Tham gia bồi dưỡng bắt buộc chuyên môn, nghiệp vụ đã được qui định là nghĩa vụ của luật sư (LS) nhằm nâng cao chất lượng hành nghề và dịch vụ pháp lý mà LS cung cấp cho khách hàng.
Hội thảo quốc tế về xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho Luật sư. Ảnh: MH |
Còn hơn 1.000 LS chưa được đào tạo bài bản
Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, nhấn mạnh: “Luật sư là nghề không chỉ qua vài khóa đào tạo mà có thể hành nghề mà phải “học cả đời”, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật luôn có sự biến động để đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội và phát triển kinh tế, cũng như quá trình hội nhập”.
Theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS, Bộ Tư pháp có trách nhiệm qui định về đối tượng, thời gian, hình thức, nội dung bồi dưỡng bắt buộc của LS, hình thức xử lý đối với LS vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ.
Kể từ Luật LS được ban hành (năm 2006) đến nay, đội ngũ LS đã tăng thêm hơn 4.000 người (250,78%), số LS có trình độ cử nhận luật trở lên chiếm khoảng 99%, số LS đã qua đào tạo nghề LS chiếm hơn 75% tổng số LS của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1.000 LS theo Pháp lệnh tổ chức LS năm 1987 không được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề, đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của LS.
Một bộ phận LS được “chuyển ngang” sau một thời gian làm việc ở các cơ quan liên quan đến pháp luật để đáp ứng yêu cầu trong tình thế cấp bách về số lượng LS, còn có một số LS mới chú trọng đến yếu tố “dịch vụ” hơn pháp lý… cùng nhiều nguyên nhân khác khiến chất lượng tham gia tố tụng của LS chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa. Một bộ phận LS còn vi phạm pháp luật, bị kết án, một số vi phạm qui tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của LS… dẫn đến làm giảm uy tín của giới LS.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS Việt Nam, một nguyên nhân “then chốt” dẫn đến những “vết đen” trong bức tranh của hoạt động LS như vậy thời gian qua là LS chưa tự ý thức về tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn. Nên dù hàng năm, Bộ Tư pháp cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng và sau khi thành lập (năm 2009), Liên đoàn LS Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho LS song các hoạt động mới như “muối bỏ bể”.
Một phần vì các lớp bồi dưỡng mới chỉ được tổ chức dựa vào sự tự nguyện của các LS nên không phải lớp nào cũng đảm bảo sự tham gia của 100% học viên trong suốt thời gian tổ chức. Bản thân các LS tham gia lớp học cũng trong tình trạng “phân tán tư tưởng” vì thời gian học đã “ngốn” khá nhiều thời gian “kiếm tiền” của họ, trừ những LS nhận thức rõ về sự cần thiết của lớp học đối với hoạt động nghiệp vụ của mình hoặc những LS tham gia các lớp học do mình tự đóng kinh phí.
Mặt khác, nguồn kinh phí hạn hẹp (chủ yếu từ ngân sách, các dự án hỗ trợ) đã khiến cơ quan quản lý nhà nước hay tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS không thể mở đủ lớp cho tất cả các LS tham gia. Không kể việc các lớp bồi dưỡng mới chủ yếu tập trung vào việc giúp LS cập nhật những qui định pháp luật mới, trong khi các LS có thể tự làm việc này khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển.
LS không thể học 1 lần mà phải học cả đời
Ở các nước có nghề LS phát trển thì nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên đã được qui định cho tất cả các LS để có thể theo kịp với sự phát triển của luật pháp và nâng cao chất lượng hành nghề, tu dưỡng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, đưa hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của LS vào một “khuôn khổ” là cần thiết để chấm dứt tình trạng “thích thì học, không thích thì bỏ” trong hoạt động bồi dưỡng của LS như hiện nay.
Dù là cần thiết nhưng dự thảo Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của LS đang được xây dựng vẫn còn rất nhiều trăn trở về đối tượng, chương trình, cách thức tổ chức, chủ thể tổ chức... Với những nguyên tắc thực hiện bồi dưỡng bắt buộc xuất phát từ trình độ, thâm niên và yêu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề LS, đảm tính thường xuyên, liên tục, hiệu quả, việc bồi dưỡng bắt buộc cho LS được “thiết kế” với nhiều hình thức như tham gia các khóa bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm về LS, tham gia giảng dạy, biên soạn giáo trình dùng cho sinh viên luật và LS, viết bài cho báo chí, đóng góp ý kiến cho các văn bản pháp luật, trợ giúp pháp lý…
Song, quan trọng nhất là cơ chế đảm bảo cho hoạt động bồi dưỡng được thực thi nên phát huy vai trò tổ chức hành nghề LS, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS theo hình thức xã hội hóa là giải pháp được nhiều LS đánh giá là hiệu quả, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện và tăng cường ý thức tự giác của mỗi LS trong việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng.
Thực tế đã chứng minh, nếu bản thân các LS tự trang trải kinh phí thì họ sẽ tận dụng tối đa cơ hội tham gia các hoạt động bồi dưỡng. Đó là yếu tố làm nên tính hiệu quả của hoạt động này. Cùng với đó là chế tài nghiêm khắc đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần tính đến những biện pháp để xử lý cả những tổ chức hành nghề LS, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS nếu lơ là trách nhiệm giám sát, kiểm tra các LS thành viên thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng hay “tiếp tay”, dung túng cho LS thành viên thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng một cách hình thức, chiếu lệ…
Huy Anh