Cử tri hỏi, UBND thành phố trả lời (tiếp theo)

* Hỏi: Đề nghị cần quan tâm đến chế độ nghỉ dưỡng cho những người tham gia kháng chiến không phải là thương binh. (Cử tri quận Sơn Trà).

(Tiếp theo)

* Hỏi: Đề nghị cần quan tâm đến chế độ nghỉ dưỡng cho những người tham gia kháng chiến không phải là thương binh. (Cử tri quận Sơn Trà).

- Trả lời: Căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2006/TT-LB ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Y tế hướng dẫn chế độ chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng quy định:

Đối tượng điều dưỡng mỗi năm 1 lần bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 1 tháng 1 năm 1945 (Cán bộ lão thành cách mạng);
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 (Cán bộ tiền khởi nghĩa);
- Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên;
-  Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Người có công giúp đỡ cách mạng trước tháng 8 năm 1945 được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”  hoặc Bằng có công với nước;

Đối tượng điều dưỡng 5 năm một lần bao gồm:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến;
- Người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến;
- Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam;
- Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật, bệnh tật dưới 81% đang sống tại gia đình;
- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Chế độ điều dưỡng:

- Điều dưỡng tập trung: 1.000.000 đồng/người. Thời gian điều dưỡng không quá 10 ngày.
- Điều dưỡng tại nhà: 700.000 đồng/người.

Như vậy, chế độ điều dưỡng đối với người có công cách mạng không dành riêng cho thương binh mà quy định cho nhiều đối tượng.

* Hỏi: Trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều các quảng cáo trên trụ điện, tường rào như: khoan cắt bê-tông, hút hầm cầu… gây mất mỹ quan đô thị. Đề nghị thành phố có biện pháp xử lý triệt để vấn đề này, đem lại nét đẹp cho thành phố đô thị loại 1 (Cử tri  quận Thanh Khê). 

 * Trả lời: Ngày 13 tháng 11 năm 2006, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 32/CT-UBND về việc ngăn chặn, xóa bỏ các hình thức quảng cáo, rao vặt sai quy định và tăng cường tôn tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Trong đó, giao cho UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND xã, phường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và tổ chức đợt ra quân tổng tẩy xóa toàn bộ số điện thoại; Công an thành phố chỉ đạo Công an các địa phương thống kê, lập địa chỉ các dịch vụ khoan cắt bê-tông, khoan giếng… đang lưu trú tại địa phương; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị chức năng xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm, phối hợp với ngành Bưu chính-Viễn thông kiên quyết cắt điện thoại liên lạc với các chủ thuê bao vi phạm.

Năm 2009, Trung tâm Quản lý quảng cáo tiến hành nhiều đợt kiểm tra và giao cho cơ quan chức năng xử lý 50 số điện thoại di động quảng cáo khoan cắt bê-tông, dạy kèm… trái với quy định. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý quảng cáo thuê nhân công xóa quảng cáo số điện thoại của các dịch vụ khoan cắt bê-tông, khoan giếng, dạy kèm… trên 65 tuyến đường chính trong thành phố.

Tại buổi kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cử tri quận Thanh Khê, lãnh đạo UBND thành phố đã giao Văn phòng UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Sở Bưu chính-Viễn thông nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý các trường hợp quảng cáo không đúng quy định.

Khi phát hiện trường hợp vi phạm, đề nghị cử tri kịp thời phản ánh với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

(Còn nữa)

H.A (Tổng hợp)

Đọc thêm