Cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc

Ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước nhưng bà Nguyễn Thị Gái, ở số 2B, ngõ 177, Phương Lưu 2, phường Đông Hải 1 (quận Hải An) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cuộc sống gia đình yên ấm, nhà cửa đàng hoàng, gần chục người con đã trưởng thành, nhưng câu chuyện 65 năm xa xưa dài bằng cả một đời người vẫn làm bà rưng rưng nước mắt.

Ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước nhưng bà Nguyễn Thị Gái, ở số 2B, ngõ 177, Phương Lưu 2, phường Đông Hải 1 (quận Hải An) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cuộc sống gia đình yên ấm, nhà cửa đàng hoàng, gần chục người con đã trưởng thành, nhưng câu chuyện 65 năm xa xưa dài bằng cả một đời người vẫn làm bà rưng rưng nước mắt. Giọt nước mắt hiếm hoi của người già chảy qua những nếp nhăn thời gian hằn sâu khiến gương mặt bà không giấu được nỗi đau khi nhớ về một thời đen tối…

 

Nữ công nhân thành phố Cảng tưng bừng chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố Ảnh: Trường Giang

Nữ công nhân thành phố Cảng tưng bừng chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố

Ảnh: Trường Giang

Những ngày đen tối

 

Bà Gái quê gốc Thái Bình, bỏ làng theo dòng người phiêu dạt ra Hải Phòng từ nạn đói năm 1945. Bà gạt nước mắt, lần giở quá khứ những ngày đen tối: “Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra ở miền Bắc vào khoảng tháng 10-1944 đến tháng 5-1945. 2 triệu người dân vô tội đã chết đói vì hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương, phát xít Nhật bắt người dân nhổ lúa và một số cây màu khác như sắn, khoai, ngô để trồng đay phục vụ chiến tranh. Cũng đúng dịp ấy, thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh xảy ra ở miền Bắc đã đẩy người dân vào nạn đói tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam . Khắp các cánh đồng đâu đâu cũng thấy lúa chết vàng vì bị rầy phá. Nhà tôi cấy gần 2 mẫu nhưng rồi trừ tô thuế chỉ còn hơn tạ thóc. Đó là phần lương thực của cả gia đình 10 miệng ăn trong suốt 6 tháng trời ròng rã. Thóc gạo hết, gia đình tôi phải giết trâu, bò, chó, lợn, gà, phần để ăn, phần vì cũng chẳng còn gì để nuôi chúng. Hết gia súc, gia cầm, cả làng đổ xô đi đào củ chuối, hái rau tập tàng, đào củ ráy, bẻ thân ngô, mò ốc, bắt cua, cào cào, châu chấu, bọ xít, chuột…để cầm hơi qua ngày. Làng quê xơ xác, đồng ruộng bạc phếch, vườn tược tiêu điều. Trong làng có nhiều người chết đói, có gia đình chết hết chẳng còn ai, thậm chí có làng xóa sổ sau trận đói lịch sử”. Bà Gái nghẹn lời: “Tôi theo gia đình bỏ làng ra Hải Phòng. Từng đoàn người gầy lõ lẹo, mắt sâu trũng, quần áo rách tả tơi, da thịt tím tái vì rét mướt kéo nhau ra Hải Phòng, Hà Nội mong thoát cái đói khủng khiếp. Những đứa trẻ đói khát khóc lả rồi chết trên vai mẹ. Thỉnh thoảng lại có người trong đoàn đổ gục xuống đường chết vì đói. Ở ngã ba, cổng chợ, đầu cầu, dưới gốc cây chỗ nào cũng thấy người ngồi ăn xin, quanh đó là xác người chết đói chưa kịp chôn. Ngày ấy nhiều người chết đến mức, người ta phải đào hố chôn tập thể”...

 

Câu chuyện của bà Gái khiến tôi nghĩ đến tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao, “Nghệ thuật làm no” của nhà văn Ngô Tất Tố và “Một làng chết” của Thanh Tịnh… Những tác phẩm ấy là bức tranh khái quát một thời kỳ đen tối của cả dân tộc Việt Nam với nạn đói, mù chữ và hiểm họa mất nước rình rập trước khi lịch sử sang trang mới, đánh dấu bằng mốc son chói lọi: Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945!

 

Tổng nguồn lực huy động cho “xóa đói giảm nghèo” bao gồm cả chương trình 143 (Chương trình xóa đói giảm nghèo và việc làm), chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn) và các dự án quốc tế trong 5 năm (2001-2005) khoảng 40.950 tỷ đồng. Riêng nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu “xóa đói giảm nghèo” khoảng 21.000 tỷ đồng.            

 

Lịch sử sang trang mới

 

2 triệu người chết đói là ngót 1/10 dân số Việt Nam lúc đó và có thể con số còn lớn hơn nhiều nếu không có khẩu hiệu phá kho thóc Nhật do Việt Minh đưa ra. Cả dân tộc rùng rùng chuyển động trong rừng cờ đỏ sao vàng với khí thế đập tan xiềng xích quyết giành độc lập tự do. Một cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc là ấn tượng không bao giờ phai trong ký ức những người đã trải qua giai đoạn lịch sử bi tráng và hào hùng ấy.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi: “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Niềm mong mỏi của Người đã thành hiện thực. Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực đứng đầu thế giới. Người dân Việt Nam không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn ăn ngon, mặc đẹp. Những xóm làng xác xơ, nghèo đói trong câu chuyện kể của bà Gái giờ đã trở thành làng quê trù phú, thanh bình. Trẻ em được đến trường, được bảo vệ, quan tâm, chăm lo của gia đình, nhà trường và xã hội…Lịch sử dân tộc cũng như cuộc sống mỗi người đã sang trang mới tốt lành, sáng đẹp.

 

Nhưng ngay cả khi đất nước trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Việt Nam cũng không quên chính sách “xóa đói giảm nghèo” và giáo dục luôn được coi là “quốc sách hàng đầu”. Ngày 21-5-2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo" và Việt Nam đã ký vào Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu, trong đó hàng đầu là xóa bỏ tình trạng thiếu đói, đạt phổ cập giáo dục tiểu học…Những mục tiêu này góp phần “xóa đói giảm nghèo” bền vững bởi nguy cơ đói nghèo, tái đói nghèo đều có thể xảy ra trong những biến cố của môi trường thiên nhiên, của quá trình hội nhập và phát triển. Với quyết tâm thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình trạng tái đói nghèo cơ bản không còn diễn ra ở Việt Nam . Người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ sản xuất và đời sống, được vay vốn tín dụng, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt,  hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục và nước sạch. Bên cạnh đó, người nghèo cũng được thụ hưởng các chương trình văn hóa, phát thanh, truyền hình.

 

Hải Phòng được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố thực hiện “xóa đói giảm nghèo” tích cực, có hiệu quả nhất trong cả nước. Chương trình “xóa đói, giảm nghèo” được thành phố triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ: đầu tư nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, vay vốn hỗ trợ sản xuất, dạy nghề người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục…tạo điều kiện để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Với các giải pháp tích cực, hiệu quả, số hộ nghèo Hải Phòng giảm còn 3,86% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010). Giáo dục-Đào tạo phát triển gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế- xã hội; chất lượng được giữ vững và nâng lên. Đến năm 2010, Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước 15 năm liên tục có học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Ô-lym-pic quốc tế.

 

Hải Phòng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và xác định nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là khâu đột phá phát triển thành phố trong giai đoạn 2011-2015.   

 

65 năm qua kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, không chỉ sạch bóng giặc ngoại xâm mà giặc đói, giặc dốt cũng được đẩy lùi với đích phấn đấu ngày càng cao hơn nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.     

 

Thanh Thủy

Đọc thêm