Đa dạng hóa các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ

Sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh ta đang ngày càng phong phú hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm bằng cách đầu tư các xưởng sản xuất và hệ thống máy móc, trang thiết  bị thực hiện quy trình hoàn thiện sản phẩm và kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm khi đặt hàng gia công hoặc thu gom sản phẩm thô.
Nghề sản xuất cói xuất khẩu ở xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) thường xuyên tạo việc làm, thu nhập cho hơn 200 lao động.

Toàn tỉnh hiện có 37 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phân bố ở các huyện trong tỉnh; trong đó huyện Ý Yên có 11 làng, Vụ Bản 6 làng, Nghĩa Hưng 5 làng… Các nhóm hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất trong tỉnh gồm sản phẩm mây tre đan, cói, thêu ren, tơ tằm, đồ gỗ mỹ nghệ và sản phẩm kim khí (đồng, tôn mỹ nghệ). Nhóm hàng gỗ, kim khí tiêu thụ rộng rãi trong nước và một phần xuất khẩu; nhóm hàng mây, tre, cói đan được xuất khẩu vào các thị trường Slovakia, Hunggari và mở rộng sang thị trường các nước EU như Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với kim ngạch xuất khẩu đều có sự tăng trưởng trong các năm. Trong đó, sản phẩm mây tre đan chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Đây là mặt hàng có mẫu mã phong phú, đa dạng, từ đơn giản như giỏ, rổ, rá, chiếu, đồ nội thất... đến phức tạp, hiện đại như bình, lọ hoa, đĩa… với nhiều kích cỡ, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được thị trường nhiều nước ưa chuộng. Nguyên liệu sản xuất mặt hàng này chủ yếu là mây, tre song nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với các nguyên liệu khác như sơn mài, gỗ…, để sản phẩm đa dạng, độc đáo hơn. Nhiều làng nghề sản xuất hàng mây tre đan với số lượng lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động như Cát Đằng, Thượng Thôn (Ý Yên), Hổ Sen, Vĩnh Lại, Tiên Hào (Vụ Bản), làng Giáng, Vạn Đồn (Mỹ Lộc)… Đối với các sản phẩm làm từ cói, trước đây chủ yếu dệt các mặt hàng đơn giản như chiếu, thảm, đệm ghế… dùng để tiêu thụ nội địa nên giá trị kinh tế và thu nhập của người lao động không cao. Do nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhanh nhạy trong cơ chế mới, một số doanh nghiệp đã tìm hiểu và nhận sản xuất thêm nhiều mẫu hàng mới như làn, lẵng, hộp, túi xách, mũ…, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Mấy năm gần đây, Cty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Hà Uđôm xay, Cty cổ phần Najimex… còn phát triển thêm các sản phẩm từ nguyên liệu bèo tây, bẹ chuối kết hợp tôn mỹ nghệ, giúp khai thác và mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới. Sản phẩm thêu ren chủ yếu được sản xuất tại các làng nghề Trung Lao (Trực Ninh), Nam Thái (Nam Trực) và một số làng khác ở các huyện Ý Yên, Xuân Trường. Đây cũng là mặt hàng khá đa dạng về mẫu mã, nhiều kích cỡ với các loại khăn, quần áo, váy, túi xách, tranh thêu phong cảnh, chân dung…; trên 80% lượng hàng được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… Các sản phẩm gỗ sản xuất trong tỉnh nổi tiếng với làng nghề La Xuyên, Ninh Xá, Trịnh Xá (Ý Yên), phục vụ xây dựng (cửa, khung cửa sổ, cầu thang…); đồ nội thất thông thường (bàn, ghế, giường, tủ…); đồ nội thất cao cấp (sản phẩm được chạm khắc tinh vi hoặc có phụ kiện đặc biệt); sản phẩm chạm khắc thông thường (đồ trang trí, khay, hộp…); đồ thờ cúng… Sản phẩm kim khí đúc bao gồm đồ đồng đúc (tượng, đồ trang sức, đồ thờ, chuông, khay, lọ…); đồ rèn sắt (dao, kéo, nông cụ…). Đối với sản phẩm đồ đồng đúc và gò thường rất tinh xảo, tái hiện lại những mẫu hàng cổ, có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao, được sản xuất chủ yếu tại làng nghề Tống Xá (Ý Yên)…

Sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh ta đang ngày càng phong phú hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm bằng cách đầu tư các xưởng sản xuất và hệ thống máy móc, trang thiết  bị thực hiện quy trình hoàn thiện sản phẩm và kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm khi đặt hàng gia công hoặc thu gom sản phẩm thô. Đó cũng là cách tăng khả năng cạnh tranh, giúp khai thác thêm nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, do đặt hàng gia công, thu gom từ nhiều hộ gia đình nên hàng thủ công mỹ nghệ còn hạn chế về sự đồng đều của sản phẩm. Một đặc điểm khác là do liên tục thay đổi về mẫu mã (chủ yếu ở nhóm hàng mây tre đan, cói, thêu ren) cũng khiến cho việc quản lý chất lượng sản phẩm gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu còn hạn chế trong sáng tạo mẫu mã, năng lực thiết kế sản phẩm mới, ước tính có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ dựa trên những chi tiết kỹ thuật theo đơn đặt hàng. Để sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng đa dạng, phát triển hơn, các cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh chuyên môn hóa và tính cá biệt sản phẩm, kết hợp mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu riêng gắn với thương hiệu làng nghề và doanh nghiệp. Mỗi làng nghề cần duy trì, phát triển các sản phẩm đặc thù có chất lượng, có giá trị truyền thống, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đồng thời nhanh chóng tiếp thu, sáng tạo ra nhiều mẫu hàng mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng./.

Bài và ảnh: Thanh Thủy

Đọc thêm