Cụ Rùa được thả về hồ Gươm chiều qua trong tình trạng sức khỏe tốt sau ba tháng điều trị các vết thương.
Ông Lê Xuân Rao, giám đốc sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cho biết việc thả Rùa trở lại diễn ra an toàn lúc 17h45. Rùa được đưa ra khỏi bể với bộ mai lành lặn, không còn các vết thương hay mốc như trước. "Môi trường nước hồ hiện giờ đã đủ để đảm bảo cuộc sống Cụ Rùa", ông Rao cho biết.
|
Rùa trước khi được thả ra hồ. sau ba tháng … |
Trước đó, hàng chục nghìn con cá gồm các loại trôi, mè, rô phi đã được thả xuống hồ Gươm để đảm bảo nguồn thức ăn cho Rùa. Việc nạo vét làm sạch môi trường một phần nước hồ đã được thực hiện trong thời gian qua.
Cụ Rùa hồ Gươm được đưa lên một chiếc bể đặc biệt trên bờ để điều trị các vết thương cách đây ba tháng, sau khi thành phố Hà Nội lập một ban đặc biệt về chăm sóc và bảo vệ Rùa. Quyết định này được đưa ra sau khi hình ảnh cụ Rùa với nhiều vết thương trên mình xuất hiện liên tục trên mặt nước hồ, khiến công chúng lo ngại rằng sức khỏe của cụ đang bị sa sút nghiêm trọng.
Cụ Rùa hồ Gươm được cho là một con vật linh thiêng, biểu tượng sống của truyền thuyết lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Giới chức và các nhà khoa học đã tổ chức những cuộc hội thảo bàn về cách bảo vệ và bảo tồn Rùa hồ Gươm. Rùa này được các nhà khoa học quốc tế xác định thuộc một phân loài mà hiện trên thế giới chỉ còn có 4 con. Tuy nhiên một số nhà khoa học trong nước thậm chí nói đây là cá thể độc nhất. Vì thế, yêu cầu về bảo tồn nhân giống càng đặt ra một cách cấp thiết hơn.
Chiến dịch quây bắt đưa Rùa lên cạn đầy kịch tính đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dân sở tại, các phương tiện truyền thông cả trong và ngoài nước. Cụ Rùa hồ Gươm là một cá thể cái, dài 1.260 mm, rộng 1.030 mm, nặng 169 kg khi bắt lên.
Sau khi lên cạn, Rùa được các bác sĩ thú y chăm sóc và các vết thương đã lành. Tuy nhiên hiện chưa có thông tin nào về việc liệu đã có tiến triển gì trong chuyện bảo tồn nòi giống loài rùa lớn mai mềm này hay chưa.
Theo VnExpress