Căn hầm đặc biệt
Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long cho biết: “Hầm chỉ huy tác chiến T1 là một di tích cách mạng đặc biệt quan trọng trong cùng với không gian triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Triển lãm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng được diễn ra tại Bảo tàng Chiến thắng B.52 nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Đây là kết quả của sự hợp tác, trao đổi thông tin, tư liệu, hiện vật giữa hai đơn vị nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn những tư liệu, hình ảnh quý về chiến thắng quan trọng trong lịch sử quân sự Việt Nam”.
Hầm chỉ huy Cục tác chiến T1 được xây dựng vào cuối năm 1964 đầu năm 1965, ngay từ những ngày đầu Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất. Vị trí nằm ở phía Tây liền kề ngôi nhà Cục Tác chiến. Hầm có kết cấu như một công sự nửa nổi nửa chìm, 3/4 hầm chìm dưới lòng đất, chỉ có nóc hầm nhô lên bên trên bằng bê tông nguyên khối với ba lớp, hai lớp bê tông và một lớp đệm cát ở giữa. Qua lớp cửa nặng bên ngoài phòng chống sóng áp lực nguyên tử là lớp cửa nhẹ bên trong rất kín có thể chống tia phóng xạ, hơi độc.
Hầm cũng có hệ thống thông hơi lọc độc và hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng quạt, thổi hơi nước lạnh từ bên ngoài vào. Với kết cấu vững chắc và trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ, hầm có thể chịu được bom, tên lửa, phòng chống được bom nguyên tử, bom hóa học.
Tại hầm chỉ huy tác chiến T1, kíp trực ban tác chiến làm việc liên tục 24/24 giờ, có nhiệm vụ nắm chắc tình hình quân địch và cả lực lượng của ta, diễn biến chiến đấu để đề xuất cách giải quyết các tình huống lên cấp trên. Đồng thời, kíp trực cũng truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đến các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn… đảm bảo hoàn thành cả ba nhiệm vụ: đánh máy bay địch, công tác phòng không nhân dân, công tác giao thông vận tải chi viện chiến trường.
Suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, nhiều thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã chỉ huy quân dân miền Bắc tiến hành trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội giành thắng lợi to lớn.
Trong đêm 18/12/1972, tại hầm chỉ huy T1 đã diễn ra cuộc đấu trí quyết liệt giữa cơ quan tham mưu chiến lược của QĐNDVN với không lực Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng có mặt cùng các sĩ quan tham mưu tác chiến chỉ đạo các lực lượng phòng không mở màn trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm để sau đó làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không hào hùng, vang dội.
Vỡ òa niềm vui chiến thắng
Trưa 18/12/1972, cơ quan tình báo phát hiện ở phía đông Philippines, hàng chục máy bay tiếp dầu cho pháo đào bay B52. Tin tình báo báo về, B52 cùng các máy bay chiến thuật khác sẽ đánh vào Hà Nội ngay trong buổi tối.
Chiều ngày 18/12/1972, không khí làm việc trong Tổng hành dinh đã rất khẩn trương, hối hả. Tình hình căng thẳng, Cục Tác chiến được yêu cầu trực 24/24h ở hầm T1. Căn hầm nằm sâu trong Hoàng thành Thăng Long, là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin quân sự.
19h10, Sở Chỉ huy nhận được điện báo của Quân chủng Phòng không - Không quân, đài ra đa ở Đô Lương, Nghệ An đã phát hiện máy bay B.52 Mỹ từng tốp đang bám theo đất Lào, ngược lên phía Bắc Việt Nam.
Các tiêu đồ viên trong hầm chỉ huy tập trung nghe tín hiệu của Trung tâm ra-đa để vẽ đường bay của B.52 lên bảng mica, thận trọng vẽ những nét chì xanh trên bản đồ. Các sĩ quan tham mưu chăm chú theo dõi những đường xanh ngoằn ngoèo là máy bay phản lực tiêm kích, những đường xanh thẳng tắp từ xa nhích dần vào Hà Nội là các tốp B.52 Mỹ. Trên tiêu đồ khoảng cách mục tiêu B.52 càng xích gần về Hà Nội.
Tình hình đã rất khẩn trương, cứ 5 phút một lần, kíp trực ban báo cáo tình hình cho Bộ Tổng Tham mưu. Trực ban phó Nguyễn Văn Ninh nhấc điện thoại báo cáo với Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng: “Báo cáo thủ trưởng, B.52 cất cánh từ Guam, Utapao… nhiều tốp bay dọc sông Mekong lên phía Bắc, các lực lượng phòng không không quân đã sẵn sàng, vào cấp 1”.
Liền sau đó, Trực ban phó Nguyễn Văn Ninh đến góc phòng trực ban tác chiến, ấn chiếc còi báo động màu đỏ. Chiếc còi kết nối với hệ thống còi lớn đặt trên nóc Hội trường Ba Đình. Nhận được tín hiệu, còi báo động phòng không ở Nhà hát Lớn, Bưu điện Hà Nội, Ga Hàng Cỏ... đồng loạt rú vang, thông báo người dân nhanh chóng xuống hầm trú ẩn.
Trong hầm, điện thoại liên tục đổ chuông. Cả kíp trực ban gồm ba người chỉ kịp nhấc máy và trả lời cùng một câu: “Mời đồng chí xuống ngay hầm phòng không”.
19h45 từng đoàn máy bay B.52 bắt đầu trút bom xuống Hà Nội và các vùng phụ cận, cả Hà Nội rung chuyển trong tiếng bom. Lưới lửa phòng không giăng sáng rực cả bầu trời. Liên lạc giữa hai hầm Tác chiến T1 và hầm chỉ huy D67 thông suốt từ chập tối hôm đó đến sáng hôm sau.
Trong hầm chỉ huy tác chiến, bên bàn lớn đối diện với bảng tiêu đồ là bàn trực ban sở chỉ huy, ngồi bên cạnh Đại tá Vũ Lăng (Cục trưởng Cục Tác chiến) là Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng.
Bom ném xuống, pháo cao xạ, tên lửa bắn lên, lưới lửa phòng không sáng rực cả bầu trời Hà Nội. Những vầng lửa lóe lên, chớp giật liên hồi. Theo sau là những tràng tiếng nổ long trời. Rồng lửa Thăng long nối nhau bay vút lên không trung, đan những vệt sáng màu da cam giữa màn đêm Hà Nội.
20h13, những người lính trên đài quan sát trên đỉnh Cột cờ trong Hoàng thành hò reo "máy bay bị bắn rơi phía Bắc, cháy rất lớn". Rồi trực ban Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo gấp gáp “Một B.52 rơi rồi, phía Đông Anh”. Chiếc máy bay B.52 đầu tiên đã bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 251 bắn rơi tại cánh đồng Chuôm Phù Lỗ, hạ gục ngay trong đêm mở màn chiến dịch.
Căn hầm như muốn nổ tung. Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng hành dinh náo nức trong niềm vui được thấy “con ngáo ộp” B.52 không còn “bất khả xâm phạm” trước “rồng lửa Thăng Long”. Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Phùng Thế Tài và cả kíp trực sung sướng trào nước mắt.
Trời sáng, Trực ban Sở Chỉ huy bấm công tắc micro: “Lệnh báo yên thành phố”, đồng thời báo cáo Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu: trận đánh B.52 đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972 kết thúc. Địch sử dụng 163 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật và 90 lần chiếc B.52, đánh trên 100 điểm. Ta bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay B.52, bắt sống 7 giặc lái.
Ông Nguyễn Thanh Quang cho biết: “Hầm chỉ huy tác chiến T1 là một di tích cách mạng đặc biệt quan trọng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long, minh chứng cho sự tiếp nối truyền thống anh hùng của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Với sự đóng góp tư liệu, hiện vật của rất nhiều nhân chứng đang có mặt tại đây, căn hầm đã được mở cửa từ năm 2012 và thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế”.