Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục CNTT Phạm Đức Dụ cho biết, năm 2021, Cục Công nghệ thông tin đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ có liên quan để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin trong Bộ, Ngành Tư pháp và triển khai có hiệu quả, kịp thời đối với các nhiệm vụ đột xuất.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ được triển khai rộng khắp các lĩnh vực như: công tác chỉ đạo điều hành qua môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực: hộ tịch, thống kê, phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, CSDL về văn bản quy phạm pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương...
Theo đó, Cục đã duy trì, đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ; Giám sát thường xuyên hệ thống, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề về an toàn thông tin, đảm bảo các hệ thống công nghệ thông tin được an toàn, bảo mật; kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các loại mã độc máy tính nguy hiểm trong mạng máy tính Bộ Tư pháp. Quản lý, vận hành, đảm bảo các Hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng hàng trăm ngàn lượt truy cập hàng ngày cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp. Vận hành nền tảng kết nối, chia sẻ dùng chung của Bộ đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với cơ quan có liên quan nhằm từng bước xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Đức Dụ. |
Đồng thời, bảo trì, sửa chữa hệ thống mạng, Trung tâm dữ liệu điện tử … đáp ứng nhu cầu hoạt động thường xuyên của các hệ thống thông tin, ứng dụng chuyên ngành, hệ thống mạng, hệ thống máy tính của Bộ; đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc của Bộ hoạt động thông suốt; Vận hành hiệu quả Hệ thống Hội nghị truyền hình của Bộ ...
Phó Cục trưởng Phạm Đức Dụ cũng đã thông tin cụ thể kết quả công việc theo các nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác năm về: Vận hành, nâng cấp, mở rộng, phát triển, triển khai các Hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng; Duy trì, phát triển hạ tầng kỹ thuật; Đảm bảo an toàn an ninh thông tin; Phát triển Cổng/ trang thông tin điện tử…
Đặc biệt, trong thời gian triển khai các biện pháp thực hiện làm việc dãn cách để phòng chống dịch Covid-19, Cục đã bố trí nhân sự, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho nhu cầu làm việc trực tuyến của các cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ cũng như các hệ thống thông tin trên toàn quốc. Cục cũng duy trì, hỗ trợ, phục vụ hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm khi có nhu cầu sử dụng Hệ thống hội nghị truyền hình của Bộ (Vmeet) của Bộ cũng như các cuộc họp trực tuyến với các tổ chức trong và ngoài nước bằng các hình thức trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Webex…
Hội nghị cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021; đồng thời đề xuất nhiệm vụ trong tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện công tác công nghệ thông tin năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định năm 2021, trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác chuyên môn, tập thể Cục Công nghệ thông tin đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ được giao. Công tác quản lý, điều hành đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, của Ngành, phần nào đã thể hiện sự chủ động, quyết liệt và có các định hướng, giải pháp mang tính đổi mới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin được Cục quan tâm, chú trọng hơn; cơ bản phát huy được vai trò trung tâm trong việc tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ quyết định các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ. Trong năm 2021, Cục cũng đã chủ động, nỗ lực cùng với các đơn vị xây dựng và trình Ban cán sự đảng dự thảo Nghị quyết về một số định hướng đối với công tác công nghệ thông tin và truyền thông trong thời gian tới.
Cùng với đó, Cục tiếp tục duy trì tốt Cổng thông tin điện tử của Bộ là một trong các cổng thông tin có số lượng người truy cập hàng ngày nhiều nhất (khoảng trên 30.000 lượt người truy cập/ngày). Vấn đề an toàn an ninh thông tin mạng, bảo mật cơ sở dữ liệu cơ bản đáp ứng được yêu cầu, cho đến nay chưa có sự cố an ninh mạng đáng tiếc nào xảy ra.
“Trong đại dịch Covid 19 vừa qua thì mới thấy vai trò quan trọng, không thể thiếu được của công nghệ thông tin trong triển khai công việc trong bối cảnh tình hình mới và Cục Công nghệ thông tin đã làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình, đem lại các phương tiện, công cụ, phương thức và nói rộng hơn là hệ sinh thái số giúp cho Bộ và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó phải ghi nhận việc tiếp tục duy trì tốt các hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, các ứng dụng, phần mềm quản lý văn bản, chuyên môn nghiệp vụ… trong bối cảnh nguồn lực con người và điều kiện kỹ thuật hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ còn hạn chế. Các đồng chí quả thực là những chiến sỹ thầm lặng, đứng đằng sau những kết quả công tác tốt của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2021…” , Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị tập thể Cục CNTT tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ/Ngành Tư pháp đảm bảo hiệu quả, thiết thực đúng với các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ số, nhất là các nội dung về kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu.
Cùng với đó, tiếp tục tham mưu các giải pháp để đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được các nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng gia tăng của Bộ, đi cùng với đó là những giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng đối với hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ, nhất là các cơ sở dữ liệu có chứa những thông tin thuộc về bí mật đời tư cá nhân./.