Mỗi ngày, ở các bãi biển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn có hàng nghìn lượt người tắm. Những ngày nắng nóng vừa qua, lượng người tắm biển tăng gấp 3 - 5 lần ngày thường. Do vậy, công tác cứu hộ, cứu nạn luôn là thách thức không nhỏ với lực lượng tham gia công việc này ở mỗi bãi tắm. Trong khi, lực lượng này mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao.
|
Nhân viên cứu bộ trực quan sát nhắc khách du lịch khi tắm quá xa bờ. |
Không thể chủ quan
Ở các bãi tắm Cát Bà và Đồ Sơn, theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm nào cũng xảy ra những vụ chết người đáng tiếc vì đuối nước. Thậm chí có năm, trong hai ngày xảy ra 3 vụ đuối nước ở bãi tắm đoàn 295 Đồ Sơn khiến 4 người chết, trong đó có 3 em nhỏ. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đáng tiếc, trong đó có trường hợp thiếu ý thức, chủ quan khi tắm biển, bơi ra quá xa, nơi quá sâu, ít người qua lại. Có trường hợp khách du lịch tắm biển trong tình trạng say rượu, bị cảm khi xuống nước. Nhưng điều khiến người dân và du khách lo ngại là tình trạng nhiều bãi biển thiếu những cảnh báo an toàn . Do không được nhắc nhở thường xuyên và hướng dẫn kỹ lưỡng của lực lượng cứu hộ và các đơn vị chức năng dẫn tới sự chủ quan của người tắm biển.
Bãi tắm khu 1, ở khu 295 ở Đồ Sơn đều là những bãi tắm chính, thuận tiện giao thông nên rất đông khách du lịch và người dân địa phương đến tắm vào các buổi sáng và chiều tối. Nhưng đây là bãi tắm sâu, nhiều bãi đá gồ ghề, rất dễ xảy ra trượt chân, nguy hiểm cho du khách, nhất là những người không biết bơi. Ở Cát Bà, các bãi biển đẹp, nước trong vắt, hấp dẫn du khách tắm biển. Nhưng đa số bãi tắm có mực nước sâu, thường có sóng to, có nguy cơ xảy ra tai nạn. Trong khi, dường như không mấy ai quan tâm đến những biện pháp bảo đảm an toàn khi tắm biển. Công tác cứu hộ, cứu nạn ở những bãi tắm này cũng chưa được chú trọng. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho những người đến tắm, nhất là khi họ chủ quan, không lường trước tình huống bất ngờ như sóng cuốn người ra xa, dẫn tới bị ngạt, đuối nước. Nhiều trường hợp, do khách du lịch chủ quan, bị sóng đánh trôi ra ngoài xa, được những người đang tắm và dân địa phương có kinh nghiệm cứu giúp, thoát chết trong gang tấc.
Nhiều bãi tắm ở Đồ Sơn, Cát Bà, công tác tuyên truyền, nhắc nhở về mức độ nguy hiểm và trang bị kiến thức cũng như phương tiện cứu hộ, cứu nạn chưa thường xuyên, hoặc hiệu quả thấp. Thực tế các bãi tắm được bố trí nhân viên cứu hộ, lực lượng y tế và một số trang thiết bị cứu hộ như phao, hệ thống loa cảnh báo. Nhưng phương tiện quan trọng nhất là xuồng cứu hộ thì không phải bãi tắm nào cũng có. Nhiều nơi, các nhân viên cứu hộ thường xuyên bỏ vị trí, tranh thủ làm việc khác, thay vào đó là một nhân viên trực ban kiêm luôn nhiệm vụ nhắc nhở du khách nếu thấy có sóng lớn hoặc có người bơi ra quá xa phao cảnh báo.
Cần đội cứu hộ chuyên nghiệp
Trở lại bãi tắm Cát Cò 1 (Cát Bà) trong ngày đầu hè, dễ dàng nhận thấy công tác này có sự chuyển biến. Lực lượng cứu hộ và quản lý bãi tắm ở đây làm việc nghiêm túc, liên tục gọi loa cảnh báo, yêu cầu khách tắm biển trở vào vị trí an toàn. Lực lượng cứu hộ được trang bị đồng phục, cờ và còi báo hiệu, không chỉ túc trực ở bãi tắm mà còn trực tiếp có mặt trên các “điểm nóng” để nhắc nhở, thậm chí bơi ra sát phao cảnh báo an toàn yêu cầu khách tắm trở lại khu vực an toàn . Bãi tắm này cũng có tàu cao tốc, sẵn sàng ứng cứu các trường hợp khẩn cấp, cần thiết khi có sự cố.
Tiếc rằng, không phải nơi nào cũng như vậy. Trong khi đó ở hai khu du lịch biển nổi tiếng của Hải Phòng có hàng chục bãi tắm. Năm nào cũng vậy, quận Đồ Sơn, huyện Cát Hải thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, trang bị phương tiện cần thiết như xuồng, phao cứu nạn, bộ đàm thông tin và lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển ngay trước mùa du lịch hè. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của các đội cứu nạn, cứu hộ chưa cao, do kiêm nhiệm nhiều việc khác, lực lượng rất mỏng, phương tiện thiếu. Trong khi đáng ra nhiệm vụ quan trọng này phải được giao đội cứu hộ chuyên nghiệp, các bãi tắm có lực lượng thường trực 100% thời gian trực giờ cao điểm, thấp điểm theo quy định. Đội ngũ này có chuyên môn nghiệp vụ cứu hộ giỏi và nghiệp vụ sơ cấp cứu thành thạo; mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên, được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ hiện đại. Mặt khác, quân số cũng phải bảo đảm tương ứng với lượng khách và khu vực bãi biển phụ trách, bảo đảm sẵn sàng có mặt và ứng cứu kịp thời các tình huống xảy ra.
Đã đến lúc Cát Bà, Đồ Sơn cần thay đổi cách làm trong cứu hộ, cứu nạn ở các bãi tắm theo mô hình trung tâm cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp. Đây là hai trọng điểm du lịch biển, đón hàng triệu khách đến tham quan, tắm biển mỗi năm, trong đó tập trung phần lớn vào ba tháng mùa hè. Do vậy, nếu không duy trì được đội quân chuyên nghiệp này trong cả năm thì cũng phải bảo đảm trong cả mùa du lịch hè. Chí ít, cần các đội cứu hộ “bán chuyên trách” hiện có hoạt động trách nhiệm như đồng nghiệp ở bãi tắm Cát Cò 1 để người dân và du khách yên tâm mỗi khi tắm biển./.
Văn Lượng
.