Lẽ thường, khi điều gì thực sự mất đi người ta mới nhận thức được nó quan trọng đến nhường nào. Điều này thật đúng với tâm trạng của phạm nhân Lã Thị Kim Oanh. Khi còn đang tung hoành trên thương trường, người đàn bà này dường như đã không dành mấy phút để quan tâm đến cuộc sống gia đình, nơi ấy có một người chồng tốt và hai đứa con ngoan. Nhưng đến khi thực sự ngã ngựa, nhân vật họ Lã này mới hiểu hơn ai hết giá trị của một gia đình.
Khác hẳn với hình ảnh của một người đàn bà thét ra lửa, một tay làm khuynh đảo biết bao đơn vị của Bộ NN&PTNT ngày nào, Lã Thị Kim Oanh giờ đây già hơn, bệnh tật nhiều hơn và trở nên vô cùng yếu đuối.
Điều khiến bà Oanh ân hận nhất cho tới giờ phút này là khi đương chức đã không dành thời gian để chăm sóc con cái, và giờ đây khi đang phải cải tạo trong trại giam thì bà đã để lại tiếng xấu cho hai cô con gái. Để giờ đây, đứa lớn đã ngoài ba mươi, đứa út cũng xấp xỉ tuổi băm nhưng chưa ai lập gia đình. Nói đến điều này, bà Oanh lại khóc.
Khác hẳn với hình ảnh của một người đàn bà thét ra lửa, một tay làm khuynh đảo biết bao đơn vị của Bộ NN&PTNT ngày nào, Lã Thị Kim Oanh giờ đây già hơn, bệnh tật nhiều hơn và trở nên vô cùng yếu đuối.
Điều khiến bà Oanh ân hận nhất cho tới giờ phút này là khi đương chức đã không dành thời gian để chăm sóc con cái, và giờ đây khi đang phải cải tạo trong trại giam thì bà đã để lại tiếng xấu cho hai cô con gái. Để giờ đây, đứa lớn đã ngoài ba mươi, đứa út cũng xấp xỉ tuổi băm nhưng chưa ai lập gia đình. Nói đến điều này, bà Oanh lại khóc.
Phạm nhân Lã Thị Kim Oanh. |
Trong câu chuyện mà phó giám thị trại 5 Nguyễn Văn Vân kể với tôi về bà Oanh luôn có sự xuất hiện của hình ảnh người chồng bà Oanh. Theo phó giám thị Nguyễn Văn Vân thì bà Oanh thực sự là người may mắn, bởi trong suốt quá trình ở trong trại bà vẫn thường xuyên được chồng và con cái vào thăm nuôi. Ông Lê Thế Chính vẫn trích một phần lương hưu ít ỏi của mình để gửi vào trong trại giam cho bà.
Khi nói về chồng và đại gia đình nhà chồng bà Oanh bỗng trở nên ngượng ngập vì bản thân mình đã đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của gia đình nhà chồng. Bà biết, dù vướng vào vòng tù tội nhưng bà vẫn được cô dì chú bác nhà chồng vào trại động viên thăm nuôi là nhờ vào hồng phúc của bố mẹ chồng để lại.
Trong một bức thư gửi về thăm bố mẹ chồng năm 2006 của bà Oanh có đoạn viết: “Thưa bố mẹ, con đã làm ảnh hưởng tới truyền thống của gia đình, điều này con rất đau xót và ân hận. Con mong bố mẹ và gia đình hãy tha thứ cho con… Nhưng hiện nay chồng con đã nghỉ hưu, lương cũng có chừng mực, các cháu còn phải đi học thêm, lương ít vì thế con xin bố mẹ nói với chồng con và các cháu không phải lo gì cho con cả mà phải lo cho bản thân mình, các cháu được như vậy là do ông bà dạy dỗ và giáo dục các cháu theo nề nếp và truyền thống gia đình. Con chỉ mong các cháu có được người chồng tử tế, có học hành, có đức độ là con mãn nguyện rồi. Còn chồng con 15 năm dài dằng dặc con muốn giải phóng cho chồng con chỉ mong anh tìm được người tử tế để không làm xáo trộn nề nếp gia đình mà mẹ đã mất bao công sức xây dựng nên”.
Phó giám thị Nguyễn Văn Vân cũng cho tôi biết thêm, cuối năm 2009, người chồng đã gửi một bức thư có tình có lý cho phạm nhân Oanh cùng với một tờ đơn ly hôn. Phó giám thị Nguyễn Văn Vân nói với chúng tôi: “Đã từng chứng kiến bao hoàn cảnh của các phạm nhân khi lâm vào tình cảnh mất tự do, vợ và chồng bỏ rơi nhau, gia đình không nhìn mặt nhau”. Người chồng nhấn mạnh rằng tình thế này là bất đắc dĩ vì hôn nhân đã mấy chục năm, duyên nợ con cái, nghĩa tình sâu không dò đến.
Mỗi gia đình ly tán, mỗi hôn nhân tan vỡ đều có cái lý đặc biệt của nó mà nếu chúng ta nhìn vào từ bên ngoài, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nổi. Thông thường ai cũng lường trước được các tình huống kiểu này nhất là khi phạm nhân còn trẻ. Tuy nhiên, đối với phạm nhân Lã Thị Kim Oanh thì chuyện này lại xẩy ra có vẻ bất ngờ với những ai biết được. Thực sự, hôn nhân của phạm nhân Lã Thị Kim Oanh cũng nhiều phen sóng gió ngay trước khi phải lĩnh án ngồi tù. Theo tâm sự của bà Oanh thì có tới 3 lần Lã Thị Kim Oanh làm đơn ly hôn chồng. Lần thứ nhất là năm 1990, lúc hai vợ chồng bà Oanh đang ở Thành Công, lần thứ hai là năm 1995, ở Yên Ninh, và lần thứ ba là năm 2000 ở Thái Hà. Cả ba lần ấy, người chủ động xé đơn ly hôn đi đều là chồng bà Oanh chỉ vì chồng bà quá thương các con còn nhỏ dại và thương gia đình. Nhắc lại điều này, nước mắt bà Oanh lại lã chã rơi trong hối tiếc. Giá như, mà cuộc đời làm gì có cái giá như để rồi có kết quả bi thảm như ngày hôm nay. Ấy vậy mà khi bà Oanh ngã ngựa, chồng bà vẫn chạy đôn chạy đáo đi tìm luật sư làm đơn xin với Chủ tịch nước ân xá cho vợ thoát án tử hình. Khi bà Oanh được giảm án, không ai khác lại vẫn là chồng bà tiếp tục chăm lo thu xếp làm đơn kiến nghị với trại về tình hình sức khoẻ của vợ để trại tạo điều kiện cho bà Oanh có được một việc làm trong trại giam phù hợp với sức khoẻ của vợ mình. Đó là trách nhiệm và cũng là tình thương của một người chồng. Đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy một quyết định nào đó không hợp lý hợp tình thì chúng ta lại vội quy ngay đến bản chất con người. Chỉ trách bà Oanh khi còn tung hoành ngang dọc ngoài xã hội đã có đôi lúc vì “nghiệp lớn” mà lơ là, mà nhẹ đi sự trân trọng tấm lòng, nghĩa phu thê. Chính bà Oanh đã thú nhận, trong cuộc sống vợ chồng dù có nhiều khi không thuận buồm xuôi gió nhưng chồng bà là người quá tử tế. Có lần bà Oanh đã oà khóc nức nở khi luật sư Phượng nói: “Chị có người chồng tốt như thế, hai đứa con ngoan học giỏi vậy mà không biết giữ, cứ mải miết chạy theo những điều phù phiếm”. Không còn hình ảnh của một doanh nhân thành đạt, vung tiền không tiếc tay như ngày nào, bà Oanh giờ đây biết quan tâm đến người khác nhiều hơn. Trong mắt một số bạn tù thì bà Oanh quả là một người sống rất chan hoà, có tri thức và sống mẫu mực song rất kiệm lời. Giống như bao người đàn bà khác khi vướng vào vòng tù tội, Lã Thị Kim Oanh cũng không sao tránh khỏi được bản án ly hôn như một sự tất yếu. Không thể nói là chồng bà thiếu tình nghĩa, bởi mọi việc đều có giới hạn của nó. Những gì có thể làm được cho vợ, ông Lê Thế Chính cũng đã gắng hết sức để làm rồi. Giờ đây, khi tuổi tác đã cao chồng bà Oanh cũng phải lo cho cái tương lai hiu quạnh sắp sửa ập đến. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Số phận hôn nhân của phạm nhân “đặc biệt” Lã Thị Kim Oanh giờ này có lẽ cũng đã an bài. Đối mặt với “bản án” ly hôn đúng thời gian nỗ lực hoàn lương có thể là một sức ép lớn cho tâm lý người đàn bà này. Thế nhưng với sự hối hận, với nỗ lực hoàn lương và lòng thành kính cảm ơn cuộc đời đã và đang dần tha thứ cho lỗi lầm của mình, sự sôi sục đau đớn về số phận hôn nhân sẽ nguôi dần và lắng im trong lòng phạm nhân này.
Theo Đang yêu