Cũng là chuyện đời, chuyện người...

30 năm trước, chúng tôi từng chung sống trên mảnh đất ba- zan, người phố Núi, kẻ Ban Mê, yêu văn nghệ và mê thể thao lắm. Và yêu nữa là cái việc trao đi đổi lại xung quanh những bếp núc văn hóa, thế nên cuối năm Dần, chúng tôi lại gặp nhau và tiếp tục những đam mê của mình.
30 năm trước, chúng tôi từng chung sống trên mảnh đất ba- zan, người phố Núi, kẻ Ban Mê, yêu văn nghệ và mê thể thao lắm. Và yêu nữa là cái việc trao đi đổi lại xung quanh những bếp núc văn hóa, thế nên cuối năm Dần, chúng tôi lại gặp nhau và tiếp tục những đam mê của mình.

Nguyễn Lưu: -Đời sống văn học 2010 quá ư ảm đạm. Một nhà văn quân đội bảo tôi: Đại hội mà người ta chỉ chăm chăm lo chuyện nhân sự, đưa những nhân vật không tiêu biểu, không hề đại diện cho ai…, ông nhà thơ thấy thế nào?

Văn Công Hùng: Nói thế cũng chưa chắc đúng nhưng cũng biểu hiện một điều là văn chương luôn được chú ý, được quan tâm. Người ta luôn đòi hỏi văn chương phải có hơn những gì nó đang và đã có. Thời nào cũng vậy thôi. Cái đại hội nhà văn cũng đình đám đấy chứ. Nó đình đám có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người ta thêu dệt và tưởng tượng thêm, chứ người trong cuộc, ngồi trong hội trường thấy nó không đến nỗi như báo chí và các trang mạng đồn thổi. Nhà văn thì làm sao có thể đại diện cho ai, ban chấp hành (BCH) hội nhà văn là những người làm việc, biết tổ chức lo toan cho người khác yên tâm sáng tác chứ không có nghĩa các vị ấy tài hơn giỏi hơn những người khác. Ví dụ như tôi biết ngay cuộc họp đầu tiên của BCH khóa này, mọi người đã nhất trí là trong suốt nhiệm kỳ sẽ không ai nhận tiền tài trợ tiền đầu tư sáng tác. Đấy là hy sinh chứ còn gì. Đúng là khi bầu BCH  người ta không chú ý lắm đến tính đại diện nên tập trung ở Hà Nội khá đông, nhưng nếu hiểu theo nghĩa chấp hành thì điều ấy lại là tốt, vì thực ra BCH  là người đưa ra các chủ trương kế hoạch lớn, còn thực hiện là các ban chuyên môn chứ, về đánh giá chất lượng nghệ thuật thì lại là các hội đồng nghệ thuật chứ.

Nguyễn Lưu: Ông nói nghe hay đấy. Và hay nữa nếu như các hội đồng nghệ thuật ấy, nói riêng là hội đồng văn xuôi, thực thi chuẩn xác nhiệm vụ của họ. Thành tựu của một nhà văn, ai cũng thấy, không thể chỉ là những giải thưởng hay một danh hiệu nào đó, chưa nói giải thưởng sai, danh hiệu sai, mà là cái khác cơ. Và thế là sau này, sẽ có người phải chịu, phải nhận trách nhiệm về sự trái khoáy này.

Văn Công Hùng: Nhà văn, thành tựu của họ chỉ có thể là tác phẩm, và thước đo tác phẩm ấy là người đọc. Giải thưởng chỉ là một phần của thước đo, bởi nó là cách đánh giá của một ban giám khảo, có thể ban giám khác sẽ đánh giá khác, chỉ có ban giám khảo công chúng và thời gian là tạm coi chính xác. Ở ta cái danh được coi nặng quá, nên chuyện xin vào hội chẳng hạn, phức tạp vô cùng, trong khi năng lực sáng tạo và tài năng của anh hội viên và anh không hội viên ai dám bảo ai hơn ai? Tác phẩm trung bình mà cứ thổi lên thì chỉ như lửa rơm thôi, một thời gian nó sẽ trở về vị trí, ngược lại, đã hay thì vùi dập đến mấy nó vẫn trồi lên. Tất nhiên là ở nước ta, sự trồi lên nhất thời nhiều khi cũng có những cái lợi chứ không phải không, vì thế mà mới phải chạy, cái gì cũng chạy, chạy danh hiệu, chạy giải thưởng, chạy vào hội, chạy phong tặng... mà nhiều khi chỉ là chạy... quanh, còn những người có trách nhiệm lại không biết có sự chạy này. Nhưng đã có ý thức chạy thì cũng có những anh dẫn đường chạy. Và ít nhất phải có chút lợi lộc gì đó người ta mới chạy.

Nguyễn Lưu: Chỗ này nghe được. Xem ra thì Giải thưởng Tiểu thuyết 4 năm (Hội thề của Nguyễn Quang Thân) là được, khá sâu, tuy nhiên lại có anh cao hứng phán rằng hễ tiểu thuyết là phải thể hiện sự trải nghiệm, ý nói chỉ có người nhiều tuổi mới có. Họ quên rằng Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ lúc 17tuổi, thi nhân họ Chế lúc viết Điêu Tàn cũng tuổi ấy…mà điều đáng nói là người ta đã cao giọng để phán như thế.

Văn Công Hùng: Sự trải nghiệm chính là tài năng chứ không phải là sống lâu. Tôi ở xa chưa được đọc cuốn nào trong số được giải nên không dám lạm bàn. Cái anh có tài ấy họ chỉ loáng qua là hiểu vấn đề, là ra nhân vật, là chữ rộn ràng, là tứ sênh sang, còn bất tài thì sống mãi vẫn cứ ù lì ra đấy. Nguyễn Ngọc Tư viết về Nam Bộ như thế là quá tài chứ gì, là Nam Bộ rặt chứ gì, mà cô ấy rất trẻ.

Nguyễn Lưu: Lâu lâu mới thấy lại “thứ” này, lạ mà quen, vì theo tôi cô Tư đã tái xác nhận ưu thế của cái bút pháp mà khi xưa, cụ Hồ Biểu Chánh đã rất cừ trong “Ngọn cỏ gió đùa”. Nói đến đời sống văn học năm qua, cần nhắc đến việc Hội Hà Nội ra mắt với một tân chủ tịch là ông bạn Phạm Xuân Nguyên mà tôi biết rất mê bóng chuyền, bên chén trà tôi có nghe bà con nói tốt nhưng cơ cấu chưa tới tầm.

Văn Công Hùng: Tôi không dám đánh giá về việc hội Hà Nội ra làm sao, nhưng có một điều tôi phục, ấy là cách xử lý của Hà Nội. Tôi biết thông thường là các đại hội như thế phải duyệt rất kỹ từ báo cáo đến nhân sự, bao giờ suôn sẻ mới đại hội, và đại hội nhất định thành công. Thế mà các bố Hà Nội cứ làm ào ào, nghe nói báo cáo gửi có nửa ngày, nhân sự cũng rưa rứa, và đại hội, và Hà Nội công nhận. Nó mở ra một hướng cho dân chủ và tự chủ cho các hội Văn học Nghệ thuật. Tất nhiên như thế thì anh cũng phải chủ động tự chủ nhiều thứ, trong đó quan trọng là cơ sở vật chất và kinh phí. Hà Nội làm được điều ấy là tiên phong đấy. TP HCM như thế mà cơ quan hội ban bệ đầy đủ lắm. Đây ông Nguyên chả có xe pháo trụ sở gì, kinh phí rất ít, nghe đâu có một nhà thơ- doanh nghiệp ủng hộ cho hội hai trăm năm mươi triệu để chi tiêu. Cũng là một cách nên học tập, có điều không phải nơi nào cũng có những người vừa kinh doanh giỏi, vừa làm văn tài lại còn hào phóng và không... sợ vợ nữa để mà mang tiền nhà ra cho hội...

Nguyễn Lưu: Ha ha, thì ra ông quả là tay sành. Ta chuyển gam chút nhé, mà đây là địa hạt của tôi đó. Xem ra thì “Sao Mai điểm hẹn” đuối dần, Vietnam Idol quá nghiệp dư và mang tính tự phát mà nhìn chung thiếu tài năng trẻ thật sự. Vẫn biết là tài năng nghệ thuật không phải cứ có tổ chức, cứ thoải mái tung hô hay cứ tha hồ tự xưng là được. Tuần trước, nhạc sỹ Nguyễn Cường bảo tôi rằng giới lý luận quan tâm đến Vietnam Idol làm gì, cứ để nó tự phát rồi tự điều chỉnh, tuy thế, ông Cát Vận lại nhấn mạnh tính định hướng đến các sân chơi loại này.

Văn Công Hùng: Nhưng nó được một điều, ấy là thu hút giới trẻ. Có lẽ sau bóng đá là đến món Ai Đồ và Sao Mai điểm hẹn. Còn như hiện nay, nhạc trẻ như thế, hát hò như thế, clip như thế, ai cũng thành nhạc sĩ ca sĩ hot được như thế thì việc đuối dần cũng là dễ hiểu. Nghệ thuật không thể ăn xổi ở thì mà nó là qúa trình học hành rèn luyện đến kiệt người mà còn chưa thành công huống gì mấy "nhạc sĩ" trẻ bây giờ nhạc chỉ mấy nốt, viết như tụng kinh, lời ngô nghê như trẻ lên ba tập nói, mấy "ca sĩ" chủ yếu chân dài hơn họng, quay cuồng nhiều hơn hát, và khi hát thì đọc không dấu là chủ yếu... thì làm sao mà hy vọng. Với lại cần cảnh báo một hiện tượng là các "sao" trẻ bây giờ thành sao sớm quá, thậm chí là siêu sao. Họ bằng mọi giá để nổi tiếng, để thành sao, và sau đó là hét giá cát sê. Bên bóng đá cũng thế, phàm là thành sao là giá cao ngất. Và khi thành sao thì có quyền khệnh khạng, sự khệnh khạng giết chết tài năng thật sự, chỉ còn những giá trị ảo. Các cơ quan truyền thông cũng góp phần quan trọng, không nhỏ đâu nhé, trong việc đưa người trần thành sao, siêu sao rồi bỏ mặc họ bơ vơ trên ấy, trong khi cái họ cần là chân bước vững trên mặt đất.

Nguyễn Lưu: Ok. Trong một lần tham gia “Tọa đàm âm nhạc” của Vietnam Radio, tôi và nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc có chung tâm sự; theo đó chúng tôi không sao đủ can đảm nghe hết một bài hát của các ca sỹ hip hop được gọi là “sao” ở thời A-còng. Ông có để ý đến việc sân khấu xã hội hóa ở phía Nam đang nguội dần, thay vì phát triển mạnh mẽ như năm ngoái. Còn ở phía Bắc, nhà văn Chu Lai than rằng nó đang đông lạnh dù Hội nghệ sỹ sân khấu đã cố gắng mở đến 5 trại mà vẫn chưa tìm thấy “vàng”. Thì ra cái quy luật của sáng tạo và thẩm mĩ là thời vụ, chưa phải cứ hô hào là có…

Văn Công Hùng: Nó là nạn nhân của các phương tiện nghe nhìn hiện đại và đời sống hiện đại thôi. Bây giờ người ta lười suy nghĩ, xem- kể cả đọc- cái gì đơn giản, cười cái rột, rồi thôi. Cần thì nằm nhà xem phim trên tivi, cũng đủ phim hay. Trở lại chuyện đọc cũng thế, tôi chứng kiến nhiều người xúm lại khen một quyển nào đó, sau đó, khi thật thân mật, hỏi thật, thế bác đọc chưa, bảo đã đọc đâu nhưng nghe thằng X thằng Y bảo được lắm... Cho nên người sáng tạo và cả người quan tâm không nên nóng vội, không ép chín non. Sự đòi hỏi cũng cần từ hai phía, hết cái thời mà chồng ngồi sáng tác vợ hầu quạt rồi, mà bây giờ, trước khi ông ngồi viết, ông nộp lương vô đây đã nhé...

Nguyễn Lưu: Lại chuyện lương-tiền. Bên điện ảnh rộ lên “Cánh đồng bất tận”, tôi cho là bình thường thôi có gì mà rộn? Các hãng phim thi nhau PR quá thể, nhất là cái vụ doanh thu của phim này... Nhưng ông nghĩ sao về những cuộc thi nhan sắc của năm Dần đã gây ra nhiều cú sốc quá, nhan sắc Việt xem ra chỉ ở dạng “quý hồ đa”?

Văn Công Hùng: Thế nên người ta mới phải sử dụng đến các Scandale, mấy ngày nay còn thấy vài báo mạng toàn đưa các sự kiện người đẹp lộ nội y. Thôi thì muôn hình vạn trạng, từ vô ý đến cố tình, mà cố tình có vẻ nhiều hơn. Thú thật xem thi các loại người đẹp, tôi hãi nhất là đến phần trả lời. Tim đập chân run, mặt đỏ rần lên vì xấu hổ... thay. Ấy mà nghe nói đã đưa đáp án cho học trước rồi đấy. Bây giờ lại còn có chiêu kết hợp ba trong một: Viết văn, lộ nội y và tuyên bố sốc, kiểu như  cô "nhà Văn" Kiều Như nào đó. Đến mức mà bây giờ nghe báo nói là có cô nào đó đã lọt đến top bao nhiêu người đẹp thế giới rồi mà cũng chả buồn để ý nữa. Lại còn quý bà nào đó bị cấm xuất cảnh, cứ là ầm ĩ cả lên...

Nguyễn Lưu: -Nhà thơ cao nguyên yêu thể thao nói sao với mấy thất bại ê chề của TTVN, từ tấm HCV duy nhất ở Quảng Châu cho đến thất bại cay đắng của ĐTVN trong đêm đông Mỹ Đình?

Văn Công Hùng: Ngay khi tiếng còi kết thúc trận đấu Việt Nam Mã Lai ở sân Mỹ Đình tôi đã viết ngay trên blog Entry "Chạm đáy". Lâu nay cứ lơ lửng mãi trên mây, giờ mấy chú Mã cho phát chạm đáy, thế mà vẫn còn hung hăng lắm, vẫn chưa thấy rõ mình. Giới truyền thông thổi ông Calisto lên hàng Phù thuỷ, thế là phù thuỷ càng bảo thủ tợn, cứ đá hùng hục như trâu húc mả, chả có tẹo sáng tạo nào. Mà cái ông Tô này lại còn thiếu văn hoá nữa, mà vụ gần đây nhất là không thèm bắt tay cậu HLV Philipine 33 tuổi khi người ta đã chìa tay ra. Mấy ông liên đoàn có vẻ bảo vệ "thầy Tô" này tợn, lại còn định gọi ngoại binh nhập tịch vào đội tuyển để thầy kiếm thành tích. Nếu thế thì nguy to ông ạ. Người ta có ngoại binh nhưng là mang dòng máu nửa nọ nửa kia, chứ mình mấy chú cầu thủ tận đẩu đâu nửa tiếng Việt không biết, mấy CLB giàu muốn oai tuyển về rồi cho nhập tịch để biến đội bóng của mình thành đội bóng ngoại, rồi giờ lại nhân đấy đưa vào tuyển thì còn cái nhẽ gì, thế thì thà bỏ tiền mua tivi K+ mà xem bóng đá Anh cho sướng?

Nguyễn Lưu: Tôi hơi bị sướng và khoe với ông rằng hồi ’95, tôi có trả lời BLV Ngô Quang Tùng trên VTV rằng nếu ở Braxin có bao nhiêu dân thì chừng ấy là HLV, còn nếu Việt Nam có bao nhiêu dân thì chừng đó BLV; quy luật lớn nhất của bóng đá là…không có quy luật gì hết. Và bây giờ thì bóng đá xứ ta đang cần cuộc đại phẫu cẩn thận may ra mới cứu được chiến hạm Vinashin của VFF, bởi bệnh đã vào đến cao hoang rồi. Năm mới sắp đến ta tung tẩy cho vui và cũng hiểu cái khó cái khổ đều bắt nguồn từ chuyện đầu tiên của chính chúng ta. Thì cũng là chuyện đời, chuyện người cả thôi...

Đọc thêm