CỬA SỔ TRI THỨC

* Xin cho biết những điểm tiến bộ của Bộ Luật Hồng Đức thời nhà Lê? (Trần Đại Sĩ, Thanh Khê, Đà Nẵng).

* Xin cho biết những điểm tiến bộ của Bộ Luật Hồng Đức thời nhà Lê? (Trần Đại Sĩ, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Luật Hồng Đức là tên gọi khác của Bộ Hình luật Lê triều. Trong quá trình xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, nhà Lê đã lấy những quan điểm của Nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế hóa một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân nghĩa, yêu nước, thương nòi, lấy dân làm gốc, quan tâm đến đời sống của muôn dân.

Bộ luật Hồng Đức được lưu lại đến ngày nay bao gồm 13 chương với 722 điều, tổng hợp nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau: Luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân - gia đình, luật hành chính...

Các điểm tiến bộ rõ nét nhất là việc Luật Hồng Đức cho người con gái có quyền thừa kế ngang bằng với người con trai, cho thấy vai trò của người phụ nữ đã được đề cao hơn rất nhiều so với các bộ luật đương thời trong khu vực. Theo đó, người vợ có quyền quản lý tài sản của gia đình (khi chồng chết) và họ có quyền thừa kế như nam giới.

Điểm thứ hai, là hình phạt cho phạm nhân nữ bao giờ cũng thấp hơn so với phạm nhân nam.

Điểm thứ ba, nó thể hiện chính sách trọng nông của triều Lê. Bộ luật trừng phạt rất nặng các tội như phá hoại đê điều (điều 596), chặt phá cây cối và lúa má của người khác (điều 601), tự tiện giết trâu, ngựa (điều 580)…

Điểm thứ tư, Luật Hồng Đức thể hiện sự quan tâm và bảo vệ dân thường. Trong bộ luật có nhiều điều trừng phạt nghiêm khắc những người quyền quý ức hiếp, nhũng nhiễu thường dân (các điều 294, 300, 302, 304, 365).

* Trên Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 1-8-2010, trong bài viết “Cơn đau tim dài tập” có đoạn: “Xưa Kinh Kha nước Triệu tạm biệt bạn bè bên sông Dịch để sang Tần ám sát Tần Thủy Hoàng đã ứng tác “Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn” (Tráng sĩ một đi không trở về)”. Tôi nhớ có một câu thơ cũng của một thi hào Trung Hoa cũng nói đến chuyện “không trở về” này. Xin quý Báo nhắc giùm cho và giới thiệu vài nét về bài thơ này. (Nguyễn Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Đó là hai câu trong bài thơ 8 câu “Hoàng Hạc Lâu” (Lầu Hoàng Hạc) của Thôi Hiệu, một nhà thơ thời nhà Đường: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du. Dịch nghĩa: Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại/ Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.

Đã có nhiều tác giả dịch bài thơ nổi tiếng này ra tiếng Việt như Tản Đà, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Ngô Tất Tố, Vũ Hoàng Chương... Trong đó, Tản Đà là một trong những người dịch đầu tiên và tài năng của ông đã giúp cho bài thơ Trung Hoa trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Dưới đây là bản dịch của Tản Đà (hai câu in đậm là dịch thơ hai câu thơ nói trên):

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?/ Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ/ Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay/ Hán Dương sông tạnh cây bày/ Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non/ Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Bài thơ nổi tiếng đến nỗi, dân gian tương truyền rằng, khi Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, nhưng đọc xong bài thơ Thôi Hiệu đề trên vách, liền vứt bút, ngửa mặt than rằng: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu. Dịch nghĩa: Trước mắt thấy cảnh không tả được/ Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu.

Đ.N.C.T

Đọc thêm