Cưới không đăng ký kết hôn, "phớt" cả đạo đức lẫn pháp luật

Với nhiều bạn trẻ ngày nay, cưới trước, đăng ký kết hôn sau hoặc lần lữa việc đăng ký kết hôn không phải là do bận rộn, do phụ thuộc ngày giờ vào các bậc phụ huynh, mà là... "thủ thế" để phòng lúc chán nhau.

Với nhiều bạn trẻ ngày nay, cưới trước, đăng ký kết hôn sau hoặc lần lữa việc đăng ký kết hôn không phải là do bận rộn, do phụ thuộc ngày giờ vào các bậc phụ huynh, mà là... "thủ thế" để phòng lúc chán nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa từ Internet.

Cứ cưới đã rồi tính tiếp

Ngày cưới đến gần, bỗng dưng dồn dập nghe nhiều điều không hay về chồng sắp cưới của mình, chị Nguyễn Thanh Ni (quê Đồng Nai, ngụ quận 7) khá hoang mang. Tuy nhiên, mọi thứ đã khởi động, hai bên gia đình cũng chuẩn bị tấn tần tật mọi thứ, thiệp cưới cũng đã phát đi, khó lòng mà dừng lại. Vả lại, những thông tin và cảm nhận của chị Ni cũng rất mơ hồ, chưa đủ mạnh để hoãn một cuộc hôn nhân.

Người bạn gái thân của chị Ni khuyên: "Cứ làm đám cưới đi, nhưng từ từ hãy đi đăng ký kết hôn, nếu lấy nhau về mà mọi chuyện tốt đẹp, không như mình nghi ngờ thì đi đăng ký cũng không muộn. Còn lỡ có chuyện gì sau ngày cưới, trên giấy tờ là mày chưa chồng, đỡ mang tiếng một đời chồng, lại khỏi phải ra toà li dị".

Lời cô bạn nói không phải là không có lý, thế nên, theo dự định trước đó là cả hai sẽ đi đăng ký kết hôn trước ngày cưới một tuần, thế nhưng chị Ni liên tục viện các lý do để hoãn việc đi đăng ký khiến người chồng sắp cưới rất ngạc nhiên, nhưng tất nhiên là không thể ngờ được lý do sâu xa trên.

Chị Hà Thị Bích, (quê Nam Định, sinh sống tại quận 2, TPHCM) phải làm đám cưới do bị gia đình hối thúc. Chị năm nay đã ngoài 30, khá thành đạt, giỏi giang và quen lối sống độc lập nên chưa nghĩ gì đến lấy chồng. Để xoa dịu gia đình, chị cũng hẹn hò với một người, là con trai của bạn cha mẹ chị. Chị Bích tính, cứ hoãn binh đến chừng nào hay chừng đó.

Tuy nhiên, không may bố chị lâm bệnh nặng, có khả năng không qua khỏi nên yêu cầu con gái gấp rút lấy chồng. Thế là chị đành tổ chức đám cưới cho bố yên lòng. Thế nhưng, trong khi một mặt gấp rút tổ chức đám cưới, mặt khác chị lại nói với bạn bè: "Cưới thì cưới vậy thôi, chứ còn lâu mới làm giấy kết hôn. Lão ấy vừa an phận lại vừa cù lần, sống đời với nhau thì chán chết. Làm đám cưới cho bố yên tâm, có ra đi cũng đi trong vui vẻ, rồi lại tính tiếp"...

Ngày nay, số phụ nữ quyết định như chị Thanh Ni, chị Bích không hiếm. Với một người phụ nữ, cái tiếng "một đời chồng" khiến họ bị hạn chế hơn trong việc tiến đến những mối quan hệ mới, những lựa chọn mới. Ngoài ra, thông tin đầy ắp và cả kinh nghiệm đã cho họ thấy về cái sự "không đáng tin cậy" của đàn ông, cũng như tính mong manh dễ vỡ của một cuộc hôn nhân (chứ không còn là chuyện trăm năm như của cha mẹ, ông bà), những lý do trên đã khiến nhiều chị em đi đến quyết định trì hoãn chuyện đăng ký kết hôn kể cả khi đám cưới đã diễn ra khá lâu.

Không những các cô gái tính kĩ, khá nhiều chàng trai cũng rất thận trọng với giấy kết hôn, nhiều anh còn nửa đùa nửa thật về mối nguy "bút sa gà chết". Nhiều chàng, chưa đủ tin tưởng bạn đời, vì "vào thế" mà phải cưới, hoặc gần cưới mới "đọc" được nhiều ý định không hay của đối phương, nên đám cưới thì vẫn tổ chức, mà giấy kết hôn thì ngầm ra thời hạn một, hai tháng sau đám cưới xem mọi chuyện có ổn không.

Hợp thời hay thiếu trách nhiệm?

Chỉ đúng một tháng sau ngày cưới, vợ chồng chị Thanh Ni "đường ai nấy đi" vì những nghi ngờ ngày càng lớn lên, chị xác nhận được nhiều điều trong thông tin mà bạn bè cho biết, rồi những mâu thuẫn không hàn gắn được. Còn chị Hà Thị Bích, ngay sau khi bố chị mất, chị trở lại với đời sống độc thân vui tính bỏ anh chồng hiền lành ở nhà vò võ như trai chưa vợ. Một thời gian dài sau, do không thể chấp nhận cuộc sống vợ chồng hờ, không ràng buộc và trách nhiệm gì với nhau, anh chồng chủ động đề nghị chia tay.

Cả hai trường hợp trên, của chị Thanh Ni và chị Hà Thị Bích, kết cục dường như xác nhận rằng cái sự thận trọng của các chị là hoàn toàn có cơ sở, vì sau đám cưới, cuộc hôn nhân của họ đều không bền vững, tan vỡ nhanh chóng. Nhờ đã tính trước, không làm giấy kết hôn nên họ tránh được nhiều phiền phức, hệ luỵ của một cuộc ly hôn. Kể cả nỗi lo mang tiếng "một đời chồng" của chị em phụ nữ. Nhiều người gọi cách sống của họ là hợp thời, ở thời đại mà hôn nhân cũng mong manh như bất cứ điều gì khác.

Tuy nhiên, có chắc là hành động của họ là hay, là đúng?. Thử nghĩ ngược lại, trường hợp những phụ nữ hiện đại như chị Ni, chị Bích nói trên, nếu như họ không quá thận trọng, nếu như họ tiến đến hôn nhân một cách nghiêm túc với việc đăng ký kết hôn đàng hoàng, thì có thể sự ràng buộc về mặt pháp lý (và cả tinh thần) sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn với cuộc hôn nhân của mình, biết vun đắp hơn và không dễ buông rơi khi gặp khó khăn.

Một khía cạnh khác, đó là cái tiếng "một đời chồng" như nhiều chị em quan niệm.

Và, hiển nhiên rằng, quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân là sự tự nguyện yêu thương và vun đắp giữa hai con người nghiêm túc muốn cùng nhau xây dựng một mái ấm. Nếu không có những điều này, thì dù có hay không có tờ giấy đăng ký kết hôn, cuộc sống vợ chồng cũng không thể tốt đẹp, bền lâu...

Có đám cưới là đã kết hôn

Ở xã hội chúng ta, hôn nhân không chỉ là sự ràng buộc hai con người ở mặt pháp lý, nó còn có cả tính truyền thống trong ấy, thế nên, với xã hội nói chung, chưa cần biết chuyện có đăng kí kết hôn hay không, nhưng đã có tổ chức đám cưới với sự tham gia của hai bên gia đình, nghĩa là trước người thân, bạn bè, họ đã chính thức trở thành vợ chồng.

Về điều này, người đẹp tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 Vương Thu Phương đã cho chị em phụ nữ một bài học lớn, khi cô bị loại sau tin đồn "đã có chồng", vì Ban tổ chức đánh giá rằng, kể cả chưa đăng kí kết hôn nhưng đã có tổ chức đám cưới, nghĩa là đã có một cuộc hôn nhân theo nghi lễ truyền thống, được mọi người công nhận.

Tiểu Mai

Đọc thêm