Một học sinh phải “đánh bại”… 30 bạn
Tuyển sinh các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 cho năm học mới 2020-2021 của Hà Nội sẽ chính thức bắt đầu từ 1/8/2020. Năm nay, điểm nóng về tuyển sinh vẫn tập trung vào những quận tập trung nhiều chung cư, đô thị mới như Hoàng Mai, Cầu Giấy… Về cơ bản, phương án tuyển sinh vào lớp 6 của các trường THCS ước vào tháng 7, hàng loạt trường THCS sẽ tiến hành bài kiểm tra đánh giá năng lực cho các học sinh có mong muốn thi đỗ vào trường.
Dù kỳ thi vào lớp 6 của các trường THCS tại Hà Nội đều muộn hơn năm ngoái do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, các phương án tuyển sinh cơ bản không thay đổi và một số kiến thức sẽ được tinh giản cho phù hợp với tính chất và nội dung đề thi.
Ở Hà Nội, “đình đám” nhất có thể kể đến như hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), THCS Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Đoàn Thị Điểm, Archimedes Academy... Năm ngoái, tỉ lệ “chọi” kỉ lục thuộc về THCS Ngoại ngữ với tỉ lệ 1/30.
Còn ở TP HCM, cuộc đua vào Trường Trần Đại Nghĩa cũng khá căng thẳng, bởi đây là trường duy nhất được tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Hàng năm, số hồ sơ đăng ký khoảng từ 4.000-4.500 bộ. Tính toán vui thì để có được một chỗ học, 1 học sinh phải “đánh bại” 8 học sinh giỏi khác.
Năm học 2020-2021, chỉ tiêu vào lớp 6 ở Hà Nội khoảng 135.000, tăng 6.200 em so với năm học trước. Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được các trường tiến hành trong tháng 7, chậm nhất ngày 8/8.
Trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức thi ngày 27/6. Năm 2020, trường tuyển 100 học sinh 2.000 hồ sơ, tương đương tỷ lệ “chọi” 1/20.
Kỳ thi vào trường diễn ra ngày 4/7, THCS Nguyễn Tất Thành tuyển 6 lớp 6, 40 học sinh một lớp. Với chỉ tiêu là 240, tỷ lệ “chọi” khoảng 1/17.
THCS Lương Thế Vinh có thời gian thi 5/7. Năm học 2020-2021, chỉ tiêu vào lớp 6 cả 2 cơ sở của trường là 600, mỗi cơ sở khoảng 300. Số hồ sơ đăng ký dự tuyển khoảng 2.000. Tỷ lệ “chọi” vào lớp 6 khoảng 1/5.
Năm nay, thay vì yêu cầu học bạ toàn điểm 10 như năm học trước, các thí sinh thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam năm nay chỉ cần có học bạ đạt điểm trung bình... 9,8 điểm. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh gồm 4 lớp, khoảng 180 học sinh.
Đối tượng dự tuyển là học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, có hộ khẩu tại Hà Nội. Học sinh phải có kết quả đánh giá định kì cuối năm lớp 1 đạt; cuối các năm học lớp 2, 3, 4, 5 đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.
Như vậy, điều kiện vượt qua vòng sơ tuyển vào lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã được “nới lỏng” hơn so với năm ngoái, học sinh có thể đạt 3 điểm 9 trong suốt 5 năm học, thay vì 1 điểm 9 như năm học trước.
Như vậy, để vượt qua vòng loại năm học 2019-2020, học sinh phải có tất cả các bài kiểm tra cuối học kì của cả 5 năm học tiểu học đều đạt điểm 10, chỉ cho phép 1 điểm 9 duy nhất trong các năm học lớp 1 hoặc lớp 2.
Và để con có sức tham dự các “cuộc đua” này thì ngay từ lớp 3, nhiều phụ huynh đã tất tả cho con em mình ngược xuôi đi học từ gia sư tới các lò luyện là thầy cô của chính các trường mà phụ huynh “nhắm tới”. Mỗi bạn sơ sơ sử dụng hết một tháng lương 8-10 triệu của phụ huynh.
Đừng bắt trẻ “mặc chiếc áo quá rộng”
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện nay 30 quận, huyện của thành phố đã công bố kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp bao gồm mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2020 - 2021.
Theo số liệu khảo sát trẻ trong độ tuổi ở Hà Nội, tổng số trẻ dự kiến tuyển vào các trường mầm non trên địa bàn thành phố năm học 2020 - 2021 là hơn 623.000 trẻ. Đối với công tác tuyển sinh bậc học mầm non, tại một số quận trung tâm như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy…, số liệu giữa số trẻ trên địa bàn/chỉ tiêu năm học tới tại một số trường có sự chênh lệch lớn, dẫn đến tỷ lệ “chọi” khá cao.
Đơn cử như quận Thanh Xuân, sự chênh lệch lớn này xảy ra ở một số trường như: Mầm non Sơn Ca: 813/210; Mầm non Sao Sáng: 701/323; Mầm non Thanh Xuân Trung: 655/184; Mầm non Khương Trung: 644/237...
Tại Quận cầu Giấy: Mầm non Họa My: 760/190; Mầm non Sơn Ca: 1.826/167; Mầm non Dịch Vọng: 1.570/200; Mầm non Yên Hòa: 2.556/200; Mầm non Hoa Sen: 1.122/325; Mầm non Trung Hòa: 669/95… Tại quận Hoàng Mai, Trường Mầm non Đại Kim: 504/123; Mầm non Hoa Sữa: 613/18; Mầm non Thịnh Liệt: 535/84; Mầm non Hoàng Liệt: 1.787/220; Mầm non Vĩnh Hưng: 486/73; Mầm non Thanh Trì: 279/44; Mầm non Trần Phú: 296/85; Mầm non Yên Sở: 434/169.
Còn ở quận Bắc Từ Liêm, Trường Mầm non Phú Diễn: 320/199; Mầm non Phú Diễn A: 236/87. Quận Nam Từ Liêm, Trường Mầm non Đại Mỗ B: 455/180; Mầm non Mỹ Đình A: 1.713/304; Mầm non Tây Mỗ B: 600/190…
Có thể nói, với tỷ lệ tăng dân số cơ học hàng năm, cùng với mục tiêu của phụ huynh vào các trường điểm, trường chất lượng cao khiến cuộc đua chưa bao giờ hết “nóng”. Chị Phan Hồ Điệp - chuyên gia giáo dục và là mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ một câu chuyện: Hôm trước có một bạn mời mình đi ăn, hỏi lý do bạn bảo: Con em mới thi đỗ lớp 1 trường… Cả nhà quyết định thưởng đi liên hoan ăn mừng.
Thế thì khó không? Quá khó ấy chứ bác. Có phải bạn nào cũng đỗ đâu. Ừ thì niềm vui về con luôn là niềm vui ngọt ngào nhất. Ừ thì thành công đầu tiên sẽ khích lệ bạn ấy trong những chặng đường sau này. Ừ thì trong một ngôi trường có nhiều bạn đăng kí, nhà trường buộc phải có hình thức tuyển chọn.
Nhưng vẫn thấy… sao sao. Bé còn chưa đi học. Bé còn nghĩ về ngôi trường với tất cả những điều trong sáng, về “từng nét chữ nghiêng nghiêng thẳng hàng/ Ngòi bút viết theo tay nhịp nhàng” đầy dịu dàng và ấm áp. Chứ ngay từ ban đầu đã là một cuộc chạy đua, bạn giỏi hơn, tớ kém hơn, bạn điểm cao, thi đỗ, tớ điểm thấp, thi trượt - buồn ghê.
Mình làm chương trình tiền tiểu học cho các trường mầm non đều có “cam kết”: Nếu trường dạy để chiều lòng phụ huynh để con nhanh biết đọc, biết viết, mới 5 tuổi đã dạy nét cong kín, cong hở, nét hất lên hất xuống… rồi học cộng trừ trong phạm vi 100 chẳng hạn thì thôi, mình xin từ chối.
Mình chỉ muốn “học” vào thời điểm ấy với các bạn là vui sướng, là hân hoan, là tưởng tượng, là khám phá và cả chấp nhận thất bại. Mình chỉ thích các bạn sẽ được học đọc nhưng theo cách ngộ nghĩnh. Ví dụ sẽ có các thẻ yêu cầu việc đọc thuộc một đoạn nào đó nhưng là: Đọc theo kiểu một con chuột tức là đọc thì thầm từng tiếng từng tiếng, lách rách lách rách.
Đọc theo kiểu núi lửa có nghĩa là đọc mạnh mẽ các từ như kiểu núi lửa phun trào. Đọc theo kiểu robot nghĩa là vừa đọc vừa đi cà tưng cà tưng giật giật khiến người khác cười bò. Đọc theo kiểu một ca sỹ opera vừa đọc vừa rướn cao cổ để đẩy các âm thanh lên cao tít. Đọc theo kiểu một người nông dân đang cuốc đất nên vừa đọc vừa lau mồ hôi vừa thở hổn hển.
Đọc theo kiểu một nữ hoàng, giọng đọc sang trọng và quyền quý như nữ hoàng đang ngồi trên chiếc ghế dát vàng. Đọc theo kiểu một em bé với giọng đọc còn ngọng nghịu chứ không như chúng mình - đã 5 tuổi rồi, sắp vào lớp 1 và chúng mình lớn rồi. Đọc theo nhịp tiếng vỗ tay, lúc nhanh, lúc chậm.
Cứ thế, cũng là đọc nhưng trẻ có thể điều khiển được âm thanh của mình và còn hiểu được về hành động đặc trưng nghề nghiệp của những người quanh mình.
Trong những tháng ngày bị “cách ly với thế giới loài người”, mình đã tìm niềm vui bằng việc ngồi viết những trò chơi học chữ cho trẻ. Những trò chơi cần sự hợp tác của bố mẹ.
Mình luôn nói, thay vì những phần thưởng vật chất, hãy dành thời gian cho con. Hãy cẩn thận vì có thể bạn sẽ tạo nên trong con suy nghĩ rằng khi buồn thì đi mua sắm. Thay vào đó, bạn dành 20 phút trọn vẹn mỗi ngày để cùng con học và chơi.
Cuốn sách mới “Gọi vì sao thức dậy”- ấp ủ những ao ước của mình và bố Nam về những em bé hồn nhiên, chưa cần phải đến dự những bữa tiệc vì “thi đỗ”...
Thực tế hiện nay có rất nhiều phụ huynh muốn con phải học theo ý mình, chỉ vì sính danh trong cuộc đua mọi nhà đều lo cho tương lai của con như thế. Con bạn bè, đồng nghiệp học trường điểm, con mình cũng vậy, nên cố bắt con “mặc chiếc áo quá rộng”, không vừa sức.
Với tâm lý học vì cha mẹ, con sẽ không học say mê. Từ đó dẫn đến việc học để đối phó, học đó rồi quên đó chứ không để nhớ và cũng không chí thú với ngành nghề đang theo học. Khi học quá sức và không có niềm vui trong việc học, sẽ có thể chất và tâm lý yếu đuối.
Chúng ta đưa con cái đến trường học tập là để tiếp nhận tri thức, có một nền tảng kiến thức vững chắc để mai sau giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội, chứ không phải học để vì cái danh, vì cái bằng cấp. Cần phải hiểu sự phấn đấu ở đây không phải là chạy theo đám đông, chạy theo thành tích, hay làm những việc vượt quá tầm kiểm soát, mà là cố gắng học tốt để tự khẳng định mình.
Thay vì ép con học theo ý mình thì cha mẹ nên là chuyên gia tâm lý, người bạn chân thành sát cánh bên con, lắng nghe, khuyên bảo, tư vấn cho con. Bởi mọi đứa trẻ đều cần được sống trong thế giới trong trẻo của tuổi thơ, bên những yêu thương từ những điều bé mọn - chứ không chỉ quần quật ở các khóa học thêm và các cuộc đua trường chuyên, lớp chọn… Mỗi đứa trẻ sẽ có những con đường phù hợp với sự lựa chọn và năng lực của chính mình, mà không phải quá sức theo ước mơ của cha mẹ…