*Xin cho biết 12 vị Hành khiển trong lễ cúng Giao thừa gồm những vị nào? Vì sao phải cúng Giao thừa ngoài trời? (Trần Ngọc Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).
|
Mâm ngũ quả trong lễ cúng Giao thừa Nam Bộ. |
(1) Năm Tý: Chu Vương Hành khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan. (2) Năm Sửu: Triệu Vương Hành khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan. (3) Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan. (4) Năm Mão: Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan. (5) Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan. (6) Năm Tỵ: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan. (7) Năm Ngọ: Tấn Vương Hành khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan. (8) Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan. (9) Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan. (10) Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan. (11) Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan. (12) Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.
Như vậy, Giao thừa năm Tân Mão này sẽ khấn “Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan”.
Theo tác giả Trọng Hùng trong bài “Xông đất và nghi thức cúng giao thừa” đăng trên http://nhadat.thanhnien.com.vn thì cúng Giao thừa, mỗi nơi mỗi khác. Như người Nam Bộ thì sắm một mâm ngũ quả gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (hoặc thơm), hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn... tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc, sau khi hết 3 tuần hương thì hóa tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.
Cúng Giao thừa phải thiết lễ ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và cúng ở trong nhà để đón rước thần năm mới. Trong sách “Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam (Tân Việt, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội – 1997, tr.170) giải thích việc này như sau:
“Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm mới. Vì việc bàn giao, tiếp quản hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài phút giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà”.
Trong lễ cúng Giao thừa cũng có trường hợp chủ nhà “lấy lòng” người nhà trời. Theo sách đã dẫn, mặc dầu phút bàn giao bận rộn, khẩn trương nhưng vì là… người nhà trời nên các quan thấu hiểu ngay “ruột gan” của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn qua khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức dông thẳng, chẳng thèm ngó ngàng gì đến. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ chén rượu, nén hương là các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức và dốc lòng phò hộ.
ĐNCT