Đảm bảo quyền năng pháp lý đủ mạnh của cơ quan điều tra

(PLO) - Đề án tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra (CQĐT) theo hướng CQĐT có quyền năng pháp lý đủ mạnh để tiến hành hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ Đảng, chế độ và Nhà nước XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Đảm bảo quyền năng pháp lý đủ mạnh của cơ quan điều tra
Sáng qua (5/12), Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (TƯ) đã họp Phiên thứ 12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trương Tấn Sang để thảo luận, cho ý kiến về Đề án tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra (CQĐT) theo hướng thu gọn đầu mối nhằm khắc phục những nhược điểm hiện nay để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động điều tra, không bỏ lọt tội phạm, chống được oan, sai và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tổ chức tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra
Theo đó, Đề án xác định việc tổ chức lại CQĐT theo hướng thu gọn đầu mối nhằm tạo lập cơ chế pháp lý hữu hiệu kiểm soát việc tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo đảm an toàn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 
Đổi mới tổ chức và hoạt động CQĐT để bảo đảm sau năm 2015 sẽ xác định cụ thể mô hình tổ chức và rành mạch về chức năng, nhiệm vụ, thích ứng với điều kiện thực tế, bảo đảm yêu cầu quản lý, tổ chức tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho CQĐT Công an cấp huyện và CQĐT hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân, CQĐT cấp trên tập trung làm tốt hơn công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với CQĐT cấp dưới. 
CQĐT có quyền năng pháp lý đủ mạnh để tiến hành hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ Đảng, chế độ và Nhà nước XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm gắn hoạt động trinh sát với điều tra tố tụng hình sự, chú trọng và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm. 
Đề án đề xuất sửa đổi, ban hành mới văn bản qui phạm pháp luật để tổ chức CQĐT theo hướng thu gọn đầu mối, tạo cơ sở pháp lý cho CQĐT và điều tra viên hoạt động hiệu quả và xác lập mối quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, giải quyết vướng mắc với các chủ thể khác trong hoạt động điều tra.
Cần bổ sung khoảng 6.000 điều tra viên
Để thực hiện đề án trên, trong các năm 2014, 2015, Bộ Công an kiến nghị xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động điều tra hình sự; tăng cường, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác điều tra hình sự, trong đó tăng cường biên chế cho các CQĐT, mở rộng nguồn điều tra viên còn thiếu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (dự kiến đến năm 2015 cần bổ sung khoảng 6.000 điều tra viên), tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, kỹ thuật cho hoạt động điều tra. 
Cơ bản đồng tình với việc cần thiết xây dựng Đề án và cho ý kiến về các phương án tổ chức lại hệ thống CQĐT, các thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp cho rằng, đổi mới tổ chức và hoạt động CQĐT cần gắn với đổi mới mô hình tố tụng, việc thành lập Tòa án, Viện kiểm sát khu vực; khắc phục tình trạng chưa có cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ đối với hoạt động điều tra hình sự; hướng đến kiểm soát tốt hơn những vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm, nhất là thống kê từ năm 2010-2013 cho thấy 10% tội phạm là người của cơ quan tiến hành tố tụng và vẫn có xu hướng trầm trọng hơn, nhiều tội phạm trong các lĩnh vực thuế, chứng khoán… chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; có lộ trình thích hợp để thực hiện tổ chức lại CQĐT để hạn chế những ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống cơ quan này…
Chủ tịch Nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ Trương Tấn Sang cho rằng, điều tra là giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả các giai đoạn tố tụng khác nên phải được tổ chức, tiến hành nghiêm túc, hiệu quả. Tổ chức lại CQĐT theo hướng thu gọn đầu mối để gọn nhẹ, tăng hiệu quả, hiệu lực, khắc phục cơ bản những hạn chế, thiếu sót hiện nay trong hoạt động điều tra, chống oan, sai nhưng không được bỏ lọt tội phạm nên phải nghiên cứu để đảm bảo được hoạt động điều tra thông suốt, tránh trùng lắp, kiểm soát được vi phạm pháp luật ngay cả trong các cơ quan tư pháp, phát huy vai trò của luật sư trong quá trình điều tra, xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan được giao thực hiện chức năng điều tra ban đầu...
Đặc biệt, Chủ tịch Nước lưu ý “cần có cơ chế kiểm soát, không để xảy ra tình trạng lạm dụng thẩm quyền điều tra”.

Đọc thêm