoặc bão, hoặc sau một đợt lạnh kéo dài mà trời hửng nắng…Điều này đã được thể hiện khi trong thời gian vừa qua, khi thời tiết đột ngột chuyển từ lạnh sang nóng, cụ Rùa đã nổi lên thời gian khá lâu để phơi nắng, giúp việc tiêu hóa, di chuyển dễ dàng hơn.

“Rùa hô hấp bằng phổi, có sự trao đổi không khí qua da nhưng hô hấp bằng phổi là chính, rùa Hồ Gươm cũng không nằm ngoài quy luật này. Cụ Rùa nổi vào đại lễ chỉ là ngẫu nhiên, bình thường", ông Hà khẳng định.

Theo GS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trườn Việt Nam, yếu tố chính khiến rùa nổi là môi trường, có thể do tác động bên ngoài như loa đài, tiếng động từ việc chỉnh trang hồ, những hoạt động nhộn nhịp của ngày đại lễ xung quanh hồ cũng tác động ít nhiều đến cụ Rùa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáng, chuyên gia nghiên cứu về Rùa cho rằng, cụ Rùa nổi lên là do thời tiết hoặc môi trường. Ngoài ra, những hoạt động xung quanh hồ cho Đại lễ cũng là yếu tố tác động khiến cụ nổi lên nhiều hơn.

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng có thể làm được nhân dịp kỷ niệm trọng đại 1000 năm Thăng Long - Hà Nội này là nhấn mạnh việc bảo tồn các loài hoang dã ở Việt Nam, trong đó có các loài rùa và rùa Hoàn Kiếm, để các thế hệ của 1000 năm sau vẫn còn được chiêm ngưỡng và tự hào", ông Tim McCormack cho hay./.

Theo VnExpress

Đọc thêm