Không cần nhóm biên dịch, tiết kiệm chi phí, cỗ máy sử dụng trí thông minh nhân tạo do công ty khởi nghiệp Pháp Quantmetry thiết kế, trong vòng 12 tiếng, có thể tự đọc và tự học mà không cần con người can thiệp. Deep Learning là cuốn sách đầu tiên được dịch sang tiếng Pháp (L’Apprentissage profond) nhờ trí thông minh nhân tạo.
Ông Jérémy Harroch, tổng giám đốc Quantmetry, giải thích: “Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh vào tháng 12/2016. Trong vòng hai tháng rưỡi, nhóm làm việc chúng tôi nghiên cứu cách thực hiện dự án.
Thời gian làm việc này đã cho phép chúng tôi lập một cỗ máy sử dụng trí thông minh nhân tạo, trong vòng 12 giờ, đã đọc hết cuốn sách bằng tiếng Anh và dịch thành một tác phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Pháp.
Chúng tôi nghĩ rằng phương pháp này có thể áp dụng được cho rất nhiều tác phẩm, trước hết là trong lĩnh vực khoa học, toán học, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, và có thể trong nhiều ngôn ngữ khác.
Chúng tôi nghĩ rằng, tương tự với ngôn ngữ toán học, thiên về biểu tượng và khá cô đọng, nhiều loại tác phẩm khác cũng có thể được dịch theo phương pháp này. Tôi đang nghĩ đến các cuốn sách dạy nấu ăn vì chúng cũng có rất nhiều công thức”.
Có nghĩa là văn học, như những tác phẩm của Baudelaire hay Victor Hugo… vẫn phải chờ thêm thời gian nữa? “Tôi nghĩ là không phải ngay lập tức. Ý tôi muốn nói là cuối cùng thì sự tinh tế của ngôn ngữ con người và tất cả những giá trị có trong thơ ca hoặc yếu tố cảm xúc, thì máy móc không thể cảm nhận được. Tôi vẫn muốn tin là con người vượt qua cả máy móc, ít nhất là về cảm xúc”.
Liệu trí thông minh nhân tạo có thành công trong lĩnh vực hội họa như Vermeer, Rembrandt, Van Gogh, Monet hay không? Lần đầu tiên, một tác phẩm hội họa do trí thông minh nhân tạo thực hiện được công ty Christie’s bán với giá 432.500 đô la, vào ngày 25/10/2018, tại New York, cao gấp hơn 40 lần so với giá thẩm định ban đầu (7.000 - 10.000 đô la).
Nhìn từ xa, trong bức “Chân dung của Edmond de Belamy”, người ta thấy nhân vật mặc trang phục đen cổ trắng, giống như bức chân dung một nhà quý tộc trẻ thế kỷ XVIII hoặc XIX. Nhìn gần, khuôn mặt của nhân vật chính bị mờ, như chưa hoàn thiện. “Tác giả” không ký tên mà để lại dấu ấn là một “công thức toán học”.
Đằng sau tác phẩm do máy tính vẽ là hội nghệ sĩ Obvious của Pháp. Hội Obvious đã “truyền cảm hứng” cho trí thông minh nhân tạo bằng 15.000 bức chân dung cổ điển từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX để máy tính “hiểu quy tắc vẽ chân dung”.
Trong tương lai, mỗi người có thể trở thành “họa sĩ” và “tự sáng tác”, chỉ cần “nuôi” phần mềm bằng những tác phẩm mà mình yêu thích nhất. Biết đâu, thay vì theo một trường phái cụ thể, những tác phẩm hiện đại sẽ pha trộn nhiều trường phái khác nhau.