Cuộc chiến quanh ngôi đền "tỉ đô" ở Ấn Độ

Các nhà kho ở một ngôi đền tại Kerala, Ấn Độ, có chứa một lượng vàng bạc, đá quý trị giá khoảng 21 tỉ USD. Nó là tâm điểm của một lá đơn kiện gây tranh cãi và là nguồn gốc của một câu hỏi đầy gai góc: Ai thực sự có quyền sở hữu kho báu?.

Các nhà kho ở một ngôi đền tại Kerala, Ấn Độ, có chứa một lượng vàng bạc, đá quý trị giá khoảng 21 tỉ USD. Nó là tâm điểm của một lá đơn kiện gây tranh cãi và là nguồn gốc của một câu hỏi đầy gai góc: Ai thực sự có quyền sở hữu kho báu?.

Cảnh sát và đặc nhiệm Ấn Độ đã tích cực tuần tra đền Padmanabhaswamy kể từ khi có tin nó sở hữu số tài sản hơn 21 tỉ USD.

Kho báu tích tụ suốt 1.000 năm

Trong hơn 1.000 năm, những tín đồ của đền Padmanabhaswamy ở Kerala đã tới đây thờ cúng và rời đi, không hề hay biết rằng ngay dưới những bàn chân trần của họ có ẩn chứa một kho báu khổng lồ không được canh giữ.

Những ngày này, câu chuyện đã khác. Hàng trăm sĩ quan cảnh sát, lính đặc nhiệm và lực lượng phản ứng nhanh, với áo chống đạn trên người, tiểu liên tấn công lăm lăm trên tay, đã tỏa ra canh gác ngôi đền 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Có ít du khách được vào thánh đường sâu bên trong ngôi đền và họ sẽ bị kiểm tra cơ thể cũng như hành lý, gắt gao hơn mọi sân bay khó tính trên thế giới.

Nguyên nhân của sự thay đổi hiển nhiên có liên quan tới kho báu kia, được cho là lên tới 21 tỉ USD, nhiều hơn cả ngân sách giao dục thường niên ở Ấn Độ. Cuộc chiến quanh kho báu của đền Padmanabhaswamy đã đẩy một gia đình hoàng tộc từng thống trị bang Kerala của Ấn Độ trong quá khứ, ra chống lại một trong những cựu cố vấn của họ. Cuộc chiến này chẳng khác nào một bộ phim Bollywood điển hình, với các chi tiết về âm mưu chiếm đoạt kho báu, sự phản bội, yếu tố truyền thống và sự thờ cúng thần thánh.

Tại Ấn Độ, phần lớn những ngôi đền Hindu giáo như Padmanabhaswamy đều có một kho báu khổng lồ như vậy ở trong kho của họ, tới từ sự cúng tế trong thời gian rất dài của các tín đồ. Một số được dùng để chi trả lương cho các thầy tu, mua thực phẩm cho người hành hương, sửa chữa đền đài, nhà ở bên trong, khảm đá quý, vàng bạc cho các bức tương thiêng. Nhưng cũng chỉ có thế và phần lớn số tiền còn lại sẽ ở bên trong ngôi đền, không được tiêu đến. Người Ấn Độ tin rằng đền nào càng có nhiều của cải càng thiêng và nó cũng vô tình giúp tăng cường thanh danh của ngôi đền.

Mặc dù con số 21 tỉ USD trông có vẻ lớn tại một đất nước có hơn 400 triệu người sống với thu nhập dưới 1,25 USD mỗi ngày, không ít tín đồ Hindu giáo nói rằng số của cải này thuộc về thần Vishnu và bất kỳ ý định xâm phạm kho báu nào, cũng sẽ phản bội ước nguyện của các tín đồ. Họ lo ngại tiền sẽ chảy vào túi các tham quan, vốn là vấn nạn nhức nhối ở Ấn Độ.

Ai "châm ngòi" cho tranh cãi?

Trong nhiều thế kỷ, bang Kerala đã giàu lên nhờ việc bán hồ tiêu cho phương Tây, vải sợi cao cấp, dây thừng dùng trên tàu, cao su và gạo. Phần lớn tiền bạc họ kiếm được đã được mang đến ngôi đền Padmanabhaswamy ở vùng Trivandrum trong bang, thông qua việc tiến cúng. Ngoài ra đền còn thu thuế từ các nông dân cày thuê ruộng của họ, với thời hoàng kim có diện tích còn lớn hơn cả bang Maryland ở Mỹ.

Đá quý đổ về ngôi đền rất nhiều sau năm 1729, khi triều đại Travancore, vốn cai trị Kerala, “tặng” lại vương quốc của họ cho thần Vishnu và ngôi đền. Chưa kể tới việc các thành viên hoàng tộc nếu không đi lễ tại đền mỗi ngày đều phải đóng tiền phạt bằng vàng. Ít nhất có một ông hoàng đã làm điều này mỗi lần ông không tới thăm đền. Cuối cùng phải kể tới việc các ông hoàng phải cúng tế cho đền lượng vàng bằng đúng trọng lượng cơ thể của họ, việc diễn ra một lần duy nhất trong đời. "Cần biết rằng phần lớn các ông hoàng của chúng tôi đều khá béo” – sử gia địa phương M.G. Sasi Bhooshan nhận xét hóm hỉnh.

Sự giàu có của các ngôi đền hiển nhiên đã làm nảy sinh sự đố kỵ và cảm giác thèm muốn chiếm đoạt khối tài sản. Tranh cãi hiện nay có liên quan tới một cố vấn của vị vua cuối cùng của bang, Balarama Varma, người ngồi trên ngai vàng từ năm 1931 đến năm 1949, trước khi Kerala sát nhập vào đất nước Ấn Độ mới giành độc lập và hoàng gia bị tước bỏ quyền lực của họ.

Sau khi Varma qua đời vào năm 1991, vị cố vấn có tên T.P. Sunda Rarajan đã không hài lòng khi thấy em trai của vua là Marthanda Varma đã bỏ qua lời trăng trối của anh, giành lấy quyền điều khiển kho báu trong đền. Năm 2009, Sunda Rarajan chính thức phát đơn kiện nói rằng em trai Varma đã vi phạm các quy định quản lý và tiến hành biển thủ một phần kho báu.

Chính quyền Kerala lập tức phong tỏa các nhà kho của đền và kêu gọi việc tổ chức kiểm đếm. Các thành viên hoàng tộc Travancore đã tìm cách phản đối, nói rằng họ đã làm việc này trong hàng thế kỷ. Họ đâm đơn kiện chống việc kiểm kê tới tận Tòa án Tối cao Ấn Độ, nhưng thua cuộc.

Vương triều Travancore vốn nhận được sự yêu mến của cư dân trong bang, nổi tiếng vì sự khiêm nhường và các hành động hảo tâm. Năm 1989, họ đã tặng lại một cung điện 100 phòng cho một bệnh viện và Marthanda Varma giờ sống trong một cung điện nhỏ chỉ có 10 phòng. Tỉ lệ học vấn, tìn trạng của phụ nữ và vấn đề y tế của Kerala luôn nằm trong nhóm tốt nhất nước cũng bởi công lao từ các chính sách tiến bộ của triều Travancore. Nơi đây thậm chí đã cho phụ nữ đi học từ những năm 1.800.

Nhiều người dân Kerala, vì thế, tỏ ra tiếc nuối khi rắc rối đã do nhà Sunda Rarajan gây ra. Họ tin rằng hoàng tộc, chứ không phải nhà nước, mới là nơi có tiếng nói cuối cùng liên quan tới các vấn đề nằm xung quanh ngôi đền. "Gã đó (Rarajan) chỉ cố tình đâm đơn kiện để tìm kiếm sự nổi tiếng” V. Divakaran, một doanh nhân 75 tuổi ngao ngán nhận xét.

Những toan tính dưới danh nghĩa từ thiện

Những người khác đã cảnh báo về khả năng bị thần thánh trừng phạt. Sau khi Sunda Rarajan đột tử vì đau tim hồi tháng 7 năm ngoái ở tuổi 70, một hội đồng chiêm tinh gồm 10 người do ngôi đền thuê đã nói rằng ông bị quỷ dữ bắt đi. Nhưng một người cháu của Sunda Rarajan đã đứng lên thay ông tiếp tục vụ kiện.

Tin đồn về một lời nguyền đã lan nhanh, khi một công tố viên thách thức tính hợp pháp của tổ chức điều hành kho báu trong đền, đột tử hồi tháng trước. "Có rất nhiều linh hồn đang xuất hiện” - Bhuwanachandran, lãnh đạo đảng Shiv Sena của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại bang nói – “Tôi có thể thấy những linh hồn này và biết rằng họ đang rất không vui. Rõ ràng thần thánh đang hiện về càng lúc càng nhiều”.

Nhưng niềm tin mê tín không có sức nặng tại tòa án, cơ quan đã ra lệnh kiểm đếm 6 nhà kho lớn của đền, với tên gọi từ A đến F. Với tốc độ kiểm đếm 20 hiện vật mỗi ngày, 4 chuyên gia sẽ phải mất một năm làm việc để thực sự biết giá trị kho báu gồm rất nhiều kim cương, bích ngọc, nữ trang, đồ bạc hiếm và tượng vàng... này lớn đến đâu.

Hiện sự phản đối tập trung rất mạnh ở nhà kho B, được cho là nơi chứa nhiều của báu giá trị nhất. Người ta nói rằng việc xâm phạm kho báu ở đây sẽ làm giảm sức mạnh ngôi đền và thánh thần sẽ không thể nghe thấy những nguyện ước của các tín đồ. Nhưng có tin nói trong nhà kho này có một bồn tắm làm bằng vàng, từng được các vị vua sử dụng. Ngoài ra nó còn có một cây chổi vàng dùng để làm sạch các bức tượng.

Kể từ khi tin tức về vụ kiện lọt ra ngoài, đền Padmanabhaswamy đã vọt lên ngôi đầu trong danh sách các đền giàu nhất Ấn Độ. Sự nổi tiếng của nó cũng tăng vài lần, thể hiện qua việc du khách tới đây đông nườm nượp. Nhưng nó cũng mở đầu cho làn sóng kiểm đếm các ngôi đền Hindu giáo khác ở Ấn Độ để tìm kiếm những kho báu bị chôn giấu. Nhiều người thậm chí đã thẳng thừng nói rằng tiền bạc của các ngôi đền nên được dùng để xây bệnh viện, trại trẻ mồ côi, bảo tàng, trung tâm chống ung thư...

"Lửa tranh giành kho báu sẽ còn kéo dài”, P.K. Harikumar, quan chức điều hành đền Padmanabhaswamy  thổ lộ trong một ngày gần đây. “Họ nói của cải nên dùng cho từ thiện, nhưng ai mà biết được ý đồ thực sự nằm sau những lời đẹp đẽ đó là gì”.

Tường Linh (tổng hợp)

Đọc thêm