Cuộc giải cứu thợ mỏ Chile bắt đầu lúc nửa đêm

Đúng 0g ngày 12-10 (theo giờ địa phương, tức khoảng 9 giờ sáng ngày 13-10 theo giờ Việt Nam), các thợ mỏ Chile bị kẹt trong hầm mỏ suốt 2 tháng qua sẽ bắt đầu được đưa lên mặt đất.

Đúng 0g ngày 12-10 (theo giờ địa phương, tức khoảng 9 giờ sáng ngày 13-10 theo giờ Việt Nam), các thợ mỏ Chile bị kẹt trong hầm mỏ suốt 2 tháng qua sẽ bắt đầu được đưa lên mặt đất.

Khu trại nơi gia đình của các thợ mỏ đang nóng lòng chờ đợi tin tức - Ảnh: AP
Khu trại nơi gia đình của các thợ mỏ đang nóng lòng chờ đợi tin tức - Ảnh: AP

Tất cả đã sẵn sàng

Sau khi đã hoàn thành đường ống thép gia cố vào lúc 9 giờ ngày 11-10 (theo giờ địa phương, tức 19g tối qua theo giờ VN), các chuyên gia đã thử nghiệm đưa chiếc lồng giải cứu tên gọi Phoenix I cùng với bao cát nặng 74 kg xuống độ sâu 610m, chỉ cách khu vực các thợ mỏ đang trú ẩn khoảng 40m.

Hãng tin AP trích lời ông Andre Souggaret, trưởng nhóm cứu hộ, nói cuộc thử nghiệm đã cho kết quả rất khả quan, và chiếc lồng giải cứu được chế tạo bởi hải quân Chile đã không bị rung lắc đáng kể.

Ông Laurence Goldborne, bộ trưởng Bộ khai khoáng Chile, nói với AP rằng sở dĩ công việc giải cứu được tiến hành lúc nửa đêm là vì lý do an toàn, đảm bảo cho lượng xi măng gia cố đường hầm kịp khô lại.

Ông Goldborne cho biết lồng giải cứu sẽ mất 5 phút để đến chỗ các thợ mỏ và 10 phút để được kéo lên mặt đất cùng với từng người một. Thời gian tổng cộng để kéo những thợ mỏ lên có thể kéo dài từ 12-24 tiếng.

Một bác sĩ trong đội giải cứu cho biết thợ mỏ Florencio Avalos (33 tuổi), một người khỏe mạnh và có kinh nghiệm, sẽ được đưa lên đầu tiên.

Tờ Washington Post cho biết một không khí phấn khích đang bao trùm đất nước Chile, từ những người bị kẹt bên dưới mặt đất cho đến những người mỏi mòn chờ đợi ở bên trên.

Hiện các thợ mỏ đã được nhận dầu gội và quần áo sạch để sửa soạn trước khi lên mặt đất. Jose Maria Gomez , con gái của thợ mỏ Mario Gomez (63tuổi) – nói hiện giờ cha cô “chỉ lo lắng về diện mạo của mình khi được đưa lên”.

Câu chuyện kiên cường về những người thợ mỏ đã đoàn kết cả đất nước Chile, và giờ đây Chile được biết đến như là một tấm gương của lòng dũng cảm và ý chí sinh tồn của con người, “một bằng chứng về sự cao quý của tâm hồn Chile” như cách gọi của Tổng thống Chile Sebastian Pinera. “Chúng tôi đã cho cả thế giới thấy rằng chúng tôi đoàn kết như thế nào” – Belgica Ramirez, một thân nhân của thợ mỏ Mario Gomez nói.

Đối mặt với những cú sốc mới

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cảnh báo các thợ mỏ sẽ phải đối mặt với một cú sốc khác không kém phần nặng nề so với cú sốc của vụ tai nạn – đó là sự vồ vập của giới truyền thông, sức ép từ tiền bạc và sự nổi tiếng cùng với sự bỡ ngỡ về những thay đổi sau hai tháng trời sống hoàn toàn biệt lập dưới lòng đất.

“Dù có anh hùng thế nào đi nữa thì trước hết họ vẫn là nạn nhân – AP dẫn lời chuyên gia Sergio Gonzalez thuộc đại học Santiago – Họ sẽ thấy bản thân cũng như gia đình họ hoàn toàn thay đổi”.

Mặc dù chính phủ Chile khẳng định toàn bộ 33 con người dưới lòng đất rất đoàn kết, một số nguồn tin có sự chia rẽ - một nhóm năm thợ mỏ đã tách biệt hẳn ra so với những người còn lại. Tờ Guardian dẫn lời Victor, em trai của một thợ mỏ tên Dario Segovia nói anh trai mình thú nhận đã có cãi vã “đáng để quên đi” dưới hầm mỏ.

Brandon Fisher, chủ tịch công ty Center Rock Inc., doanh nghiệp chế tạo các mũi khoan giải cứu, nhận xét rằng tình hữu ái giữa những con người dưới hầm mỏ có thể không kéo dài lâu, bởi: ”Khi liên quan tới tiền bạc thì mọi thứ trở nên xấu đi”. Hiện đã nhận được hàng ngàn lời yêu cầu phỏng vấn, viết sách cũng như tham gia phim ảnh đến từ nhiều nước như Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp. Hãng tin AP nói mối quan hệ giữa các gia đình thợ mỏ đã bắt đầu xấu đi bởi có những gia đình nhận được nhiều hơn sự quan tâm cũng như tiền bạc.

Thế nhưng trước khi các thợ mỏ có thể bắt đầu cảm nhận những thay đổi trong cuộc sống của mình thì hiện tại, cảnh quan của khu vực hẻo lánh nằm bên sườn dãy Andes, nơi những người thợ mỏ đang mắc kẹt  đã thay đổi hoàn.

Có đến khoảng hơn 1.000 phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để có thể thu thập tin tức nhanh nhất, trong một cảnh tượng mà tờ Independent gọi là “gánh xiếc truyền thông lớn nhất mà Nam Mỹ chứng kiến kể từ thời Eva Peron (1919-1952)”. Các khách sạn tại thị trấn Copiaco lân cận đã cháy phòng, và hàng trăm túp lều đã được dựng lên từ đầu này sang đầu kia của thung lũng, trong bốn máy xúc vẫn đang dọn dẹp quang cảnh để đón những dòng người khác đang ùn ùn kéo tới.

Tờ Independent cho biết chỉ trong vòng cuối tuần đã có 15 vụ tai nạn xe hơi do các phóng viên lái ẩu gây ra trên tuyến đường cao tốc gần đó, có cả một vụ tai nạn xe tải gây ra bởi phóng viên của hãng Xinhua. Dưới sức ép đưa tin thì phóng viên của các hãng thông tấn đôi khi đã mâu thuẫn với nhau, như vụ phóng viên hiện trường của tờ Daily Mail viết bài công kích hãng tin BBC đã đưa quá nhiều người đưa tin vụ việc.

Trước sức ép quá lớn của giới truyền thông, một số gia đình đã tuyên bố họ sẽ tìm một nơi yên tĩnh để lẩn tránh ngay sau khi gặp lại người thân. “Tôi phải tìm cho Jimmy một nơi thật yên tĩnh để nghỉ ngơi” – bà Norma, mẹ của thợ mỏ Jimmy Sanchez (19 tuổi, trẻ nhất trong số 33 người) nói.

Theo Tuổi Trẻ

Đọc thêm