Củng cố luận chứng xây dựng sân bay Long Thành, Tiên Lãng

Chủ đầu tư 2 dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Tiên Lãng (Hải Phòng) phải làm rõ thêm về vấn đề quy hoạch, nguồn vốn, thị trường... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Hàng không trong thời gian tới.

Chủ đầu tư 2 dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Tiên Lãng (Hải Phòng) phải làm rõ thêm về vấn đề quy hoạch, nguồn vốn, thị trường... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Hàng không trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu trên với Bộ GTVT và các đơn vị được giao làm chủ đầu tư. Trong cuộc họp ngày 15-11 về dự án sân bay Long Thành và Tiên Lãng.

Bước chuẩn bị đối với 2 dự án
Đến thời điểm này, Tổng Công ty Hàng không miền Nam (chủ đầu tư) đã có báo cáo cuối kỳ về việc lập quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời đã tính toán để  đưa ra phương án phát triển hàng không khu vực TP. Hồ Chí Minh thông qua việc đưa cảng hàng không này trở thành một sân bay trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo thành phố khảo sát việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng (sân bay Tiên Lãng). Ảnh: Chinhphu.vn
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo thành phố khảo sát việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng (sân bay Tiên Lãng).
                                                                                                       Ảnh: Chinhphu.vn

Dự án sân bay Long Thành sẽ được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 dự kiến đưa vào khai thác năm 2020, công suất mục tiêu khi hoàn thành cả 2 giai đoạn vào năm 2035 sẽ đáp ứng phục vụ được từ 80-100 triệu khách và 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 6,74 tỷ USD, dự kiến huy động  từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, nguồn ODA, từ nguồn hợp tác công -tư PPP, các hãng hàng không, nhà quản lý, khai thác sân bay, vốn tư nhân,…

Với dự án sân bay Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã thuê tư vấn lập đồ án quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng với mục tiêu là xây dựng sân bay dự phòng cho sân bay Nội Bài, thay thế cho cảng hàng không Cát Bi. Dự kiến cảng hàng không này nằm trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Tiên Lãng với diện tích đất xây dựng khoảng 4.000 ha.

Bộ GTVT đánh giá ban đầu về khả năng đầu tư xây dựng dự án sân bay Tiên Lãng. Định hình ban đầu sân bay có địa điểm nằm ngoài tuyến đê biển của huyện, có ưu điểm quỹ đất lớn, ít dân cư, vị trí kết nối giao thông thuận lợi, điều kiện thời tiết khí hậu, tĩnh không tiếp cận, không bị ảnh hưởng bởi địa hình, địa vật xung quanh.

Cần tính toán cụ thể các vấn đề liên quan
Trên cơ sở xem xét các báo cáo dự án, thẩm định được trình tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu một số yêu cầu cụ thể về 2 dự án này.
Đối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị làm rõ thêm mô hình dự báo, chú trọng các phân tích về tài chính, kinh tế, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch quản lý môi trường để cơ quan chuyên môn xem xét, thẩm định.
Đặc biệt, chủ đầu tư cùng tư vấn tính toán cụ thể cơ cấu vốn triển khai dự án để có những kế hoạch phù hợp về thủ tục đầu tư, về huy động nguồn.
Đối với cảng hàng không quốc tế tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng lưu ý trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện quy hoạch hệ thống sân bay phía Bắc, Bộ GTVT thẩm định kỹ về địa điểm, nguồn vốn, thị trường, giao thông kết nối… để xây dựng sân bay quốc tế mới phù hợp về quy mô, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không phía Đông Bắc và dự phòng cho sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Bộ GTVT, các đơn vị liên quan và địa phương tính toán kỹ về khả năng kết nối các trung tâm đô thị, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ, đặc biệt là với đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang triển khai; khả năng bố trí nguồn vốn và nhu cầu phát triển của thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới. (Chinhphu.vn)

Đọc thêm