Mỗi năm ở Kyrgyzstan có ít nhất 15.000 phụ nữ bị bắt cóc và buộc phải trở thành cô dâu trong các cuộc hôn nhân cưỡng bức. Bắt cóc cô dâu được cho là truyền thống văn hóa của Kyrgyzstan nhưng hiện đang là chủ đề tranh cãi gay gắt – giữa một bên là những người bảo vệ tập tục còn một bên là những người coi đó là hành vi bạo lực có tính chất tội phạm đáng lên án.
|
Một nạn nhân của hủ tục bắt cóc cô dâu. Ảnh: CNN |
Năm 1997, cô gái 22 tuổi Altynai đang đi bộ từ trường đại học về nhà thì được một người lạ mặt nhờ dỡ đồ khỏi chiếc xe của ông ta. Khi vừa bước đến gần, một nhóm đàn ông đã đẩy Altynai vào ôtô. Cô gái vùng vẫy la hét trong vô vọng. Sau đó, Altynai được những người đàn ông lạ mặt cho biết cô sắp sửa gặp mặt chồng tương lai – người mà cô chưa từng nghe tên.
“Tôi đã chấp nhận số phận và kết hôn với anh ta. Đó là truyền thống trong văn hóa của chúng tôi” – Altynai kể lại. “Ban đầu mọi thứ cũng ổn thỏa ngoại trừ việc tôi không yêu chồng. Nhưng vài năm sau đó, cuộc sống của tôi trở thành địa ngục khi chồng tôi thường xuyên đánh đập, thậm chí ngay trước mặt những người khác. Tình trạng này vẫn tiếp diễn cả khi tôi mang bầu” – người phụ nữ giờ đã 36 tuổi kể lại lý do li hôn chồng.
Altynai hiện đang làm việc tại một khu chợ ở thủ đô Bishkek để nuôi sống bản thân và đứa con trai 12 tuổi. Nhưng cô xem ra còn may mắn hơn nhiều so với hàng chục phụ nữ khác Kyrgyzstan đã buộc phải tự sát sau khi bị cưỡng bức hôn nhân.
“Ala kachuu” hay bắt cóc cô dâu là tục lệ bắt nguồn từ nền văn hóa du mục ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Trải qua nhiều thế kỷ, tập tục này vẫn là cách thức phổ biến để những người đàn ông ở Kyrgyzstan tìm được bạn đời của mình.
Theo những người này, việc cướp dâu giúp họ thể hiện “bản lĩnh đàn ông” và cũng vô cùng “kinh tế”. Bởi bằng cách đi bắt cóc cô dâu, họ có thể dễ dàng lấy được vợ mà không tốn tiền cho việc tán tỉnh yêu đương. Ngoài ra, họ cũng tiết kiệm được khoản tiền sính lễ, cưới hỏi có thể lên tới 800USD và đôi khi còn phải kèm theo một con bò. Theo một cuộc khảo sát gần đây, gần một nửa các cuộc hôn nhân ở đất nước Trung Á này đều là kết quả của truyền thống bắt cóc cô dâu.
Việc bắt dâu hiện nay thường diễn ra theo trình tự: một nhóm những người đàn ông trẻ bắt cóc cô gái, trói lại, cho lên xe và lái đi. Dưới áp lực của nhóm người này và đôi khi là đã bị hiếp dâm, những người phụ nữ thường buộc phải chấp nhận kết hôn với người đã bắt cóc mình.
Tại một số vùng nông thôn, vết nhơ vì đã ở cùng với một người đàn ông, bất kể cô gái có bị anh ta hãm hiếp hay không, đều đồng nghĩa với việc những bậc cha mẹ sẽ từ chối cho con gái mình quay về nhà.
Bên cạnh đó, dù bắt cóc cô dâu là bất hợp pháp ở Kyrgyzstan, được quy định trong Bộ Luật Hình sự Kyrgyzstan năm 1994 nhưng trên thực tế, với lý do “truyền thống”, giới chức Kyrgyzstan hiếm khi truy tố các đối tượng bắt cóc cô dâu hoặc nếu có thì những đối tượng bị kết án trong các vụ việc này cũng chỉ phải nhận tối đa khoảng 3 năm tù thay vì 10 năm tù như các vụ bắt cóc khác. Các lý do trên khiến cho tục lệ bắt cóc cô dâu vẫn tiếp tục bám rễ trong lòng xã hội Kyrgyzstan.
Trước hàng loạt các vụ việc đau lòng từ hủ tục “cướp cô dâu”, tháng 11/2011, Văn phòng thanh tra Kyrgyzstan – cơ quan điều tra về những hành vi xâm phạm nhân quyền - đã phát động một chiến dịch chống lại tập tục này bằng hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và trường học khắp cả nước. “Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của sự tiến bộ.
Không thể chấp nhận tập tục bắt cóc cô dâu vẫn tiếp tục tồn tại ở đất nước ta. Bắt cóc cô dâu chính là hành vi bắt cóc con người. Cưỡng bức phụ nữ lấy chồng là hành vi chống lại luật pháp và vô đạo đức, cho dù có là truyền thống hay không” – Giám đốc Văn phòng Thanh tra Tursunbek Akun nói.
Trong những ngày cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Kyrgyzstan Roza Otunbayeva cũng đã phát động chiến dịch chống lại việc kết hôn ép buộc.
Một ủy ban của Quốc hội Kyrgyzstan trong khi đó đang soạn thảo một dự luật cấm những cuộc hôn nhân tôn giáo không có giấy tờ, nhằm hạn chế các cuộc hôn nhân ép buộc hoặc chí ít là tạo cơ sở pháp lý để những người phụ nữ Kyrgyzstan đòi cấp dưỡng hay hỗ trợ nuôi con một khi li hôn. “Tôi hy vọng những người phụ nữ sẽ được điều luật mới bảo vệ, không ai bị cưỡng bức hôn nhân” – Altynai nói.
Thanh Tùng (Theo Telegraph, CNN. WT)