"Cuộc gọi lúc 0 giờ" nên khen hay nên chê?

Được kỳ vọng như một món ăn lạ, không chỉ với khán giả quen thuộc của khung giờ vàng trên VTV mà còn với cả công chúng yêu điện ảnh Việt Nam, thế nhưng Cuộc gọi lúc 0 giờ đang khiến người xem thất vọng.

Được kỳ vọng như một món ăn lạ, không chỉ với khán giả quen thuộc của khung giờ vàng trên VTV mà còn với cả công chúng yêu điện ảnh Việt Nam, thế nhưng Cuộc gọi lúc 0 giờ đang khiến người xem thất vọng. Kịch bản kiểu Hollywood Nghe tên phim, khán giả nghĩ ngay đến những bộ phim kinh dị nổi tiếng của điện ảnh Mỹ như Điện thoại giữa đêm khuya hay Cuộc gọi lúc nửa đêm. Không những thế, Cuộc gọi lúc 0 giờ cũng là câu chuyện xảy ra trong một biệt thự thênh thang, cũng có cô giữ trẻ (chỉ khác là không một mình, mà với nhiều thành viên trong gia đình) cùng hoang mang, hoảng hốt với tiếng đổ chuông từ chiếc điện thoại đúng nửa đêm...
Mô tả ảnh.
Bóng ma Hoài Phong không mang lại nhiều bất ngờ ly kỳ cho khán giả
Kịch bản phim được xây dựng theo thể loại phim tâm lý điều tra với nhiều yếu tố thần bí ma quái, hứa hẹn mang lại cho khán giả sự bất ngờ, hồi hộp tới thót tim. Mọi chuyện xoay quanh gia đình ông Tấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàn Vũ và các thành viên khác trong biệt thự Bình An. Mỗi nhân vật trong phim đều có những tính cách kỳ quái. Mỗi người đều có một bí ẩn riêng. Cô quản gia đứng tuổi hay soi mói, cô giúp việc nhiều chuyện nhưng tính dở dở ương ương, anh làm vườn thô kệch nhưng luôn bị ám ảnh bởi mối quan hệ với một người phụ nữ đẹp bí ẩn. Một đứa bé tự kỷ thi thoảng lại quậy phá, la hét om xòm... Những nhân vật này có sự bất ổn lớn và nó sẽ vỡ tung vào bất cứ lúc nào, không ai lường trước được.
Mô tả ảnh.
Các xung đột trong phim không được đạo diễn đẩy lên cao trào
Sự việc thực sự bắt đầu sau khi Hoài Phong, người cháu mà ông Tấn yêu thương nhất bị tai nạn xe hơi. Xác Hoài Phong không tìm thấy, chỉ thấy điện thoại và ví tiền. Vụ tai nạn đã khiến ông Tấn đột quỵ, liệt nửa người, mẹ Hoài Phong phải về quê sống vì quá sốc, anh trai Duy Khiêm muốn thế vị trí của Hoài Phong nhưng không được ủng hộ nên luôn trong trạng thái bức bối. Giữa lúc đó, mọi thứ bắt đầu trở nên kỳ quái và gây cấn khi chiếc điện thoại vốn đã hỏng hoàn toàn của Hoài Phong bỗng nhiên đổ chuông đều đặn vào lúc 0 giờ đêm giữa ngôi biệt thự rộng thênh thang. Tấm ảnh thờ của Hoài Phong đột nhiên nháy mắt với cô quản gia. Cánh cửa tự nhiên mở toang lúc nửa đêm và cô cháu gái mắc bệnh tự kỷ chạy xô ra ngoài vườn vừa chạy vừa gọi tên người chú đã chết hay tiếng nói của người chết vang lên trong chiếc điện thoại. Ông Tấn vốn bị xác định bị liệt nửa người nhưng vào lúc không có ai lại bỗng nhiên cử động như người bình thường... Mỗi nhân vật vừa phải chống chọi với thế giới riêng đầy bất ổn của mình vừa bị ám ảnh, đe dọa bởi một bóng ma đang lẩn khuất trong ngôi nhà. Nhà Biên kịch Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam đánh giá khá cao kịch bản phim Cuộc gọi lúc 0 giờ.
Mô tả ảnh.
Các diễn viên trong phim diễn xuất khá ổn
Thêm vào đó, bộ phim được quay tại Đà Lạt. Nhiều cảnh được tiến hành vào buổi đêm khi trời đất bảng lảng sương khói. Đoàn làm phim cũng chịu chơi khi thuê hẳn biệt thự rộng thênh thang của vua Bảo Đại trước kia để phục cho bối cảnh phim. Dàn diễn viên trong phim đầy tài năng với Đình Thơ (vai ông Tấn), Diễm My, Ngọc Lan, Lê Ba Lê, Tấn Bo, Công Ninh...Đạo diễn mang bệnh... "phim Việt" Tuy nhiên, điều đáng tiếc là với một kịch bản hay như thế nhưng cách xử lý của Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng lại không tạo ra được sự hồi hộp, bất ngờ đối với người xem. Những chi tiết, những kịch tính được kỳ vọng là sẽ được đẩy lên tới cao trào khiến khán giả bị bất ngờ và có thể "thót tim" một cách thực sự thì lại được Đạo diễn dẫn giải một cách từ từ và dài dòng. Bộ phim bị kéo dài, các kịch tính trong phim bị làm trùng xuống bởi những đoạn thoại dài lê thê của các nhân vật, đặc biệt là trong những cảnh liên quan tới cô gia sư Thùy Châu và anh chàng Bạch sửa điện thoại. Khán giả xem phim cảm thấy sốt ruột vì tập phim này đi qua, tập phim khác đã tới mà các tình huống trong phim vẫn chưa tiến triển được là bao. Cũng may là diễn xuất của các diễn viên khá ổn nên cũng đỡ phản cảm.
Mô tả ảnh.
Cô giúp việc dở dở ương ương lại nhiều chuyện
Trong một vài năm trở lại đây, có vẻ như các nhà làm phim thích nhét đủ thứ giọng vào trong một bộ phim. Một Cô gái xấu xí mà có đủ ba giọng Bắc, Trung Nam. Một bệnh viện thẩm mỹ đặc sệt miền Nam lại có thêm một giọng trọ trẹ miền Trung, một cánh đồng bất tận tại Đồng bằng Sông Cửu Long lại xuất hiện trơ trọi cô gái điếm giọng Bắc... Riêng Cuộc gọi lúc 0 giờ, chàng diễn viên gốc Bắc Minh Tiệp được lồng tiếng. Anh có giọng nói của người miền Nam nhưng cách diễn dường như không hòa quyện với diễn xuất của các diễn viên còn lại mà bị chênh ra. Trong khi các diễn viên khác diễn khá thoải mái, nhẹ nhàng thì Minh Tiệp cứ gồng mình lại với những cái mím môi, nhíu mày và những cử chỉ cứng nhắc.
Mô tả ảnh.
Cuộc gọi lúc 0 giờ quy tụ dàn diễn viên khá nổi tiếng
Trước khi bộ phim được chiếu, người ta đã dành cho nó những từ đầy ưu ái như "Lạ với Cuộc gọi lúc 0 giờ", "Thót tim với Cuộc gọi lúc 0 giờ", "Toát mồ hôi với Cuộc gọi lúc 0 giờ". Thế nhưng khi bộ phim đã đi gần được nửa chặng đường thì lại gần như không có bất cứ ý kiến khen chê nào về bộ phim. Cũng dễ hiểu khi mà những kỳ vọng của khán giả đặt vào các yếu tố ly kỳ, ghê rợn, bất ngờ trong phim không được thỏa mãn nhưng bộ phim cũng không đến nỗi tệ. Nó nằm ở mức độ nhàn nhạt, xem cũng được mà không xem cũng được.
Theo 24h

Đọc thêm