Cuộc sống đổi thay bên dòng Xê Pôn

(PLO) - Xã Thuận (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nằm bên dòng Xê Pôn với gần 600 hộ, có 75%  đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 
Một đại lý thu mua chuối tại trung tâm xã Thuận.
Một đại lý thu mua chuối tại trung tâm xã Thuận.

Để có được điều đó, chính quyền địa phương và nhân dân đã phát huy được lợi thế sẵn có phát triển diện tích trồng sắn nguyên liệu, chuối xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài ra, hệ thống giao thông thuận lợi tạo nên lợi thế trong giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa, nông sản.

Giúp người dân làm giàu

Dẫn chúng tôi đi thực tế địa bàn Trung tá Tạ Quang Hậu - Đồn trưởng Đồn BP Thuận - giới thiệu những thành quả của nhân dân trong những năm đổi mới. Trung tá Hậu cho biết: “Xã Thuận có lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp, đồi núi có độ cao trung bình, đất đai màu mỡ, phù hợp với cây sắn, cây chuối. Trong những năm qua chúng tôi đã tham mưu, đóng góp vào Nghị quyết của địa phương, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển toàn diện, bền vững, có năng suất, có chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; trong đó, chú trọng khai thác các sản phẩm có lợi thế như sắn nguyên liệu, chuối xuất khẩu, phát triển cây cao su tạo nền tảng cho phát triển lâu dài bền vững”. 

Ngắm những đồi sắn, đồi chuối vút tầm mắt, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ ở một xã biên giới một thời bị bom đạn dày xéo. Trước đây, người dân trồng sắn với diện tích nhỏ lẻ, phân tán nhiều nơi; mặt khác, giá cả bấp bênh, bị ép giá. Từ sự đầu tư đúng hướng của huyện Hướng Hóa, kêu gọi DN đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Thuận, với chính sách hỗ trợ vốn hợp lý, giải quyết đầu ra ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển diện tích trồng sắn với quy mô lớn. Hiện nay, diện tích trồng sắn nguyên liệu của toàn xã lên gần 600ha, năng suất bình quân 17,5 tấn/ha, toàn xã thu nhập từ cây sắn hiện nay đạt 15,2 tỷ đồng/năm. Nhiều gia đình làm giàu từ trồng sắn đã gia nhập câu lạc bộ thu nhập trên 100 triệu đồng ở vùng Lìa. 

Đổi thay cuộc sống

Ông Hồ Văn Hạnh - Trưởng thôn Bản Bảy - cho biết: “Nhà máy sắn được xây dựng, tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định đã làm thay đổi cuộc sống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều của toàn bộ vùng Lìa và một số bà con các bản sinh sống giáp biên giới của nước bạn Lào. Hiện nay, người dân xã Thuận trồng sắn có thể trang trải nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, còn trồng chuối và chăn nuôi nhằm phục vụ phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm những vật dụng giá trị nâng cao đời sống tinh thần”.

Bên cạnh trồng sắn, nhiều người dân còn phát triển kinh tế vườn rừng, tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng  có năng suất, giá trị cao. Đặc biệt, việc phát triển diện tích trồng chuối trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, toàn xã diện tích trồng chuối đạt 442ha, năng suất 14 tấn/ha, giá bình quân 6,5 triệu đồng/tấn. Thu từ cây chuối trên toàn xã 8,5 tỷ đồng/năm và cây chuối đã trở thành cây trồng chủ lực giúp dân thoát nghèo. Anh Hồ A Phùng - Thôn Bản Bảy, xã Thuận - chia sẻ: “Chuối là cây dễ trồng, thích hợp với thổ nhưỡng ở đây, cho thu hoạch quanh năm nên tạo nguồn thu nhập thường xuyên. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ chuối khoản 150 triệu đồng, tính riêng vào các dịp Tết Nguyên đán gia đình tôi thu về 70 - 90 triệu đồng”. 

Ông Hồ Ta Cô - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thuận - cho biết, thời gian qua, người dân địa phương tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây chuối, sắn đang là 2 cây chủ lực, giúp người Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn xã thoát nghèo và đang từng ngày vươn lên làm giàu. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 9,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, trong tương lai xã Thuận tự tin vững bước trên hành trình phát triển, trở thành điểm sáng trên vùng biên giới Quảng Trị...

Đọc thêm