Đi đòi nợ, “được” tội cướp
Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét kháng cáo của 2/8 bị cáo của vụ án là Nguyễn Trọng Quyết (SN 1989, ngụ thôn Lập Thành, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, bị cấp sơ thẩm kết án 8 năm tù về 2 tội Cướp tài sản, Bắt giữ người trái pháp luật) và Bùi Xuân Tiệp (SN 1990, ngụ thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, bị cấp sơ thẩm kết án 6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Bị cáo Tiệp cũng đồng thời là nạn nhân của Quyết).
Theo Bản án sơ thẩm 732/2024/HS-ST ngày 16/12/2024 của TAND TP Hà Nội, đầu năm 2022, nạn nhân Bùi Xuân Tiệp nợ tiền, bị chủ nợ nhiều lần đòi nhưng không trả, trốn tránh không gặp nên chủ nợ đã nhờ Nguyễn Trọng Quyết đi cùng đòi nợ. Khoảng 19h ngày 23/6/2024, tại quán cà phê ở thôn 2, xã Tiến Xuân, chủ nợ cầm con dao quắm cùng bị cáo Quyết bắt ép con nợ lên xe taxi về nhà chủ nợ ở thôn Lập Thành để đòi số tiền nợ 300 triệu đồng.
Trên đường đi, chủ nợ điện thoại gọi một số người khác đến nhà mình. Tại đây, từ 20h - 22h30 cùng ngày, cả nhóm yêu cầu con nợ phải trả tiền. Chủ nợ quát mắng bắt con nợ gọi điện thoại về cho mẹ mang tiền đến trả nợ, dùng một chiếc cốc nhựa ném vào đầu Bùi Xuân Tiệp. Một bị cáo dùng tay tát vào má Bùi Xuân Tiệp. Do chưa thấy người trong gia đình con nợ mang tiền đến trả nên cả nhóm yêu cầu Bùi Xuân Tiệp viết hợp đồng bán chiếc ô tô Mazda 3 màu trắng, BKS 30G-27660 trị giá 320 triệu đồng (theo kết quả định giá của hội đồng định giá - NV), để khi nào Bùi Xuân Tiệp trả đủ tiền nợ sẽ trả lại xe.
Sau khi con nợ viết xong, các đối tượng cho về. Đến 22h45 cùng ngày, Bùi Xuân Tiệp đến công an xã Tiến Xuân trình báo.
Trong vụ án này, tòa sơ thẩm và phúc thẩm xác định dù đã thế chấp ô tô hiệu Nissan Almera BKS 30H4-45400 giấy chứng nhận mang tên mình cho VP Bank để vay 398 triệu đồng, nhưng sau đó Bùi Xuân Tiệp vẫn vay tiền Thọ, lên mạng đặt mua giấy đăng ký xe giả đưa cho bị cáo Thọ. Tòa xác định mục đích của chủ nợ cùng nhóm đồng phạm là đòi nợ 300 triệu đồng Bùi Xuân Tiệp đã vay, không tính lãi suất.
Tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm với cả 2 bị cáo.
“Cướp tài sản” của chính mình”
Trong xã hội hiện nay, việc vay mượn nhau là rất nhiều. Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phòng 7, VKSND TP Hà Nội, hiện nay, trong thực tiễn có rất nhiều vụ việc mà người đi đòi nợ sử dụng vũ lực, hành hung con nợ để ép trả nợ sẽ trở thành bị cáo với tội danh “Cướp tài sản” theo Điều 168 BLHS.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, hành vi dùng vũ lực, hành hung “con nợ” để ép trả nợ, trả tài sản là của mình; là khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp tài sản của người khác.
Mặt khác, với các vụ án đi đòi nợ, đi đòi tài sản thuê (hoặc cho mượn), thì quan hệ sở hữu tài sản là vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến định tội. Có trường hợp tài sản đó là của chính người đi đòi nợ, nhưng con nợ cố tình không trả hoặc cố tình chiếm; giữ chứ không phải là tài sản của con nợ hoặc tài sản của người khác. Như vậy, tính chất, mức độ của hành vi đòi nợ trái luật và hành vi cướp tài sản là khác nhau; nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội cũng khác nhau.
Luật sư (LS), TS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp cho rằng, xét về nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội thì tội “Cướp tài sản” là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác trái luật; trong khi đó người đi đòi nợ có lý do vì tài sản con nợ đang chiếm giữ có thể là tài sản của người đi đòi nợ. “Cái sai của người đi đòi nợ là dùng vũ lực để đòi nợ, trở thành “cướp tài sản” của chính mình”, LS Cường nêu quan điểm. Tuy nhiên, hành vi đòi nợ trái luật vẫn bị xử lý về tội danh cướp tài sản; nên một số ý kiến cho rằng như vậy là “khá nặng so với tính chất, mức độ hành vi vi phạm”. Nếu giá trị tài sản trong vụ án là lớn, thì khung hình phạt bị áp dụng rất cao.
Từ đó có ý kiến cho rằng hành vi như vậy không hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu hành vi cấu thành tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS; nên cần xác định hành vi đòi nợ trái luật là một tội danh độc lập. Để cơ quan tố tụng áp dụng và xử lý một cách thống nhất trong thực tiễn, cơ quan chức năng cần sớm xem xét nghiên cứu, bổ sung một tội danh riêng và độc lập trong BLHS là tội “Đòi nợ trái pháp luật”, trong đó cần nêu rõ dấu hiệu cấu thành của tội phạm này. Hoặc cũng có thể bổ sung trong tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS khung hình phạt riêng về hành vi cướp tài sản xuất phát từ đòi nợ trái pháp luật; để tương xứng với tính chất, mức độ hành vi mà bị cáo gây ra.