Điều kỳ diệu từ sách

(PLVN) - Đó là chủ đề của Lễ hội sách đường phố Tết Canh Tý - 2020 được mở ra tại TP. Hồ Chí Minh trong dịp chào đón năm mới này. Khám phá điều kỳ diệu đó là việc rất nên làm, không chỉ chấn hưng văn hóa đọc mà còn gầy dựng và thu hút sự đam mê đối với sách – ông thầy “ảo” của tất cả các thời đại.
Sẽ có 65.000 đầu sách được bán tại Lễ hội Đường sách Tết Canh Tý 2020.
Sẽ có 65.000 đầu sách được bán tại Lễ hội Đường sách Tết Canh Tý 2020.

Thêm nữa, từ xưa đến nay về văn hóa truyền thống, chúng ta có tranh Tết, ăn Tết, chơi Tết và báo Tết thì giờ đây một khái niệm, một thuật ngữ xuất hiện: sách Tết. Cái gì dành cho Tết cũng phải hết sức đặc sắc, mang phong vị Tết, tươi mới, hứng khởi, truyền cảm,... và sách Tết cũng không ngoài ý nghĩa này.

Chọn dịp Tết đến, xuân về để mở lễ hội sách, quả là một sự cách tân văn hóa hết sức đáng trân trọng và biểu dương để sức lan tỏa của nó rộng rãi trong cộng đồng. Sách Tết đương nhiên là có chủ đề Tết và nội dung là những kiến thức cần tìm hiểu về Tết, về phong tục dân gian, ẩm thực,... làm phong phú kiến thức và giàu có tâm hồn người đọc, lưu truyền và lưu giữ bản sắc đậm đà của cái Tết cổ truyền qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, lễ hội sách không dừng lại ở đó mà phạm vi mở rộng hơn rất nhiều, ở đây, chúng ta có thể bắt gặp nhiều sách với thể loại khác nhau nhưng hẳn phải có sự chọn lựa để ra mắt công chúng với những cuốn sách đặc sắc nhất, thế mới là sách Tết. Kể cả hình thức trình bày, trang trí trong lễ hội sách và cần thiết nhất là tạo ra một không gian đọc để những người yêu sách hoặc chưa yêu mà tiếp cận với sách cảm nhận ban đầu về sự “kỳ diệu từ sách”.

Sách, đúng là một điều kỳ diệu. Một cuốn sách cũng có thể làm đổi thay số phận của một con người sau khi đọc và chiêm nghiệm. Các bậc vĩ nhân của thế giới này, ai cũng có sự thích thú và niềm say mê đối với một vài cuốn sách nào đó. Sách không làm nên vĩ nhân nhưng sách tạo dựng những phẩm chất vĩ nhân trong họ và chính những con người này đã khuyên mọi người nên đọc sách vì những điều kỳ diệu ở trong đó.

Mỗi người chúng ta khi đọc sách có những cảm nhận khác nhau, nếu chỉ đơn thuần là giải trí thì thứ giải trí đó đã là lành mạnh và thanh cao rồi. Những giá trị nhân văn hoặc chỉ là sự ứng xử, cách giải quyết vấn đề đúng đắn cứ thấm dần vào người đọc tự khi nào chẳng rõ nữa. Rồi, sự ngấm dần đó hình thành nên tư cách, xử sự của người đó, chất nhân văn bao giờ cũng thấm đẫm trong con người văn nhân là thế.

Hoặc, người đọc đắm chìm vào thế giới của sách, cảm như thông linh vào tác giả, tìm thấy và nhận ra những suy nghĩ tương đồng nhưng mình không thể nói ra và viết ra được, tác giả đã nói hộ lòng mình. Rồi cũng có cuốn sách ta đọc mà không hiểu nhiều lắm, buộc ta phải tìm lời giải đáp từ người khác hoặc câu trả lời từ cuộc sống, ta tự nâng cao kiến thức của mình mà mình không biết, đó cũng là một sự kỳ diệu mà sách vở mang lại.

Sách đúng là một sự truyền lửa, có một người nào đó đã nói rằng việc đọc sách như việc xin lửa của nhà hàng xóm mang về nhà ta rồi lại truyền cho những nhà khác. Kiến thức xã hội mãi dày lên, sự nhân văn, nhân đạo lan tỏa đến từng cộng đồng xã hội nhỏ bé của thế giới rộng lớn này phần nhiều do sách. Cái cách mà người ta tiếp thu kiến thức và tinh thần khác rất nhiều với các phương tiện nghe nhìn hiện đại ngày nay.

Sách làm giàu có tâm hồn và phong phú tri thức là điều hiển nhiên nhưng không chỉ có thế, sách cũng có thể làm nên một sự nổi tiếng của một địa phương, một công trình kiến trúc, trở thành địa điểm thu hút du khách, làm giàu cho cư dân ở đó. Nhà thờ Đức Bà Pari là một minh chứng thuyết phục, nó trở nên nổi tiếng, khắp cả thế giới dù nhiều người chưa từng đặt chân lên đây bởi tác phẩm cùng tên của nhà văn lừng danh người Pháp Victo Huygo.

Ngày Tết, du lịch qua sách, đến với nhiều nơi trên thế giới, từ làng Macondo ở Nam Mỹ xa xôi hay một nước Anh thế kỷ mười tám trong Hội chợ phù hoa. Người đọc hoàn toàn có thể ăn Tết với đồng bào Tây Nguyên hoặc du xuân trên đất Bắc Hà cùng sách với các nhà văn đương đại Việt Nam.

Nhân đây, có một cuốn sách rất đáng đọc trong Tết này. Cuốn tiểu thuyết mới ra lò “Buổi chiều đi qua cánh đồng” của nhà văn Cao Chiến, tức Hoàng Kim Chiến, người quá quen thuộc trong ngành Tư pháp chúng ta. Hơi ma mị nhưng cũng rất đời thường, tâm linh đấy mà hiện thực, luật đời và luật người lẩn khuất trong mỗi trang văn. Ông đề cập tội ác như cỏ dại, sống dai dẳng và khó triệt chỉ có thể hóa giải sự sinh sôi và phát tán độc hại của chúng bằng công lý và sự bao dung của người với người.

Sách đã quay trở lại với những con đường khác nhau và là tín hiệu đáng mừng, trong đó có những con đường sách Tết mở ra tại Thủ đô và thành phố mang tên Bác.

Đọc thêm