Cúng xóm tất niên

Xóm, ngày nay được hiểu không hẳn là xúm xít mấy trăm nóc nhà ở nông thôn mà còn là một cụm gia đình trong một tổ dân phố hay trên một con đường. Cuối năm, ai có bận bịu chi cũng phải lo về cúng xóm tất niên, bởi có mặt trong những lúc như thế mới thực là chan hòa tình làng nghĩa xóm.

Xóm, ngày nay được hiểu không hẳn là xúm xít mấy trăm nóc nhà ở nông thôn mà còn là một cụm gia đình trong một tổ dân phố hay trên một con đường. Cuối năm, ai có bận bịu chi cũng phải lo về cúng xóm tất niên, bởi có mặt trong những lúc như thế mới thực là chan hòa tình làng nghĩa xóm.

Chạp miếu, cúng đình

Bà con tổ 7, phường Khuê Trung có lệ cúng tất niên từ 5 năm nay.

Thiếu một tuổi nữa là tròn trăm, cụ Hương Nghiêm (tên thật là Huỳnh Chung) vẫn nhanh nhẹn sải bước đưa khách lên ngọn đồi nhỏ thăm miếu Tam vị của làng Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Đây là một trong những làng xưa ở Đà Nẵng còn giữ gần như nguyên vẹn nét cổ truyền. Đình làng ở giữa, miếu Cao Cát Quảng độ Đại vương phía Đông, sở Âm linh phía Tây, miếu Bà Thiên Y-A-Na phía Nam, miếu Tam vị Thành hoàng phía Bắc. Cụ Hương giải thích: Ngày trước ông bà cho xây miếu Tam vị nhìn xuống khe Phước Hưng, xa hơn là đỉnh Núi Chúa trên Bà Nà để mong làng thịnh vượng vững bền như sông, như núi.

Có lẽ do tầm quan trọng của miếu Tam vị nên 36 họ tộc của làng Phước Hưng chọn nơi này làm lễ cúng tất niên hằng năm vào 23 tháng chạp. Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Trưởng ban Xã hội làng Phước Hưng cho biết, làng còn nghèo, chỉ thiết lễ đơn sơ xôi chè, bông ba trà quả, cái chính là quy tụ bà con để cắt cử người chăm lo việc hương khói những nơi thờ tự trong làng. Năm 1984, cụ Hương lần cuối cùng làm chánh bái lễ cúng tất niên ở miếu. Lần đó, cụ làm bài thơ “Minh niên lễ bái” viết trên giấy hồng đơn, trong đó có mấy câu nói lên ước nguyện của dân làng: “Nguyện cầu thôn xóm dân an lạc/ Nhơn khương vật thạnh hựu tiền tài/ Minh niên lễ bái tâm cầu nguyện/ Thần linh phò hộ giáng phước lai”.

Qua sáng mồng 1 Tết, cụ Hương mang bài thơ qua dán trên cột đình (đình làng cách miếu Tam vị chỉ vài chục mét) trước khi cúng lễ Minh niên. Tết nhứt có hương đèn, chiêng trống, có thơ trên giấy đỏ... người về cảm thấy ấm lòng hơn.

Làng còn miếu là chuyện thường tình, phố như Hòa Minh, quận Liên Chiểu, mà còn giữ được miếu cùng với lệ cúng tất niên thì kể ra cũng hiếm. Đó là miếu Tam vị làng Hòa Phú, tất niên 25 tháng chạp, và Miếu Nhỏ làng Hòa Mỹ tất niên 24 tháng chạp. Cả hai miếu đều giữ vẻ kiến trúc cổ kính, gắn với thời điểm tiền nhân mở đất lập làng từ mấy trăm năm trước.

Làng Hòa Mỹ ngày trước có Miếu Lớn sát khuôn viên chùa Quang Minh. Khi dựng tượng Phật (dân gian gọi là Ông Phật Hòa Mỹ), các họ tộc trong làng đã chuyển miếu về sát ngay bên Miếu Nhỏ. Ông Nguyễn Trường Phi, Phó Trưởng ban thường trực Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ, Trưởng ban Tổ chức lễ cúng miếu (bà con thường gọi là lễ chạp miếu), kể rằng ông cố ông từng gánh đá về xây bờ thành trước miếu. Miếu xưa nhìn ra Hồ Làng, xa hơn là Đồng Bé. Cảnh sắc làng Hòa Mỹ xưa đã được tiền nhân phác họa qua câu đối còn giữ trước miếu, trong đó ngầm nhắc đến tên làng: “Tiền Phật cảnh, hậu dân sinh, cảnh sắc quang huy hòa thắng địa/ Bắc hải triều, Nam phước lĩnh, miếu đường tráng lệ mỹ kim ân”.

Ngày 1-10 âm lịch hằng năm, dân làng các xứ đồng (Đồng Bé, Đồng Bàu, Đồng Rộc...) đội xôi, gà về làm lễ Hạ điền ở hương án Thần Nông bên cạnh miếu. Ngày 24 tháng chạp, ban đầu là lễ “Đóng cửa rừng”, sau (khi hết rừng) trở thành lễ chạp miếu tất niên. Tất niên, trước là ngày hội kỵ các bậc có công với làng, sau là các họ tộc ngồi lại với nhau, ôn chuyện năm trước và bàn chuyện năm sau. Thời đô thị hóa, Hòa Mỹ tiếp nhận người các nơi về sinh sống, tất cả cùng chan hòa tình làng nghĩa xóm mỗi khi chạp miếu, cúng đình.

Cơ quan xa không bằng xóm giềng gần

Nhân nói chuyện tất niên, các cụ bảo ngày trước có quan niệm cho rằng không nên cúng tất niên sau 23 tháng chạp, vì từ ngày này, ông Táo đã về trời rồi. Chừ thì khác, công việc tất bật, khối người chỉ có thể tất niên vào những ngày cận Tết. Có người nói đùa rằng, thời nay dùng bếp gas, có ai dùng ông Táo đâu mà giữ lệ xưa, mọi việc tâm linh ở đời chẳng qua là “có cúng có thiêng có kiêng có lành”.

Chẳng hạn như bà con tổ 7 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, có lệ cúng tất niên vào thứ bảy hoặc chủ nhật thích hợp trong hạ tuần tháng chạp. Năm nay, hơn trăm hộ trong tổ chọn chiều ngày 19, thứ bảy, cho tiện việc làm ăn của mọi người chứ nhiều năm tất niên sau ngày 23 là chuyện thường. Lễ cúng, theo mô tả của ông Châu Diêm, tổ trưởng dân phố, gồm cái đầu heo, xôi, chè, khoai, môn... những sản vật gắn liền với đời sống nông nghiệp xưa. Mấy năm còn có chiêng trống đủ lệ bộ, năm nay khó khăn nên cắt giảm bớt.

Cơ quan xa không bằng xóm giềng gần. Công việc cơ quan là chuyện quanh năm, việc làng, việc xóm chỉ mấy ngày trước và sau Tết, ai không về, cảm thấy mình có lỗi. Ai làm ăn được, góp nhiều một chút; ai khó khăn, góp vài chục nghìn đồng cũng xong, chủ yếu là cái tình. Công nhân Dệt may Hòa Thọ đang ở trọ trong 6 phòng cho thuê trên địa bàn tổ cũng tham gia, cùng mọi người mừng khu dân cư bình an vô sự, chuyện đi về được hanh thông. Xong lễ, mọi người ngồi lại bên nhau uống ly rượu cuối năm, chúc nhau bằng lời ca, tiếng hát trong tiết tấu rộn ràng của cây organ và không quên hẹn... sang năm gặp lại với mọi điều tốt đẹp hơn.

Cúng xóm tất niên thời đô thị hóa, những vị chủ bái khi khấn vẫn không quên nhắc tên đất, tên làng ngày xưa: Miếu Nhỏ làng Hòa Mỹ là “Đồng Bé xứ”, tổ 7 Khuê Trung là “Bàu Đưng xứ”. Đó là một trong những nét độc đáo của lễ cúng đầy nhân văn này.

VĂN THÀNH LÊ

Đọc thêm