Cùng lúc, vào thầu thi công 6 dự án cao tốc, họ là ai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 6 gói thầu này đều nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Gói lớn nhất trị giá hơn 1.100 tỷ đồng, nhỏ nhất cũng gần 600 tỷ, đều do những người lính thợ Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm trách thi công.
Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn/Binh đoàn 12 ký cam kết thi đua trên công trường cao tốc Bắc - Nam
Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn/Binh đoàn 12 ký cam kết thi đua trên công trường cao tốc Bắc - Nam

Lợi thế đóng quân khắp mọi miền

Ba năm qua kể từ thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (2019), từ khóa “cao tốc Bắc - Nam” luôn được nhắc tới trong các cuộc họp điều hành sản xuất của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12/Tổng công Xây dựng Trường Sơn, các Công ty thành viên và Ban điều hành các công trường của Tổng công ty khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Tất cả các nguồn lực về tài chính, thiết bị xe máy và con người của Trường Sơn vì thế cũng dồn hết cho đại công trường cao tốc Bắc - Nam. Vì trong số 11 dự án thành phần thuộc trục dọc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT triển khai, thương hiệu Trường Sơn đều có mặt và phần lớn đều đứng đầu các liên danh nhà thầu thi công các gói thầu. Lớn nhất phải kể đến trong số này là Gói thầu XL13 (trị giá 1.127 tỷ) đoạn Mai Sơn - QL45, Gói thầu XL01 (gần 1.000 tỷ) đoạn QL45 - Nghi Sơn, Gói thầu XL02 (700 tỷ) đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, và nhỏ nhất là Gói thầu XL02 đoạn Cam Lộ - La Sơn, trị giá gần 600 tỷ…

Ngoài ra, “Tổng” này còn góp vốn làm nhà đầu tư, đồng thời cũng là nhà thầu thi công tại Gói thầu XL02 Dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt, một tiểu dự án được làm theo hình thức PPP trên trục Bắc - Nam.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra đoạn Cam Lộ - La Sơn, nơi Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có Gói thầu XL02 về đích đầu tiên

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra đoạn Cam Lộ - La Sơn, nơi Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có Gói thầu XL02 về đích đầu tiên

Thực tế nói trên khiến nhiều đối tác và một số chủ đầu tư trong, ngoài ngành Giao thông ngạc nhiên về khả năng “phân thân” của Trường Sơn tại nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Bởi nhà thầu Trường Sơn không chỉ có mặt tại các hợp phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 mà còn trúng thầu thi công nhiều dự án lớn về thủy lợi, thủy điện ở Tây Bắc và Tây Nguyên như Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Hồ thủy lợi Ea Hleo…

“Chúng tôi đang có trong tay nguồn nhân lực hơn 1,5 vạn người và 33 đầu mối đơn vị đóng quân từ Bắc vào Nam, khắp từ miền xuôi đến miền ngược. Đặc biệt, họ rất am hiểu địa hình, địa vật, và có mối quan hệ mật thiết với chính quyền, nhân dân các địa phương nên công tác điều hành thi công các dự án ở các địa phương đó khá sát sao, thuận lợi”, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho hay.

Cụ thể, ở khu vực Bắc miền Trung, Trường Sơn đang có 3 đơn vị đứng chân trên địa bàn Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị, đó chính là lợi thế cạnh tranh để gói thầu của “Tổng” này về đích sớm nhất trong số 11 gói thầu thuộc Dự án Cam Lộ - La Sơn, do PMU đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

“Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, mưa lũ thất thường của miền Trung, nhưng sau hơn 2 năm thi công, Gói thầu XL02 đoạn Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn Quảng Trị của đã hoàn thành thảm nhựa mặt đường từ cuối tháng 6/2022. Giờ, công trình đã sẵn sàng cho ngày cắt băng khánh thành, thông xe vào cuối tháng 10/2022”, đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thông tin thêm.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn bố trí nhiều thiết bị hiện đại làm 3 ca 4 kíp để Gói thầu XL13 đoạn Mai Sơn - QL45 kịp hoàn thành vào tháng 12/2022

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn bố trí nhiều thiết bị hiện đại làm 3 ca 4 kíp để Gói thầu XL13 đoạn Mai Sơn - QL45 kịp hoàn thành vào tháng 12/2022

Điều hành sản xuất tập trung

Trả lời câu hỏi của PLVN “bằng cách nào để cùng một thời điểm, doanh nghiệp có thể quán xuyến, đảm bảo tiến độ của gần chục gói thầu cao tốc trên cả nước?”, đại diện Trường Sơn cho hay, trước đây khi triển khai dự án, giữa công ty mẹ và công ty con tồn tại khâu trung gian trong điều hành, nhưng hiện tại ở Trường Sơn đã đổi mới điều hành sản xuất theo mô hình tập trung.

“Mọi quyết định về sản xuất đều xuất phát từ Bộ Tư lệnh Binh đoàn. Từ trung tâm sẽ chỉ đạo, điều phối thiết bị, xe máy, vật liệu xây dựng và nhân lực cho tất cả các công trường lớn trên cả nước.

Làm vậy tiết kiệm được thời gian, kinh tế và lại ít tầng nấc trung gian. Chẳng hạn nếu cần đẩy nhanh tiến độ một công trình ở Tây Nguyên, ngoài đơn vị thi công chủ lực thường trực ở đây, Bộ Tư lệnh là nơi có đủ thẩm quyền điều quân, tăng cường nhân lực từ miền Trung vào hoặc miền Nam lên để phối hợp thi công”, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn dẫn chứng.

Bên cạnh đó, việc “mạnh tay” đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại cũng là yếu tố góp phần giúp nhà thầu này đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình. Tại nhiều công trường đường bộ cao tốc, không khó để nhìn thấy các máy công trình, phương tiện thi công vẫn còn nguyên tem mác nhập khẩu mới được đưa vào vận hành, trong đó có những dây chuyền thảm bê tông nhựa mới toanh, trị giá tới 70 tỷ đồng.

Đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thảm bê tông nhựa trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

“Vừa qua, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo Bộ GTVT, Trường Sơn cùng một số doanh nghiệp đã đặt bút ký cam kết “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án cao tốc Bắc - Nam” vào cuối năm nay. Khi đã đứng ra cam kết thì phải làm và phải cố gắng làm bằng được. Vì đó là phẩm chất của Bộ đội Trường Sơn!”, đại diện Tổng công Xây dựng Trường Sơn khẳng định.

Được biết, đến thời điểm này, 2/4 dự án mà Trường Sơn có tham gia thi công và vừa ký cam kết đều rất khả quan. Cụ thể, ngoài Gói thầu XL02 Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành, thì Gói thầu XL13 đoạn Mai Sơn - QL45 vẫn đang đảm bảo tiến độ và chắc chắn sẽ về đích trước 31/12/2022.

Hiện, Trường Sơn đang chuẩn bị những yếu tố cần thiết để có thể tiếp tục tham gia vào giai đoạn 2 của Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Đọc thêm