Đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho công tác TGPL

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho một số đối tượng để tiếp cận các dịch vụ pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Qua 5 năm triển khai Luật TGPL, việc thúc đẩy, nâng cao và mở rộng hoạt động TGPL đã chứng tỏ vai trò quan trọng của các nguồn lực tài chính.

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho một số đối tượng để tiếp cận các dịch vụ pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Qua 5 năm triển khai Luật TGPL, việc thúc đẩy, nâng cao và mở rộng hoạt động TGPL đã chứng tỏ vai trò quan trọng của các nguồn lực tài chính.

Sau khi Luật TGPL được thông qua và có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính đã được ban hành kịp thời. Chẳng hạn như, Thông tư liên tịch số 81/2008/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước đã nêu cụ thể các nội dung chi liên quan đến tiền lương, tiền công, công tác phí, thanh toán dịch vụ, chi nghiệp vụ, mua sắm…

Hay theo Quyết định số 84/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ TGPL Việt Nam, Quỹ TGPL được sử dụng để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc cũng như hỗ trợ trực tiếp cho một số hoạt động khác liên quan tới từng vụ việc TGPL (riêng trong  năm 2011, Quỹ TGPL được ngân sách nhà nước hỗ trợ 26,4 tỷ đồng để chi cho các đối tượng thuộc Chương trình 30a của Chính phủ)…

Các văn bản này đã tạo cơ chế linh hoạt cho các Trung tâm TGPL nhà nước trong việc sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được giao và chủ động huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, trong khi nguồn lực ngân sách còn hạn chế thì Quỹ TGPL thực sự là một kênh huy động các nguồn tài chính từ xã hội. Nhờ vậy, đáp ứng được nhu cầu về kinh phí cho hoạt động TGPL và tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các Trung tâm.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối kết hợp, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với công tác TGPL, hoạt động TGPL còn được bố trí thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135… nên đã tranh thủ được nguồn kinh phí đáng kể từ những Chương trình này để tiến hành một số hoạt động cụ thể, mang lại hiệu quả rất lớn.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ chế hoạt động của các Trung tâm TGPL nhà nước sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đã tạo điều kiện cho các Trung tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác TGPL. Đó là chưa đủ động lực để xây dựng, phát triển được đội ngũ cộng tác viên TGPL đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới do các định mức về chế độ bồi dưỡng và chi phí hành chính cho cộng tác viên thực hiện TGPL chậm được nghiên cứu, hoàn thiện. Đó là cơ chế hoạt động và khả năng huy động nguồn tài chính cho Quỹ TGPL còn gặp phải những rào cản bởi Quỹ mới được thành lập, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động lâu dài.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính: “TGPL không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của Nhà nước mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của từng tổ chức đối với thành viên của mình và của từng công dân khi tham gia hoặc được hưởng TGPL”.

Vì thế, vị đại diện này đã kiến nghị 3 giải pháp nhằm huy động nguồn lực tài chính cho công tác TGPL gồm đa dạng hóa nguồn lực tài chính (thông qua Quỹ TGPL; nghiên cứu cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ trực tiếp cho các vụ việc, đối tượng được TGPL cụ thể; tiếp tục thực hiện lồng ghép hoạt động TGPL với các Chương trình mục tiêu quốc gia), đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động TGPL cũng như hoàn thiện các định mức về chế độ bồi dưỡng và chi phí hành chính khi cộng tác viên thực hiện TGPL.

Thục Quyên

Đọc thêm