Cùng chúng tôi bảo vệ các loài gấu Việt Nam!

Trong nỗ lực kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ các loài gấu Việt Nam đang trên bờ tuyệt chủng do hoạt động nuôi nhốt trái phép nhằm mục đích thương mại, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) – Văn phòng tại Đà Nẵng nhiều lần tổ chức các triển lãm và ký cam kết “Không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu”.
Trong nỗ lực kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ các loài gấu Việt Nam đang trên bờ tuyệt chủng do hoạt động nuôi nhốt trái phép nhằm mục đích thương mại, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) – Văn phòng tại Đà Nẵng nhiều lần tổ chức các triển lãm và ký cam kết “Không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu”.
Hoàng Văn Chương (trái) Trưởng nhóm điều tra thực địa Trung tâm Giáo dục thiên nhiên – Văn phòng Đà Nẵng.
Bên lề cuộc triển lãm mới đây tại trường ĐH Bách khoa, Trưởng nhóm điều tra thực địa ENV Đà Nẵng Hoàng Văn Chương mong muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp “Hãy góp sức ngăn chặn nạn buôn bán gấu” thông qua Chào bạn trẻ.

* P.V: Việc tuyên truyền chống buôn bán gấu tại Đà Nẵng có được xem là cấp thiết?

- Anh Hoàng Văn Chương (Anh H.V.C): Rất cấp thiết! Bởi theo điều tra của gần 200 nhân viên và cộng tác viên ENV Đà Nẵng, ở Đà Nẵng có nhiều cơ sở lớn nhỏ nuôi nhốt gấu để chích hút mật. Những trang trại lớn nuôi nhốt trên 10 con gấu thường nằm ở ngoại vi thành phố, mỗi tuần hoặc mỗi tháng đều mời khách hàng tới tham quan, sau đó chích hút mật tại chỗ nếu khách có nhu cầu. Một số cơ sở nhỏ lẻ nhốt gấu ngay trên lầu nhà mình và hạn chế người lui tới. Có cơ sở trương biển hiệu ngay trên quốc lộ, nhưng vẫn nghiễm nhiên tồn tại nhiều năm qua.

Chúng tôi cũng xin thông tin thêm, trên toàn quốc hiện chỉ còn 300 cá thể gấu trong tự nhiên, nhưng lại có tới 4 nghìn con gấu đang bị nuôi nhốt để phục vụ nhu cầu chích hút mật gấu và ngâm chân tay gấu trong rượu. Chúng tôi muốn hành động ngay trước khi các cá thể gấu cuối cùng biến mất khỏi tự nhiên do sự tàn hại của con người.

Nhiều sinh viên ký cam kết “Không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu”.
* P.V: Nhưng sinh viên không phải là đối tượng chính sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu (MG&CSPTG). Vì thế, tổ chức triển lãm và ký cam kết trong khuôn khổ trường ĐH có vẻ thiếu thực tế.

- Anh H.V.C: Bây giờ họ là sinh viên, nhưng trong tương lai gần, họ sẽ là lực lượng lớn tạo ra của cải và thụ hưởng vật chất mà họ làm ra bằng nhiều cách khác nhau. Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức của họ ngay từ khi họ chưa sử dụng hoặc chưa có ý định sử dụng MG&CSPTG.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện nhiều cuộc triển lãm, ký cam kết tại những chỗ đông người như siêu thị, công viên. Mới đây nhất là triển lãm tại Siêu thị Co.op Mart với gần 1 nghìn người cùng ký cam kết, trong đó 70% là người đã làm ra tiền. Mục đích của chúng tôi không phải là kêu gọi càng nhiều người ký cam kết càng tốt, mà chủ yếu là “đánh” vào nhận thức cộng đồng. Người ta sẽ không thay đổi ngay quan điểm của mình, hoặc dừng ngay việc sử dụng nếu có sau khi ký cam kết, mà chúng tôi kỳ vọng, khi đặt bút ký, người ta biết mình đang ký cái gì, hiểu rõ việc sử dụng MG&CSPTG sẽ gây nguy hại gì cho loài gấu và đời sống tự nhiên.

Khi thay đổi nhận thức, dần dần người ta sẽ thay đổi thái độ, thay đổi hành vi. Các hoạt động tương tự sẽ được chúng tôi tổ chức thường xuyên, lặp đi lặp lại ở nhiều nơi khác nhau, bởi thay đổi nhận thức không phải là chuyện ngày một, ngày hai.

* P.V: Nhưng e rằng kêu gọi cộng đồng ký cam kết bảo vệ gấu vẫn là chưa đủ.

- Anh H.V.C: Đúng vậy! Trong quá trình điều tra thực địa, nếu phát hiện người ta đang mua bán, chích hút MG&CSPTG cũng như các loài động vật hoang dã nằm trong danh mục được Chính phủ bảo vệ, chúng tôi điện thoại ngay cho Cơ quan Kiểm lâm và Cảnh sát môi trường địa phương để họ có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp phát hiện việc trưng bày các động vật hoang dã khác không nằm trong nhóm nguy cấp, chúng tôi gọi điện, gửi thư hoặc công văn khuyến cáo tới cơ sở để họ biết đó là hành động vi phạm. Sau vài ngày, nếu cơ sở tiếp tục, chúng tôi sẽ gọi cho cơ quan chức năng xử lý.

Cho tới nay, ENV đã phát hiện và báo cơ quan chức năng xử lý trên 3 nghìn vụ vi phạm liên quan đến mua bán gấu và các động vật hoang dã trên toàn quốc. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, chúng tôi vẫn chưa thực sự được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng. Chúng tôi tha thiết mong muốn kết nối thật hiệu quả với những nơi này trong thời gian tới.

* P.V: Xin cảm ơn anh.

ENV là một tổ chức xã hội tại Việt Nam chuyên sâu vào lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường. ENV kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của người Việt về những vấn đề môi trường liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), các hệ sinh thái tự nhiên và thay đổi khí hậu ở cấp địa phương, khu vực và toàn cầu thông qua các chương trình lớn: Ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD bằng cách điều tra, báo cơ quan chức năng xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD; nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động thông qua các cuộc triển lãm, ký cam kết và thông tin trên báo chí về việc bảo vệ ĐVHD…
TRIÊU NHAN (thực hiện)

Đọc thêm