HCMC Skyrun là cuộc thi chạy thang bộ duy nhất tại Tp.HCM do Sporting Republic phối hợp cùng Bitexco Financial Tower tổ chức hàng năm tại tòa nhà Bitexco Financial Tower – tòa nhà biểu tượng cho sự phát triển kinh tế thịnh vượng của Tp.HCM.
Năm nay, vào ngày 28/10 vừa qua, cuộc đua đã diễn ra thành công tốt đẹp và tạo dấu ấn đặc biệt đối với cộng đồng những người yêu thể thao. Hơn 300 vận động viên (VĐV) đến từ 23 quốc gia khác nhau đã vượt qua hơn 1.000 bậc thang để chinh phục đích đến là Helipad – Sân đỗ trực thăng tại tầng 52 của tòa nhà Bitexco Financial Tower. VĐV có thời gian hoàn thành chặng đua HCMC Skyrun 2018 nhanh nhất là Nguyễn Khoa, mang số báo danh 1033H với thời gian hoàn thành chỉ 06 phút 9,1 giây. Cuộc đua có hơn 35% VĐV là người nước ngoài. VĐV lớn tuổi nhất đã 71 tuổi còn VĐV nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi.
HCMC Skyrun được tổ chức thường niên vào dịp tháng 10 tại tòa Bitexco Financial Tower. |
Sau khi các hình ảnh về cuộc đua được phát đi, điều được nhiều phóng viên báo chí cùng và cộng đồng chú ý lại là một “nhân vật” có sức lôi cuốn đặc biệt – sân đỗ trực thăng Helipad của tòa Bitexco Financial Tower. Helipad chính là đích đến của cuộc đua và trong một ngày thời tiết Tp.HCM nắng đẹp như ngày 28/10 vừa qua, cư dân mạng phát hiện Helipad trở nên đẹp đẽ, cuốn hút lạ thường. Thậm chí, nhiều người trầm trồ thán phục vẻ sang chảnh, hiện đại và cảm thấy tự hào khi đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay lộng gió trên nền trời xanh tại Helipad.
Hình ảnh quốc kỳ tung bay đỏ thắm trên nền trời xanh tại Helipad trong cuộc đua HCMC Skyrun 2018 khiến nhiều người cảm thấy tự hào |
Hình ảnh này khiến nhiều người tò mò và lật lại thông tin Tập đoàn Bitexco từng cung cấp cho báo chí. Theo đó, Helipad được đưa vào vận hành cùng với tòa nhà Bitexco Financial Tower vào ngày 31/10/2010. Cùng với việc Bitexco Financial Tower nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự phát triển năng động và thịnh vượng của Tp.HCM, Helipad cũng trở thành một trong những điểm nhấn ghi nhận kỷ lục của tòa nhà.
Những hình ảnh đẹp tại HCMC Skyrun 2018. |
Đây chính là sân đỗ trực thăng đầu tiên tại Việt Nam, nằm ở tầng 52, hướng Nam của tòa tháp, cao 191 mét so với mặt đất, rộng 40 mét và treo “lơ lửng” ra khỏi kết cấu chính của tòa nhà tới 22 mét. Việc thiết kế Helipad treo lơ lửng ra khỏi tòa nhà khiến sân trực thăng khác biệt hẳn so với các sân trực thăng ở các tòa nhà khác thường được xây dựng trên nóc nhà.
Helipad treo lơ lửng khỏi kết cấu tòa nhà tạo thành hình tượng búp sen đang hé nở bên sông Sài Gòn vô cùng đẹp đẽ và tinh tế. |
Chính vì kết cấu đặc biệt đó nên việc thi công Helipad đòi hỏi các kỹ thuật xây dựng cực kỳ hiện đại và chuẩn xác. Theo Bitexco Group, phải mất hơn 250 tấn thép và khoảng 4.000 bulông để giữ các kết cấu lại với nhau. Do tính phức tạp trong kết cấu và kiến trúc, tổng thời gian lắp đặt sân đỗ mất khoảng 2 tháng, trong khi đó thời gian lên kế hoạch, nhập khẩu nguyên liệu, vận chuyển, phối hợp công tác hậu cần với các nhà thầu mất khoảng 1 năm.
Theo giới kiến trúc sư, Bitexco Financial Tower là tòa nhà đầu tiên tại Tp.HCM được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và sân đỗ trực thăng được thiết kế dựa theo tiêu chuẩn của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). |
Việc lắp đặt sân đỗ là một thử thách lớn, không chỉ đối với yêu cầu kỹ thuật chính xác mà còn cả trong giới hạn của an toàn lao động bởi khu vực thi công quanh tòa tháp có mật độ dân cư dày đặc và việc vận chuyển, kéo nguyên vật liệu lên độ cao gần 200 mét là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo và chuẩn bị rất kỳ công.
Được biết, công ty Hyundai E&C, đơn vị thi công Helipad thời điểm đó đã cử tới 15 chuyên gia từ Hàn Quốc sang phối hợp chỉ đạo để đảm bảo việc lắp ráp sân đỗ trực thăng được thực hiện một cách an toàn và hoàn hảo nhất. Chương trình Giải thưởng An toàn của nhà thầu chính Hyundai E&C đã được áp dụng một cách nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân xây dựng và người dân xung quanh tòa tháp. Chính vì vậy mà dù nhiệm vụ khó khăn nhưng an toàn lao động đã được thực thi một cách tuyết đối, không xảy ra bất kỳ trường hợp đáng tiếc nào về an toàn xây dựng trong suốt thời gian lắp đặt sân đỗ trực thăng.
Khi đứng trên Helipad, sẽ có cảm giác cảm giác hồi hộp xen lẫn thích thú và thán phục. |
Trở lại cuộc đua HCMC Skyrun năm nay, các VĐV đã không khỏi phấn khích trong khoảnh khắc nỗ lực vượt lên chính mình, họ cán đích tại tầng 52 và nhanh chóng nhận ra vẻ đẹp Helipad. “Thật tuyệt vời khi tôi chạy về đích, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh của Helipad đã choáng ngợp tâm trí tôi. Mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa, một khoảnh khắc tôi cảm thấy rất tự hào”, một VĐV trẻ tuổi người Việt Nam chia sẻ.
Ông David Shin, đại diện đơn vị tổ chức Sporting Republic cũng không khỏi trầm trồ thán phục vẻ đẹp của đích đến, điều ông cho rằng đã góp phần quan trọng trong thành công của HCMC Skyrun 2018.
Helipad đẹp không kém hình ảnh các sân đỗ trực thăng trong các bộ phim bom tấn của Hollywood… |
Một cặp đôi VĐV người nước ngoài trao nhau nụ hôn tình tứ trong khung cảnh lãng mạn của Helipad. |
Theo ông David Shin, nhờ có Helipad, các VĐV không chỉ có cơ hội khám phá giới hạn bản thân, trải nghiệm cảm giác “vượt lên chính mình” mà còn có được trải nghiệm tuyệt vời với quanh cảnh Tp.HCM khi cán đích đến tuyệt đẹp này.
Helipad nằm trong tổng thể tòa tháp Bitexco Financial Tower – 1 trong 20 tòa tháp chọc trời biểu tượng nhất thế giới (CNN bình chọn). Đặt mục tiêu làm nên một công trình mang tính biểu tượng cho một Việt Nam mới đầy năng động, Ban Lãnh đạo Tập đoàn Bitexco đã làm việc bằng trọn tâm huyết và khát vọng.
Một số thông tin thú vị xung quanh ý tưởng thiết kế như, thời điểm đó, theo yêu cầu của Bitexco, kiến trúc sư thiết kế – ông Carlos Zapata phải thiết kế một tòa nhà mà sẽ trở thành một biểu tượng độc đáo, mục tiêu duy trì tính biểu tượng theo thời gian, chứ không phải vì cao nhất hay lớn nhất.
Do đó, một trong những chủ định chính của kiến trúc sư Carlos Zapata trong thiết kế là thể hiện được văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Trong bản thuyết minh của mình, ông đã giải thích: “Tòa nhà phải có sự liên hệ với văn hóa, và vì vậy chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát để tìm ra các mối quan hệ giữa tòa tháp với con người, chủ yếu là mối quan hệ tâm linh bởi vì bạn không thể áp đặt một biểu tượng lên con người”. Kết quả là, ông đã lấy ý tưởng thiết kế từ hình dáng búp sen, một biểu tượng của sự thanh khiết, sự tận tâm và tính lạc quan, một hình ảnh chuẩn xác để thể hiện mục tiêu hướng về tương lai của tòa tháp. Ông giải thích thêm rằng: “Một công trình có thể có nhiều hình ảnh và ý nghĩa, nhưng nó phải đại diện cho một biểu tượng chân thực mà sẽ in sâu vào tâm trí của người dân nước đó. Đó là cách duy nhất để tòa nhà tồn tại vĩnh cửu”.
Chính quan điểm kiến trúc sâu sắc, tận tâm cùng sự thấu hiểu tinh tế văn hóa, con người Việt Nam đó đã giúp ông Carlos Zapata thiết kế thành công một Bitexco Financial Tower cùng Helipad đẹp và có sức sống vượt trên cả mong đợi.