Hội nghị triển khai thí điểm dạy tiếng Anh ở tiểu học (cuối tuần qua) họp đến gần Ngọ nhưng nhiều giáo viên (GV) vẫn chưa trút hết “bầu tâm sự”, dù Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển rất kiên trì lắng nghe. Cả nước có 148 giáo viên kiểm tra trình độ để dạy thí điểm thì chỉ 28 người đạt 550 điểm TOEFL, 88 người đạt 400. Chẳng biết điểm ấy ở mức độ nào, nhưng một vài chuyên gia Anh ngữ cho hay, 550 điểm mới ở mức trung bình khá. Như vậy là GV trình độ chưa cao hoặc yêu cầu của Bộ cao quá? Dự định 550 điểm mới đủ tiêu chuẩn dạy, nhưng chỉ có 28 GV đạt. Phải chăng chính vì thế mà Bộ rút xuống mức 400 điểm, thêm được 88 GV? Chắc chắn vẫn chưa đủ.
|
HS Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội). (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Nhiều GV băn khoăn, vậy những nơi GV chưa đạt ( theo đánh giá của Bộ ) thì triển khai thí điểm thế nào? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết là đã tham khảo ý kiến chuyên gia, “sau một năm, những GV đạt 400 điểm có thể đạt đến trình độ 550 điểm vì đi dạy cũng là đi học”. Thực ra, chuyện điểm TOEFL không “nóng” bằng chuyện trường dạy thí điểm được cái gì? Một cuộc “mặc cả” diễn ra ngay tại hội nghị đến mức lãnh đạo Bộ phải… nói to hơn bình thường: “Đừng nghĩ Bộ phải có cái gì thì mới làm. Nếu không thì Bộ không mời làm thí điểm nữa. Sẽ có nhưng đòi ngay thì Bộ không có đâu”. Trước khi diễn ra hội nghị này mấy hôm, trong một cuộc phỏng vấn, PGS Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Phó trưởng Ban đề án ngoại ngữ tiết lộ: Các địa phương rất thích được thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3”. Chẳng biết sự “rất thích” đó với cuộc mặc cả trong hội nghị nói trên có gì liên quan? Cuộc “mặc cả” chưa kết thúc nếu Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển không kiên quyết: “Bộ chưa quyết danh sách trường nào tham gia thí điểm. Sau hội nghị, hiệu trưởng sẽ quyết định trường mình có tham gia thí điểm không, sau đó báo cáo lên Bộ. Nếu băn khoăn thì đừng làm, Bộ không mời”.
“Đừng nghĩ Bộ phải có cái gì thì mới làm. Nếu không thì Bộ không mời làm thí điểm nữa. Sẽ có nhưng đòi ngay thì Bộ không có đâu” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
Kể cũng lạ, thí điểm đã muộn một năm; nay các trường đã dạy được nửa tháng, vẫn chưa biết trường nào sẽ thí điểm? Hay đây là giải pháp tình thế của Bộ khi mà số GV đạt yêu cầu còn “khiếm tốn”? Bộ cũng thông báo, “nơi nào thí điểm dạy tiếng Anh mà không nằm trong danh sách báo lên, sau này, những góp ý chỉ mang tính tham khảo.” Như vậy là thí điểm “ngoài luồng” không có quyền đóng góp ý kiến. Dẫu triển khai có muộn mằn, nhưng Bộ rất quyết tâm với tuyên bố: “Không dạy tiếng Anh tiểu học theo kiểu cuốn chiếu. Năm sau, nếu có sách tiếng Anh lớp 6 thì dạy luôn, không chờ lớp 5 lên mới dạy. Cũng vào năm sau, khi triển khai đại trà, chỉ những nơi nào đủ điều kiện Bộ mới coi chính thức là đại trà”. Thật khó hiểu! Không biết rồi đây thi cử sẽ thế nào với kiểu học xôi đỗ này. Liệu có rơi vào cảnh phải soạn hai bộ đề thi tốt nghiệp môn tiếng Anh cho học sinh học 10 năm và 7 năm? Dạy tiếng Anh từ lớp 3 không chỉ nan giải về chất lượng mà ngay cả số lượng GV cũng có vấn đề. Bộ nói: “Biên chế GV thuộc quyền của địa phương”. Trong khi các trường phàn nàn “nơi có nơi không”. Trước đây, dạy ngoại ngữ tự chọn thì có thể hợp đồng ngắn hạn, nhưng nay đã là môn chính khoá thì không thể hợp đồng. Kể cả khi có biên chế GV tiếng Anh, với định biên 1,5 GV/lớp (dành cho trường dạy 2 buổi ngày), thì vẫn thiếu, vì phải dạy 4 tiết tiếng Anh /tuần. Khi đó, số tiết sẽ tăng lên trên 7 tiết /ngày, điều này trái với quy định. Để dạy tiếng Anh hiệu quả, Bộ yêu cầu tối đa là 35 học sinh /lớp. Nhưng điều này thật khó, vì những nơi có điều kiện thí điểm, số học sinh trong một lớp thường đông. Với tiếng Anh, Bộ cho phép dùng các loại sách khác (ngoài bộ sách do Bộ biên soạn) để dạy. Song phải dạy đúng chương trình để tiện việc quản lý và đánh giá. Tuy nhiên, cái khó ở đây là liệu GV có thể “phiên”, có thể “ánh xạ” từ chương trình (của Bộ) sang sách của nhà trường đang dạy?
Theo Ngô Thiệu Phong
VietNamNet
VietNamNet