Nghề mộc hình thành trên đất Biên Hòa từ hơn 300 năm trước khi người Việt khai phá vùng Đồng Nai, do nhu cầu xây cất nhà cửa, chế tạo đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, trang trí đình chùa, đóng ghe tàu... Bên cạnh đó, rừng Biên Hòa rộng và có nhiều loại gỗ quí như: sao, gõ, huỳnh đàn, trai, dầu, bời lời, cẩm lai... rất thuận lợi cho việc khai thác gỗ.
Thêm nữa, từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, nghề mộc theo chân những người dân di cư từ Bắc vào Nam, chọn khu vực Hố Nai (Đồng Nai) mà định hình. Tất cả tạo nên một làng nghề lớn nhất Nam bộ, nức tiếng gần xa, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về.
Làng mộc Hố Nai nằm trên địa phận 3 phường gồm: Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa của thành phố Biên Hòa, Đồng Nai với hàng ngàn xưởng mộc lớn nhỏ. |
Sản phẩm mộc ở Hố Nai được tiêu thụ quanh năm, thường sốt hàng vào những dịp cuối năm, khi nhà nhà sắm sửa những đồ dùng, vật dụng chuẩn bị đón tết cổ truyền. |
Anh Đinh Quang Lập (SN 1991, ngụ phường Hố Nai) theo nghề từ năm 14 tuổi, sau 7 năm tích lũy kinh nghiệm, anh Lập lấy vợ, mở xưởng kinh doanh mặt hàng đồ gỗ gia dụng, mỗi tuần xưởng anh xuất đi hàng chục bộ bàn ghế các loại. |
Sau khi nghề mộc thủ công mỹ nghệ nức tiếng xa gần, người dân ở đây “người người làm mộc, nhà nhà làm mộc” khiến khu vực này không ngớt tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo. |
Khi người dân bắt đầu áp dụng công nghệ vào sản xuất, những công đoạn trước đây bằng sức người dần thay bằng máy móc, nhờ đó tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí nhân công. |
Đi ngược lại số đông, anh Đỗ Lập (SN 1985, ngụ phường Hố Nai) cho biết: “Nghề mộc quý ở cái hồn, vì thế khi máy móc đã thay thế con người nhưng để tạo ra những sản phẩm tinh tế, độc đáo thì không thể thiếu những người thợ tự tay đục đẽo, chạm trổ, thổi hồn vào gỗ”. |
Sau khi dịch COVID-19 kết thúc, làng mộc Hố Nai hiện rơi vào cảnh thiếu đơn hàng, một phần nhà xưởng buộc phải đóng cửa, một số xưởng lớn còn sản xuất, kinh doanh cầm chừng nhưng cũng giảm thiểu số lượng nhân công. Nhiều gia đình cũng thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới để bám trụ với nghề. |
Sản phẩm mộc ở Hố Nai được sản xuất và tiêu thụ quanh năm, nhưng “hút” hàng nhất là 3 tháng cuối năm, bởi nhiều gia đình muốn mua sắm đồ nội thất để đón năm mới. Theo một số hộ kinh doanh, việc thị trường sa sút là điều khó tránh khỏi, vì vậy họ mong muốn có những chính sách đẩy mạnh thương mại nhằm tìm kiếm các đơn hàng trong và ngoài nước từ đó giữ được làng nghề trăm năm này. |