Cựu thanh niên xung phong bị cắt chế độ oan

(PLO) - Chỉ vì sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của đơn vị chủ quản mà một cựu thanh niên xung phong (TNXP) bị “đánh cắp” mất 3 năm tham gia TNXP, đồng nghĩa với việc ông bị cắt chế độ hưởng trợ cấp hàng tháng hơn 15 năm nay.
“Đã hai năm nay tôi mất không biết bao nhiêu sức khỏe trong hành trình “đi đi về về” chỉ để làm một việc: đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phú Thọ giải quyết đúng chế độ chính sách cho tôi. Nhưng đến tận hôm nay, quyền lợi hợp pháp của tôi vẫn chưa được trả lại”, ông Bùi Viết Thắng (trú tại khu 1, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nói và thở dài, khuôn mặt không giấu được sự bức xúc. 
Ông Bùi Viết Thắng: “Tôi phải chờ đến bao giờ nữa?”
 Ông Bùi Viết Thắng: “Tôi phải chờ đến bao giờ nữa?”
Khoác trên người bộ quân phục đã bạc màu khi thời tiết Hà Nội đang trở gió mùa, ông Thắng ôm theo một chồng đơn và các các Huân, Huy chương, Bằng khen tìm đến Báo PLVN, giọng nghẹn ngào: “Tháng 7/1972 tôi lên đường nhập ngũ vào Chiến trường C.
Từ ngày 18/7/1972 đến ngày 20/7/1975, tôi công tác ở Đội TNXP 253 Anh hùng đóng tại Sầm Nưa (Lào). Thời gian sau đó, tôi về công tác tại Bến phà Tình Cương, thuộc Đoạn Quản lý đường bộ khu vực I (nay là Công ty Cổ phần Đường bộ Phú Thọ).
Đến ngày 1/1/1988, tôi về nghỉ chế độ mất sức. Sau đó, tôi được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/1/1988 đến tháng 8/1998 thì bị cắt với lý do tôi chưa đủ thời gian công tác 15 năm liên tục, trong khi đó thời gian công tác liên tục của tôi là 15 năm 11 tháng, chưa kể quy đổi”.
Theo phản ánh của ông Thắng, nguyên nhân của việc ông bị hụt mất 3 năm công tác là khi làm hồ sơ cho ông về nghỉ mất sức, Cty CP Đường bộ Phú Thọ đã thiếu sót không cộng thời gian công tác ở Đội TNXP 253 Anh hùng cho ông. Vì không nắm được các quy định của pháp luật nên sau khi bị cắt chế độ một thời gian dài, ông mới tìm đến các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đề nghị được hoàn lại khoản tiền trong khoảng thời gian bị cắt và tiếp tục chi trả tiền trợ cấp hàng tháng cho ông. 
Trả lời ông, BHXH tỉnh Phú Thọ cho rằng ông chỉ có thời gian công tác thực tế là 13 năm 8 tháng, thời gian quy đổi là 16 năm 8 tháng. Căn cứ Điều 1 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Quyết định 613/QĐ-TTg về việc trợ cấp hàng tháng cho người có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động thì ông Thắng không được tiếp tục hưởng theo Quyết định 613/QĐ-TTg là đúng quy định. 
Để có bằng chứng chứng minh bản thân đã tham gia TNXP tại nước bạn Lào trong khoảng thời gian hơn 3 năm, khi đến BHXH tỉnh Phú Thọ, ông Thắng đã trình ra Bằng khen của Ban Chấp hành Đoàn Giao thông vận tải Trung ương mà ông được tặng (Bằng khen này ký năm 1974), rồi giấy chứng nhận của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam chứng nhận ông đã hoàn thành nhiệm vụ của Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (ký năm 1975) và nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương khác cũng được ông xuất trình. 
“Nhưng một lãnh đạo của Phòng Chế độ chính sách thuộc BHXH tỉnh Phú Thọ lại căn cứ vào năm đã ký các Bằng khen và Giấy chứng nhận…để hoạnh họe tôi rằng, tôi chỉ “có thành tích” hoặc “hoàn thành nhiệm vụ” trong các năm 1974 và 1975 (là các năm đã ký Bằng khen và Giấy chứng nhận- PV) chứ không thừa nhận tôi đã tham gia TNXP trong khoảng thời gian từ tháng 7/1972 đến tháng 7/1975.
Cán bộ chính sách mà hiểu và vận dụng pháp luật kiểu này thì “chết” tôi rồi. Tại sao họ lại chỉ căn cứ vào năm ký các Bằng khen và Giấy chứng nhận để cho rằng tôi chỉ tham gia TNXP vào các năm đó, trong khi để được tặng các Bằng khen và Giấy chứng nhận này thì trước đó là cả một quá trình tôi phấn đấu liên tục từ năm 1972 đến năm 1975”- ông Thắng phân trần.
Sau sự việc này, Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Thọ đã cấp cho ông giấy chứng nhận, nêu rõ: “Chứng nhận đồng chí Bùi Viết Thắng… đã tham gia và hoàn thành nhiệm vụ TNXP tại đơn vị C5- Đội 253 Anh hùng, thuộc Tổng đội TNXP 572 từ ngày 18/7/1972 đến ngày 20/7/1975, hoạt động tại chiến trường C (Lào) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”. Tại văn bản này, Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách cho ông Thắng theo quy định .
Trả lời ông Thắng, ngày 17/6/2013 BHXH tỉnh Phú Thọ có Công văn số 309 đề nghị ông “cung cấp toàn bộ hồ sơ và các giấy tờ gốc liên quan đến quá trình công tác từ tháng 7/1972 đến tháng 9/1974 để BHXH tỉnh Phú Thọ có căn cứ để báo cáo BHXH Việt Nam xem xét giải quyết”. Thực hiện yêu cầu trên, ông Thắng đã cung cấp cho BHXH Phú Thọ toàn bộ giấy tờ gốc có liên quan, nhưng cho đến nay đã 5 tháng trôi qua ông vẫn chưa nhận được hồi âm, hỏi BHXH tỉnh Phú Thọ thì cơ quan này bảo ông phải chờ. 
“Không biết tôi phải chờ đến bao giờ?. Hiện nay tôi đã bị cắt hết mật, lại vôi hóa cột sống, bệnh tật đầy người, sống, chết lúc nào chẳng hay. Chỉ vì lối làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của Công ty Cổ phần Đường bộ Phú Thọ và cơ quan BHXH tỉnh mà tôi bị cắt chế độ một cách oan ức. Các cơ quan này thay vì phải chủ động sửa sai để tính lại chế độ cho tôi thì lại bắt tôi phải chờ?”.
Vụ việc của ông Thắng không phải là hy hữu, đã có rất nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng từ chối giải quyết chế độ, chính sách chỉ vì họ thiếu giấy tờ gốc. Nay ông Thắng đã nộp đủ giấy tờ chứng minh, Hội Cựu TNXP tỉnh cũng đã chứng nhận ông có hơn 3 năm tham gia TNXP và hoàn thành nhiệm vụ. Thiết nghĩ, không còn lý do gì để kéo dài thời gian giải quyết chế độ cho một cựu TNXP đã hết tuổi lao động. BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh Phú Thọ đừng bắt người lao động phải chờ lâu hơn nữa.