Cuộc sống của con gái ông Hoàng Quốc Việt được Bác Hồ đặt tên

(PLVN) - Hạ Chí Nhân con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, từng được Bác Hồ bế ẵm và đặt tên trong ngày đầy tháng. Nay đã ngoài 70 tuổi, bà có cuộc sống an nhàn thư thái. Bà là một trong những đứa trẻ có tuổi thơ gắn bó với Bác nhiều nhất trên chiến khu Việt Bắc.

Sinh thời, Bác Hồ là người rất yêu quý thiếu nhi, Người luôn dành tình cảm quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ của đất nước. Tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của Bác được thể hiện ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau.

Có một cháu bé được Bác đích thân đặt tên, bế ẵm trong ngày đầy tháng. Đó là bà Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt (tên thật Hạ Bá Cang) và bà Khuất Thị Bảy (em gái nhà cách mạng Khuất Duy Tiến).

Những ngày giữa tháng 5 này, nắng vàng trải dài, khắp các tuyến đường Thủ đô được trang hoàng mừng sinh nhật Bác. Từ phố Phan Đình Phùng đi vào, nằm sát mặt đường Nguyễn Cảnh Chân (Ba Đình) bao quanh khu vườn cây là ngôi nhà nơi bà Hạ Chí Nhân sinh sống cùng chồng. Ở tuổi 71, bà vẫn thoăn thoắt với công việc nội trợ, nhanh nhẹn dẫn khách vào không gian đặc biệt của ngôi nhà.

Bộ bàn ghế xưa cũ, gian phòng khách treo đầy những bức ảnh đen trắng. Bàn thờ gia tiên treo trang trọng chính giữa là cờ Tổ quốc, cờ Đảng, tiếp đến là tượng Bác Hồ và tượng nhà cách mạnh Hoàng Quốc Việt, bên dưới là ảnh những người thân. 

“Tôi sinh ra vào sáng sớm một ngày tháng 1/1949 nơi núi rừng Việt Bắc, trên chiến khu ATK Định Hóa”. Bà quay sang chỉ vào bức ảnh 6 người với Bác Hồ làm trung tâm và cho biết công việc kháng chiến bận rộn, lại gần đến Tết nhưng khi bà được sinh ra, Bác vẫn đến thăm và hứa đầy tháng tuổi Bác sẽ đặt tên cho.

"Khi tôi đầy tháng, tại Điềm Mặc (Thanh Định, Định Hóa, Thái Nguyên), Bác lại đến thăm, bế tôi trong lòng, chụp ảnh cùng, có ba mẹ tôi đứng bên cạnh. Người đặt cho tôi cái tên Chí Nhân với họ Hạ, theo họ cha”.

Khi bà lớn lên, Bác cũng là người giảng cho bà ý nghĩa của cái tên "Chí Nhân" nghĩa là Nhân - Nghĩa - Lễ - Chí - Tín. “Cái tên là cái mệnh, suốt đời được lời răn dạy của Bác, tôi rất hạnh phúc", bà bày tỏ.

Tháng 3/1951, khu nhà trẻ ở Khe Khao (Chợ Đồn, Bắc Kạn) được mở giữa rừng núi, bà Nhân cùng con các cán bộ trung ương được đưa về đây để nuôi dạy. Đến năm 1954, khu nuôi dạy được chuyển về Hà Nội.

Bà nhớ lại: “Ở trong những ngôi nhà liếp mái tranh thời đó, chúng tôi được nuôi dạy tử tế. Ở đây vài năm thì có 2 lần Bác đến thăm, khi đó tôi rất bé, mới khoảng 4 - 5 tuổi nhưng kỳ lạ thay, tôi vẫn nhớ tường tận từng chi tiết chuyến thăm của Người”.

Một hôm Bác đến thăm và chia cho mỗi cháu 1 chiếc kẹo. Bác đặt vào lòng bàn tay bé xinh của những đứa trẻ cùng với lời nhắn chúc hay ăn chóng lớn, ai ngoan được Bác cho thêm 1 cái nữa. Đám trẻ khi đó mừng quýnh lên, khi lần đầu tiên được cầm viên kẹo.

“Nó đẹp, thơm tho, giấy bọc kẹo màu trắng, có những hình màu hồng. Trong mắt một đứa trẻ suốt những năm tháng ở xung quanh bốn bề là rừng, đó như là một món quà thần tiên, lạ kỳ. Tôi sung sướng, nắm chặt trong tay, không dám ăn. Tôi cất kỹ viên kẹo trong gối đầu giường, nhưng kỳ thực sáng hôm sau tìm lại không thấy, mãi mới phát hiện là anh tôi ăn mất, tôi đã khóc rất nhiều”.

Sau này, được Bác cho kẹo nhiều lần nhưng không bao giờ bà Nhân quên được lần đầu tiên đó, món quà tuy nhỏ nhưng đó là phần thưởng đầu tiên, tình cảm Bác dành cho thế hệ măng non.

Lớn lên sống giữa núi rừng Việt Bắc, dưới sự đùm bọc của đồng bào dân tộc, có Bác Hồ và các lãnh đạo cách mạng, rồi khi về Thủ đô nhà bà chỉ cách Phủ Chủ tịch vài trăm mét. Bà Hạ Chí Nhân nghĩ có lẽ bà là đứa trẻ may mắn nhất vì gắn bó với Bác rất sâu đậm, bảo tàng Hồ Chí Minh từng nhận định bà là đứa trẻ được chụp chung với Bác Hồ nhiều ảnh nhất.

Những lúc Bác rảnh rỗi, ông Hoàng Quốc Việt hay cho cô bé Nhân sang chơi với Bác.

Cố gắng học hành, khi 17 tuổi, Hạ Chí Nhân cùng nhiều thanh niên Việt Nam được chọn đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chiều 21/8/1966, bà được vào chào Bác trước khi lên đường sang Budapest (Hungary) học ngành Vật lý.

Bác dặn dò: Cháu cố gắng học, thế hệ cháu sẽ trở thành chiến sĩ trên mặt trận xây dựng đất nước. Các cháu sẽ là một thế hệ mới văn minh, hãy cố gắng học khoa học kỹ thuật, học những gì văn minh nhất, tinh hoa nhất. Đặc biệt trau dồi ngôn ngữ, đó là chìa khóa mở ra thế giới. Sau này trở về xây dựng đất nước.

Nhớ lời dặn của Bác, suốt những năm tháng sinh viên bà chăm chỉ học tập, có những đêm chỉ ngủ 3 - 4 tiếng. Nghẹn ngào chia sẻ, bà cho biết đó là lần cuối cùng bà được trò chuyện với Bác. Năm 1969, bà cùng sinh viên Việt Nam ở Hungary nhận tin dữ từ Đại sứ quán.

"Tin đến thật choáng váng. Cách mạng, nhân dân, đất nước trước kia luôn có Bác, bây giờ Bác mất thì cuộc sống sẽ như thế nào. Bao nhiêu suy nghĩ, nỗi niềm vây quanh chúng tôi", bà bồi hồi kể.

Một khoảng trống hiện hữu vào những ngày đó, các sinh viên tập trung ở KTX, cùng nhau may cờ và băng tay đỏ sao vàng để tang Bác. Người thì khâu tay, người thì dùng máy, cả chục con người cứ lặng lẽ làm, lòng nghĩ về Bác. 

Đạo đức sáng ngời của Bác được lan truyền tới những người sống xung quanh một cách tự nhiên. Giới thiệu khuôn viên nhà ngập tràn cây cảnh, với các loài hoa, trong nhà thì bố trí đơn sơ, bà Nhân cho biết bà ảnh hưởng từ phong cách sống của Bác gần thiên nhiên, tối giản hết mức có thể.

"Ngày mới về Thủ đô, Bác được bố trí ở trong Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà to lộng lẫy như thế nhưng Bác nhất định từ chối, vào ở ngôi nhà nhỏ số 54.

Trung ương mới quyết định làm nhà gác 2 tầng giống kiểu của bà con dân tộc, tầng trên có 2 buồng nhỏ để Bác ngủ và sinh hoạt. Tầng dưới Bác hay để tiếp khách. Ba tôi, cụ Tôn, bác Nguyễn Lương Bằng qua thăm thì hay ngồi đấy trò chuyện, thi thoảng tôi qua thăm thấy Người dung dị chăm sóc đàn cá", bà nói. 

Sau mấy năm du học, với mong muốn nghiên cứu về vi mạch điện tử, vô tuyến điện - một ngành mới, bà Nhân về công tác tại khoa Toán Lý, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Năm 1984, bà Nhân rút khỏi công việc nghiên cứu kỹ thuật, về làm ngành xã hội ở Nhà xuất bản Hà Nội.

Năm 2004, bà nghỉ hưu, theo như lời bà, tuy yên bình nhưng vô cùng bận bịu. Bà cười nói: "Tôi và ông nhà tuổi đều đã cao, nhưng hay 'hội thảo' tranh luận về những gì cùng nghiên cứu. Cũng may mắn là sức khỏe cả 2 đều tốt. Mỗi chiều tối, vợ chồng đi bộ 1 vòng ra Lăng Bác, ông nhà chở tôi lên cầu Long Biên ngắm cảnh, cuộc sống an nhàn, thảnh thơi".

Đọc thêm