Cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk ngày 15/10 qua đời sau một cơn đau tim tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hưởng thọ 90 tuổi.
Cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk ngày 15/10 qua đời sau một cơn đau tim tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hưởng thọ 90 tuổi.
Theo thông cáo được kênh truyền hình quốc gia Campuchia phát đi, Cựu vương Norodom Sihanouk đã qua đời lúc 1h20 ngày 15/10 (giờ Phnom Penh) tại Bệnh viện Bắc Kinh ở Trung Quốc. “Cái chết của cựu vương là một sự mất mát lớn lao đối với Campuchia” – Hoàng thân Sisowath Thomico đồng thời là trợ lý của ông Sihanouk nói.
Một người phát ngôn của chính phủ Campuchia cho biết, thi thể ông Sihanouk dự kiến được đưa về Campuchia để tổ chức tang lễ truyền thống tại cung điện hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh.
|
Cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk. Ảnh: AFP |
Cuộc đời nhiều thăng trầm
Cựu vương Norodom Sihanouk sinh ngày 31/10/1922, trị vì Campuchia từ năm 1941 đến 1955 và lên ngôi một lần nữa từ năm 1993 cho đến khi thoái vị vào ngày 7/10/2004, nhường ngôi lại cho con trai ông là Quốc vương hiện tại - Norodom Sihamoni.
Ông là con trai cả của cựu vương Norodom Suramarit và hoàng hậu Sisowath Kossamak. Kể từ năm 1941, ông Sihanouk đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có 2 lần làm vua, 2 lần làm thái tử, một lần làm chủ tịch nước, 2 lần làm thủ tướng và một lần làm quốc trưởng Campuchia.
Trong thời gian từ năm 1930 đến 1940, ông theo học tiểu học tại thủ đô Phnom Penh, sau đó chuyển qua học trung học ở trường Pháp tại Sài Gòn và ở Paris, nước Pháp. Năm 1941, chính phủ bù nhìn Vichy của Pháp vốn do Đức Quốc xã chỉ huy đã đưa ông lên làm Quốc vương Campuchia mà bỏ qua vua cha của ông lúc đó vẫn còn sống với hy vọng dễ bề thao túng vị vua trẻ 18 tuổi. Hai năm sau khi giành được độc lập cho Campuchia vào năm 1953, ông thoái vị để nhường ngôi lại cho phụ vương và trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Campuchia.
Ngày 18/3/1970, khi ông Sihanouk đang công cán ở nước ngoài, Thủ tướng Campuchia khi đó là Lon Nol đã triệu tập Quốc hội, bỏ phiếu phế truất ông. Sau khi bị lật đổ, ông Sihanouk đã đến Bắc Kinh. Trong suốt thời gian Khmer Đỏ cầm quyền, ông Sihanouk chủ yếu sống tại Hàn Quốc. Ngày 14/11/1991, Hoàng thân Sihanouk trở về Campuchia sau 13 năm sống lưu vong. Năm 1993 ông đăng quang lần thứ 2 và tại vị cho đến ngày 7/10/2004.
Sau khi nhường ngôi cho con, ông Sihanouk giành phần lớn thời gian ở nước ngoài, khi ở Bắc Kinh, khi ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên ông vẫn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng ở tầm vóc quốc gia. Ông vẫn là biểu tượng của tấm lòng trung kiên với đất nước trong những năm tháng Campuchia chìm trong bạo lực.
Chính trị gia khôn khéo
Quốc vương Norodom Sihanouk được xem là một trong những nhà lãnh đạo tinh thông nhất của các nước Đông Nam Á trong thế kỷ 20. Trong khi Campuchia vẫn nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, năm 1947, Sihanouk đã ban hành một hiến pháp, mở đường cho việc thành lập chính phủ nghị viện.
Campuchia giành được độc lập một phần từ Liên hiệp Pháp vào năm 1949 nhưng ông Sihanouk, bằng tài ngoại giao cũng như gây sức ép với các đối thủ, đã vận động để Campuchia giành được độc lập hoàn toàn vào năm 1953 mà không cần sử dụng đến chiến tranh.
“Ông ấy đã đưa Campuchia ra thế giới, trong khi người Pháp đã kìm hãm và cô lập nước này trong suốt 90 năm” - nhà bình luận về Campuchia David nhận định. Hai năm sau, ông Sihanouk nhường ngôi cho cha để trở thành người đứng đầu chính phủ. Ở vị trí này, ông Sihanouk đã lãnh đạo đất nước Campuchia phát triển mạnh mẽ trong 15 năm tiếp theo, tạo nên “Kỷ nguyên Sihanouk”.
Trên trường quốc tế, ông Sihanouk là người góp phần sáng lập Phong trào Không liên kết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. “Ông ấy là một người có tinh thần yêu nước tuyệt vời. Ông ấy khiến mọi người nghĩ rằng họ là những người quan trọng và đất nước họ cũng vô cùng quan trọng” - David Chandler – một nhà ngoại giao Mỹ tại Campuchia trong những năm 1950 nhận định.
Minh Ngọc (theo AFP, THX, BBC)