* Hỏi: Công ty Cosevco Đà Nẵng thường xuyên thải khói bụi từ lúc 20 giờ đến sáng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Đề nghị thành phố xem xét, giải quyết (Cử tri quận Liên Chiểu).
- Trả lời: Nhà máy Xi-măng Cosevco Hòa Khánh sản xuất xi-măng từ clinker và phụ gia, hoạt động 24/24 giờ. Nguồn phát thải chỉ có bụi xi-măng mà không có hơi khí độc. Nguồn phát thải này không chỉ phát ra trong đêm mà là cả ngày. Nhà máy ở gần khu dân cư, không có vành đai đệm theo quy định, nếu không kiểm soát tốt, bụi xi-măng sẽ tác động đến sinh hoạt của các hộ dân ở gần khi có gió tây nam.
Ngày 2-3-2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng với Phòng TN&MT quận Liên Chiểu và UBND phường Hòa Khánh Bắc thanh tra tại đơn vị. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Kết luận số 12/KL-STNMT ngày 18-3-2010 với nội dung:
- Tại thời điểm thanh tra, nhà máy tuân thủ đúng các quy định pháp luật về môi trường. Các thông số đo đạc đạt tiêu chuẩn cho phép.
- Nguồn phát thải vào ban đêm mà cử tri phản ánh chủ yếu là từ các hoạt động luyện phôi thép của các cơ sở sản xuất sắt thép gần nhà máy. Các cơ sở này quy mô không lớn, đa số thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của quận Liên Chiểu và thường làm từ
22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để được ưu tiên về giá điện. UBND thành phố đã chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở luyện sắt thép thuộc thẩm quyền trong địa bàn quận.
Mặt khác, tại buổi kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cử tri quận Liên Chiểu, lãnh đạo UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thành lập đoàn rà soát, phối hợp với Cảnh sát môi trường để kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường của các đơn vị sản xuất (tổ chức kiểm tra đột xuất, cả ban ngày và ban đêm) để xử lý theo quy định, nếu vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét giải quyết. (Thông báo số 80/TB-VP ngày 10-6-2010).
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản và đang lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị vi phạm theo quy định.
* Hỏi: Đề nghị thành phố quan tâm nâng cấp hệ thống nước sạch tại thôn Phú Túc để nhân dân sử dụng, vì hiện nay hệ thống nước sạch này không sử dụng được (Cử tri xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang).
- Trả lời: Ngày 28-4-2010, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2514/UBND-QLĐTư giao UBND huyện Hòa Vang kiểm tra cụ thể và tổ chức sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sạch tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú từ nguồn ngân sách của huyện Hòa Vang để sớm phục vụ cho nhân dân. Đây là công trình cấp nước mang tính cộng đồng, nên UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Hòa Vang có phương án quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, lâu dài.
* Hỏi: Đường Sơn Trà - Điện Ngọc không có vỉa hè dành cho người đi bộ, trong khi đó nhiều đoạn dùng vỉa hè cho việc trồng cỏ, nếu người dân đi bộ phải xuống lòng đường nên dễ xảy ra tai nạn giao thông. Đề nghị thành phố quan tâm đến vấn đề này (Cử tri quận Ngũ Hành Sơn).
- Trả lời: Vấn đề trên, UBND thành phố đã có Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 4-1-2008 về việc phê duyệt quy hoạch và ban hành quy định quản lý xây dựng kiến trúc cảnh quan hai bên vỉa hè tuyến đường ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc (đoạn từ Hồ Xuân Hương đến Quảng Nam). Cụ thể, phần vỉa hè phía Đông tuyến ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc được quy định: vỉa hè rộng 9m, trong đó:
- Từ bó vỉa vào 1,7m trồng cỏ và hoa;
- Phần lối đi rộng 2,5m trên cống thoát nước hiện có;
- Phần còn lại trồng cỏ, hoa, cây xanh bóng mát là 4,8m;
- Lát lối đi bằng loại gạch gốm màu đỏ.
Ngày 21-1-2010, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 281/VP-UBND giao Ban Quản lý dự án Sơn Trà-Điện Ngọc làm việc với các chủ đầu tư được giao trách nhiệm đầu tư xây dựng phần vỉa hè trước công trình trên tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến ranh giới tỉnh Quảng Nam) khẩn trương đầu tư xây dựng phần kiến trúc cảnh quan theo quy định tại Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 4-1-2008 của UBND thành phố; trước mắt ưu tiên đầu tư hành lang dành cho người đi bộ rộng tối thiểu 2,5m khuyến khích sử dụng vật liệu tốt hơn và cho phép đề xuất màu sắc phù hợp với cảnh quan, kiến trúc công trình của đơn vị, gửi về Sở Xây dựng xem xét thống nhất trước khi thực hiện.
Tại buổi kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cử tri quận Ngũ Hành Sơn, lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu chỉ đạo nhà thầu thi công khẩn trương thi công lát gạch vỉa hè phía Đông đường Sơn Trà - Điện Ngọc đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến khu vực giáp địa phận tỉnh Quảng Nam (đã phê duyệt tại Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 4-1-2008 của Chủ tịch UBND thành phố và Thông báo số 66/TB-UBND ngày 25-5-2010), hoàn thành trước 30-6-2010. Tuy nhiên, do đơn vị thi công không bảo đảm tiến độ công trình theo cam kết nên UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan lập thủ tục trình UBND thành phố để xử phạt.
* Hỏi: Hiện nay, tình trạng mùa hè chặt cây, mùa mưa làm cống, cuối năm làm đường…, hết sức bất hợp lý. Đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị sắp xếp thời gian triển khai công việc khoa học hơn (Cử tri nhiều phường thuộc quận Hải Châu).
- Trả lời: Việc triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trong mùa mưa gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và gây tốn kém kinh phí của nhà thầu thi công do phải có biện pháp thi công phức tạp và tốn kém hơn. Để bảo đảm chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng, các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu thi công luôn cố gắng hạn chế triển khai thi công công trình trong mùa mưa.
Tuy nhiên, do đặc điểm mùa mưa ở Đà Nẵng thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau và thời gian thi công các công trình giao thông thường kéo dài (từ 9-18 tháng), đối với các công trình lớn có khối lượng đền bù giải tỏa lớn, thời gian có thể kéo dài đến 24 tháng. Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư cũng thường bị kéo dài do thủ tục chuẩn bị đầu tư phức tạp, liên quan đến nhiều Sở, ngành khác nhau. Do vậy việc thi công trong mùa mưa là điều khó tránh khỏi.
(Còn nữa)
H.A (Tổng hợp)