Như Báo Pháp luật Việt Nam đã giới thiệu, Nghị định số 100 cũng là Nghị định đặc biệt vì Nghị định số 100 là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất hiện nay có hiệu lực pháp luật ngay, không chờ sau 45 ngày như thông thường.
Cùng với đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP không chỉ phục vụ thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà còn để bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt khi thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn.
Nghị định này bổ sung nhiều hành vi và tăng mức xử phạt với 218 hành vi, nhóm hành vi, trong đó tăng mức xử phạt cao với 61 hành vi, nhóm hành vi. Sau khi tổng kết thực tiễn, Chính phủ xác định đó là những hành vi này cần xử phạt cứng rắn hơn. Tiêu biểu là hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3, sử dụng ma túy bị phạt rất nặng. Tương tự, hành vi chạy quá tốc độ cũng gây nhiều tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cũng được nâng mức phạt.
Dư luận nói chung rất đồng tình với một nghị định có nhiều ý nghĩa như vậy. Nhiều bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 52/BTP-VP ngày 06/01/2020 về việc triển khai thực hiện quy định của Luật số 44/2019/QH14 trong toàn ngành Tư pháp).
Tai nạn giao thông do ảnh hưởng của rượu bia giảm rõ rệt sau 10 ngày Nghị định 100 đi vào cuộc sống. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xúc động chia sẻ: “Không ngờ quy định mới này lại nhận được sự ủng hộ cao đến vậy”. “Tuần qua tôi tham dự khá nhiều sự kiện có sử dụng rượu, bia. Tôi thấy thực sự chính sách này đang có tác động rất lớn và tích cực đến hành vi của người dân”, ông thông tin với cảm xúc không thể vui hơn.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ban hành, đi vào cuộc sống đúng nghĩa cho thấy rằng: để xây dựng một xã hội kỷ cương, góp phần xây dựng văn hóa “Thượng tôn pháp luật” ngoài giáo dục, tuyên truyền không thể không cưỡng chế, thậm chí phải biết “đánh” vào “hầu bao”.
Năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 15/2012/QH13), thay thế Pháp lệnh ban hành năm 2002 nhằm đáp ứng yêu cầu của quản trị quốc gia, lĩnh vực nào Chính phủ cũng có Nghị định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên phải nói rằng, công tác tuyên truyền không “ngấm” và mức độ “cưỡng chế” quá nhẹ dẫn đến khinh nhờn luật pháp.
Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc cá nhân hay tổ chức phải thực hiện một nghĩa vụ, trách nhiệm theo quyết định đã có hiệu lực của một cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP 10 ngày qua cho thấy đã đến lúc phải cưỡng chế “rắn”, đánh mạnh vào “túi tiền” mới góp phần xây dựng văn hóa luật pháp.