Nigel De Jong trở thành cái tên nổi bật trong dòng thời sự thể thao tuần qua khi tuyển thủ Hà Lan đang thi đấu ở Anh bị gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia giữa lúc chưa suy sụt về phong độ. Trong quyết định có vẻ đột ngột của mình, ông Bert van Marwijk, huấn luyện viên trưởng đội Hà Lan thẳng thừng nêu rõ rằng ông phải làm như thế để cầu thủ này biết nhìn lại mình nhằm hạn chế thói quen tranh bóng với đối thủ quá rắn đến mức hoang dại.
|
Nigel De Jong. (Ảnh tư liệu) |
Gạch tên một cầu thủ khỏi đội tuyển là chuyện thường tình nhưng loại bỏ cầu thủ ấy với lời giải thích như huấn luyện viên đội Hà Lan vừa làm là chuyện xưa nay hiếm. Ngoài chuyện muốn bản thân học trò của mình nhận ra khuyết điểm để sửa đổi thái độ thi đấu, có thể ông Marwijk muốn bảo vệ chính ông qua quyết định này. Thanh danh của đội Hà Lan có phần sứt mẻ sau vòng chung kết Nam Phi vừa rồi không phải vì đại biểu của bóng đá đẹp từng có biệt danh “Hà Lan bay” không với tới chiếc cúp vàng mà vì lối chơi mất bản sắc, đi ngược truyền thống.
Nhiều người yêu chuộng bóng đá đẹp vốn là fan ruột của Hà Lan đã thất vọng về mất mát quá lớn này. Johan Cruyff, người Hà Lan thứ thiệt với phong cách bóng đá hoa mỹ đã cực lực chỉ trích khuynh hướng thực dụng của một Hà Lan không còn… bay và hô hào một cuộc cải tổ trong bản thân đội tuyển. Trước sức ép này, có thể Marwijk đã chọn việc loại De Jong làm giải pháp xoa dịu dư luận, những mong khôi phục hình ảnh của một đội tuyển từng được ngưỡng mộ như một điển hình của bóng đá đẹp.
Dù cứu mình hay vì thanh danh của cả nền bóng đá xứ sở hoa tuy líp, hành động dứt khoát của người đứng đầu đội tuyển Hà Lan cũng được chờ đợi như một tín hiệu khởi đầu hành trình tìm về với cái đẹp. Sẽ càng tươi thắm thêm cho sân cỏ nếu từ đây xuất hiện trở lại đường nét “Hà Lan bay” ngày nào và nếu mai này hiển hiện một De Jong điềm đạm, nhân văn.
Trong lễ nhận danh hiệu chiếc giày vàng, phần thưởng dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất châu Âu mùa bóng qua, danh thủ Lionel Messi nói rằng vinh quang của mình bắt nguồn từ nỗ lực và sự hỗ trợ của các đồng đội ở câu lạc bộ Barcelona: “Nếu không có các đường chuyền, các pha kiến tạo của họ, tôi sẽ không tìm thấy khung thành đối phương”. Đúng là như vậy, nếu không có những Xavi, Iniesta, Dani Alves, những đồng đội luôn làm hết mình để đưa chân sút này vào đích ngắm mỗi lần xung trận trong một tập thể rập ràng thì Messi khó mà trở thành người ghi bàn nhiều nhất châu lục.
Nhưng từ chuyện của De Jong, có thể Messi cũng phải biết cảm ơn cả đối thủ của mình, những người được giao phó truy cản, hạn chế tầm hoạt động của anh. Đó là những đối thủ chơi bóng với sự tự trọng, quyết liệt hết mực nhưng cũng sòng phẳng, công tâm và trên hết, biết tôn trọng cái đẹp, tôn trọng tài năng. Không có sự tranh chấp hết lòng nhưng đúng luật của họ, thành quả của chiếc giày vàng sẽ bớt phần thi vị. Không có trái tim fair-play của chính họ, có thể Messi và các chân sút như anh luôn sống trong nỗi lo trở thành nạn nhân của lối chơi thô bạo, lòng dạ đâu mà nghĩ đến khung thành…
Nguyễn Đình Xê