Cựu nữ binh sĩ Mỹ Lynndie England, người từng gây ra vụ bê bối tại nhà tù Abu Ghraib của Iraq năm 2004 làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh của nước Mỹ, vừa tuyên bố trong một cuộc nói chuyện với tờ The Daily rằng không cảm thấy thương cảm một chút nào đối với các nạn nhân của cô ta.
|
Lynndie England ngày 24/5/2005 tại Fort Hood, Texas, Mỹ. |
Người phụ nữ trẻ, hiện nay 29 tuổi, đã bị đuổi khỏi quân đội Mỹ sau khi lĩnh bản án 3 năm tù giam vì tội ngược đãi các tù nhân Iraq. Cô ta bị hỏi đến vài ngày sau vụ sát hại 16 dân thường Afghanistan mà một hạ sĩ Mỹ bị cáo buộc và theo tờ The Daily là một sự kiện có thể đánh dấu bước chuyển ở Afghanistan giống như ở Abu Ghraib trong chiến tranh Iraq trước đây.
Trong cuộc nói chuyện, Lynndie England, một người mẹ đơn thân không có công ăn việc làm và phải sống cùng với cha mẹ mình ở Tây Virginia, đã tỏ ra cau có khó chịu và không ăn năn hối hận đối với các tù nhân Iraq mà cô ta đã lạm dụng.
“Cuộc sống của họ tốt hơn, họ thoát khỏi chuyện đó một cách êm thấm hơn. Họ không phải là vô tội. Họ cố gắng giết chúng tôi và người ta muốn tôi xin lỗi họ?”, Lynndie nói.
|
Một trong những bức ảnh gây "chấn động" thế giới năm 2004. |
Năm 2004, bức ảnh chụp người phụ nữ trẻ 22 tuổi này đang cười trước cảnh một tù nhân Iraq trần truồng và bị xích đã được phát đi khắp thế giới. Ngoài ra, người ta còn thấy cô ta có mặt trên nhiều tấm ảnh khác vô cảm dưới mái tóc đen trước cảnh các tù nhân bị cùm, bị chó đe dọa, bị buộc phải thủ dâm hoặc xếp chồng lên nhau như những đồ vật.
Tổng thống Mỹ George W.Bush thời điểm đó đã thừa nhận rằng, vụ bê bối làm cho nước Mỹ “xấu hổ” và là “sai lầm lớn nhất” của người Mỹ ở Iraq.
Lynndie England kể lại việc “gửi nhiều thư xin việc đi khắp nơi” nhưng không thể kiếm được việc làm “tại McDonald’s hay Burger King” vì hồ sơ tư pháp của cô ta.
Điều duy nhất mà Lynndie England nuối tiếc là những bức ảnh ở Abu Ghraib đã kéo theo nhiều người Mỹ thiệt mạng trong các vụ tấn công trả thù. Lynndie than thở: “Lúc nào tôi cũng nghĩ đến điều đó, đến những cái chết mà tôi trực tiếp gây ra. Mất nhiều người trong hàng ngũ của chúng tôi chỉ vì tôi xuất hiện trên một bức ảnh”.
Phúc Lợi (Theo AFP)