Cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ hầu tòa phúc thẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 20/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Phiên tòa được mở theo kháng cáo kêu oan của bị cáo.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại tòa.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại tòa.

Theo đó, bị cáo Phùng Anh Lê kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân không có tội và bị kết án oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phùng Anh Lê có 5 luật sư tham gia bào chữa; tuy nhiên, luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp và 1 LS khác có đơn xin xét xử vắng mặt. Ngoài ra, 3 bị cáo không có kháng cáo cũng có đơn xin xét xử vắng mặt và xin giữ nguyên lời khai tại quá trình điều tra.

Trước sự vắng mặt của LS, bị cáo Lê cho rằng việc vắng mặt của 2 LS này sẽ ảnh hưởng tới quá trình tranh luận tại phiên tòa, nếu không có mặt đầy đủ LS, bị cáo Lê mong được hoãn phiên tòa để đảm bảo đủ quyền lợi và nghĩa vụ cho bị cáo.

Đối với sự vắng mặt của 3 bị cáo không có kháng cáo, bị cáo Lê đề nghị HĐXX triệu tập họ tới phiên tòa để được đối chất trực tiếp, làm rõ những tình tiết, nội dung trong vụ án một cách khách quan. Nếu họ không đến, ông Lê đề nghị hoãn phiên tòa.

Ngoài ra, ông Lê đề nghị HĐXX triệu tập thêm một số nhân chứng khác tới tòa. Bởi theo lời của ông Lê, trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo có đề xuất triệu tập thêm một số nhân chứng chứng minh việc sắp xếp đồ trong phòng làm việc của bị cáo có đúng với lời khai của ông Phùng Văn Bảy (chú họ bị cáo Lê) về việc để tiền trong phòng hay không nhưng không được triệu tập.

Theo ý kiến của đại diện VKS tại phiên tòa, 3 bị cáo không có kháng cáo đều có đơn xin xét xử vắng mặt và xin giữ nguyên lời khai trong quá trình điều tra nên không cần thiết phải triệu tập tới phiên tòa. VKS đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử vụ án theo đúng trình tự phúc thẩm.

Sau khi hội ý, HĐXX phúc thẩm quyết định tiếp tục xét xử. Bởi theo chủ tọa, đối với sự vắng mặt của LS, các LS vắng mặt đã có quan điểm, HĐXX sẽ công bố quan điểm của LS trong phần tranh tụng…

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài (ở Ba Đình, Hà Nội) đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ và đánh anh Nguyễn Công Thành xảy ra ngày 19/9/2016 tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Khoảng 21 giờ 10 phút cùng ngày, Tài bị đưa vào Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để thi hành Quyết định tạm giữ trong thời hạn 3 ngày.

Lo sợ Tài bị xử lý, ông Nguyễn Văn Hà và con gái Nguyễn Thu Hiền (người yêu của Tài) cùng với Nguyễn Văn Thắng đã nhờ ông Phùng Văn Bảy tìm người giúp cho Tài được hoà giải với bị hại, không bị xử lý. Do có quan hệ họ hàng với Phùng Anh Lê, nên ông Bảy đã đặt vấn đề và được đồng ý giúp với yêu cầu phải đưa cho Lê 110 triệu đồng để hoà giải bồi thường.

Sau khi nhận tiền từ ông Bảy, Lê đã chỉ đạo Nguyễn Đức Châu gọi Vũ Công Ngọc mang hồ sơ đến báo cáo việc tạm giữ Tài. Sau đó Lê chỉ đạo Lê Đình Trung bàn giao Tài cho Vũ Công Ngọc để tha cho về không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.

Hậu quả dẫn đến, Nguyễn Hữu Tài được tha trái pháp luật, đơn trình báo của anh Nguyễn Công Thành không được xác minh làm rõ, hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Tài không bị điều tra xác minh xử lý cho đến khi Công an TP Hà Nội phát hiện vụ việc.

Với hành vi nêu trên, Phùng Anh Lê bị HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Đức Châu bị tuyên 10 tháng 28 ngày và trả tự do tại toà, Vũ Công Ngọc 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Lê Đình Trung 4 tháng 12 ngày tù, ghi nhận bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù cùng về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê kháng cáo kêu oan./.

Đọc thêm