* Xin cho biết lễ Rước hến ở làng Đông Bàu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng và lễ Rước hến ở Huế có gì giống nhau, khác nhau? (Nguyễn Văn Quang, Hòa Vang, Đà Nẵng).
- Về lễ Rước hến ở Đà Nẵng, có thể tham khảo bài viết “Hến Đông Bàu” trong sách “Văn hóa xứ Quảng - một góc nhìn” (của các tác giả Võ Văn Hòe, Lưu Anh Rô, Hồ Tấn Tuấn) như sau:
“Trước khi cử lễ vài ngày, cả xóm Đông Bàu chung sức kết hai ghe làm một, trên ghe trang trí đẹp mắt, có đến 6 cây cờ xéo (cờ rìa) đủ màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen... cắm hai bên thành ghe. Quanh thành ghe trang trí các loại mô hình: khủng long, thủy long, các ngựa, hến, sò... Tất cả kết bằng lá dừa, hoặc bẹ chuối, cây ngâu, chè tàu... sao cho đẹp mắt là được, trông như một chiếc thuyền hoa rực rỡ giữa sông.
Trên ghe, người ta ghép, đặt một cái bàn có hương án, bài vị. Lễ rước có cử chánh bái, tư lễ, trống, chiêng đi kèm. Ghe rước xuất phát từ xóm Hến, ngược dòng đến An Trạch, sau đó quay xuống tận miếu Một - vùng ngã ba sông, đoạn, quay lại xóm Hến và lễ chấm dứt tại đây.
|
|
Nghe hen: Đãi hến bên bến sông. |
Trên đoạn đường dài 20km đường sông, ghe đi chậm, trống, chiêng cử đều nhịp.
Sau lễ rước, xóm Đông Bàu xuống sông bắt đầu cho mùa cào hến. Lễ rước hến ở Đông Bàu cũng như một số địa phương khác tuy có khác về hình thức, song qua đó thể hiện yếu tố tự lực, tự cường lại vừa có giá trị tinh thần của người dân Đông Bàu, vì sự sinh tồn của nhiều thế hệ. Tục rước hến đã trở thành dấu ấn đậm nét trong nhân dân (nay không còn nữa), trở thành phẩm cách của Đông Bàu (Hòa) tự khẳng định bản lĩnh của mình như “Phong Lệ mục đồng, Giáng Đông hát vật”. Chính vì con hến nên khi ngang qua vùng Phong Nam ta vẫn còn nghe được câu hát một thời: Ai về Phong Lệ thì về/ Phong Lệ có nghề bán hến nuôi trâu”.
Nghề hến ở làng Đông Bàu (nay là Đông Hòa) đã tàn và lễ Rước hến ở đây cũng không còn nữa.
Trong khi đó, nghề hến vẫn tồn tại ở làng Cồn Soi, phường Giang Hến (thuộc xã Phú Xuân cũ) nay thuộc phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Ngày 24 tháng 6 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức lễ Rước hến, giữ lệ 3 năm làm lễ lớn một lần.
Lễ Rước hến ở Huế bắt nguồn từ một chuyện dân gian khá lý thú. Nguyên vào năm Thành Thái thứ tư (1892), phường Giang Hến có một phụ nữ tên là Trần Thị Thẹp đi “tròng” (một loại thuyền nhỏ) ra dũi hến ở vùng sông trước đình Hương Cần thuộc huyện Hương Trà, bị hương lý nơi này kéo ra bắt, đưa “tròng” của bà lên bờ đòi đóng thuế phạt, với lý do “Hến về làng như Thành hoàng về miếu”.
Dân phường Giang Hến hay tin, làm đơn kéo nhau đi kiện. Vua châu phê rằng: “Tự nguyên đầu chí hải khẩu, đầm trì thọ tô, giang hà đắc dụng”; nghĩa là: từ đầu nguồn đến cửa biển, ao đầm (mới) chịu thuế, sông nước được dùng (không phải chịu thuế)”.
Thắng kiện, người dân Giang Hến làm thuyền hoa, trang trí cờ lọng đi rước châu phê, buộc xã Hương Cần phải thả người và trả “tròng”. Bên thắng kiện cung nghinh thánh chỉ rước về tận đình Giang Hến làm lễ tạ. Theo ý chỉ của vua, người dân phường Giang Hến nghiễm nhiên trở thành người của sông Hương với cái nghề độc nhất vô nhị là nghề cào hến. Từ đó, làng lấy ngày này làm lễ Rước hến hằng năm.
ĐNCT