Cục Điện ảnh không cử phim Kiều và Bố già dự Quả cầu vàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc Bố già và Kiều là những phim Việt Nam tham dự giải Quả cầu vàng đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Mới đây, Cục Điện ảnh đã có ý kiến
Phim điện ảnh Kiều
Phim điện ảnh Kiều

Vừa qua, trang web của giải Quả cầu vàng công bố Bố già và Kiều là những phim Việt Nam tham dự vòng sơ loại phim không nói tiếng Anh tại giải này năm 2022. Ban tổ chức Quả cầu vàng giới thiệu Kiều là phim hành động, lãng mạn, chính kịch được dàn dựng đẹp mắt, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du với 3.254 câu lục bát. Đây là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Về phim điện ảnh Kiều, bài viết nhận xét phim có thiết kế sản xuất rực rỡ, trang phục đẹp, bắt mắt, nhạc phim sử dụng nhạc cụ cổ.

Bố già (tên tiếng Anh Dad, I'm Sorry) được giới thiệu là phim lập kỷ lục doanh thu ở Việt Nam với 20 triệu USD (hơn 460 tỉ đồng), đồng thời thu 1 triệu USD tại phòng vé Mỹ, chiếu tại Úc, Malaysia và Singapore. Phim được nhận xét có phong cách hài Việt Nam pha trộn với Hàn Quốc.

Phim Bố già

Phim Bố già

Tuy nhiên sau khi thông tin trên được công bố, đã có nhiều luồng dư luận tranh cãi. Trong số này, đa phần đề nhận định hai bộ phim không đủ “sức nặng” để đại diện điện ảnh Việt đi tranh giải tại một trong những LHP lớn nhất thế giới.

Trước đó, Kiều từng bị chê là “thảm họa điện ảnh Việt” bới lối diễn còn vụng, kịch bản thiếu logic, khiến khá giả trong nước không mấy quan tâm. Còn Bố già, tuy đạt kỉ lục doanh thu nhưng chỉ được đánh giá như một phim giải trí nhẹ nhàng, và còn nhiều lỗi về hóa trang, diễn xuất nặng về kịch...

Trước các luồng dư luận, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Cục Điện ảnh không cử phim Kiều và Bố già dự Quả cầu vàng, 2 bộ phim này có mặt ở vòng sơ loại là do nhà sản xuất tự gửi dự thi. Mỗi liên hoan phim có một yêu cầu riêng, trong đó, do Oscar có yêu cầu phim tham dự là phim duy nhất đại diện cho quốc gia nên mỗi năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Điện ảnh lập hội đồng tuyển chọn, cử tham dự. Còn lại, với các liên hoan phim khác, nhà sản xuất tự tìm hiểu và gửi dự thi.

Về việc mỗi bộ phim đi thi quốc tế đều là cơ hội để điện ảnh Việt Nam được quảng bá ra thế giới, với ý kiến cho rằng, nên chăng cần vòng sơ loại trước từ trong nước nhằm chọn ra bộ phim tốt, phù hợp chinh chiến tại các giải thưởng điện ảnh lớn, tôi cho rằng không cần thiết.

Mỗi giải thưởng điện ảnh đều có yêu cầu riêng, cho nên, các nhà sản xuất trong nước chỉ cần tìm hiểu kỹ và lượng sức mình tham dự. Các quy định đều được ban tổ chức đề ra cụ thể thì tại sao Việt Nam lại cần “sinh” thêm quy tắc khác biệt hay luật chơi của riêng mình làm gì? Việc tham dự hay không là tự do, phụ thuộc vào các nhà sản xuất, phía Cục không có ý kiến”.

Đọc thêm