Đa dạng mô hình giúp "phận người thiếu trọn vẹn" tìm hạnh phúc...

Gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi sâu sắc, xuất hiện những “mô hình gia đình mới”: đơn thân, đồng giới và ly hôn xanh. Nhưng dù đa dạng đến mấy thì mô hình gia đình cũng chỉ được cộng đồng chấp nhận khi điều đó không phá hoại hạnh phúc của gia đình khác, cũng như bảo đảm trật tự - ổn định xã hội.

Trong cuộc sống hiện đại, gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi sâu sắc, xuất hiện những “mô hình gia đình mới”: đơn thân, đồng giới và ly hôn xanh. Nhưng dù đa dạng đến mấy thì mô hình gia đình cũng chỉ được cộng đồng chấp nhận khi điều đó không phá hoại hạnh phúc của gia đình khác, cũng như bảo đảm trật tự - ổn định xã hội.

Và trong thành viên của “mô hình gia đình mới” này, cũng như mọi người họ cũng có mưu cầu hạnh phúc và khi thực sự tìm thấy hạnh phúc của mình, họ sẽ có điều kiện để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, và tất yếu đẩy mạnh sự phát triển của cả xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đa dạng kiểu gia đình

Trào lưu không kết hôn, một mình sinh và nuôi con đang là một thực tế trong xã hội. Đáng chú ý, phần lớn "single mom" có thể lập gia đình với ý nghĩa đầy đủ nhưng lại muốn có con mà không chịu ràng buộc với ai.

Theo thạc sĩ Vũ Thanh Hoài, những người phụ nữ này không hẳn thích sống cô đơn với một đứa trẻ mà thường họ là những người phụ nữ đã có sự trải nghiệm nhất định trong cuộc sống. Họ muốn khẳng định bản thân, thích sống tự do, không muốn hệ lụy với đàn ông. Nhưng những người phụ nữ vừa làm cha, vừa làm mẹ này sẽ phải trả lời con mình về người cha của nó. Bên trong đó, còn ẩn chứa nỗi niềm lo lắng về quá trình phát triển tâm sinh lý của đứa con khi khuyết thiếu người cha.

Dù pháp luật nước ta hiện nay chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính nhưng quyền mưu cầu hạnh phúc vẫn là quyền cơ bản của con người và được pháp luật bảo vệ. Người đồng tính sống chung với nhau như vợ chồng, khi mối quan hệ đó xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ, từ tình yêu. Chính vì thế việc “gia đình đồng tính” đã không còn là chuyện hiếm gặp trong thời gian qua.

Kết hôn giữa những người cùng giới tính đang là một vấn đề xã hội nhạy cảm. Bên cạnh ý kiến phản đối gay gắt với lý do nó sẽ phá vỡ tập quán văn hóa truyền thống thì vẫn có những ý kiến, thái độ cởi mở hơn của dư luận xã hội đối với vấn đề này.

Những thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ ly hôn của những đôi vợ chồng trẻ (còn gọi là "ly hôn xanh") sau khi đứa con ra đời được khoảng 5 năm đang ngày càng cao. Có nhiều người cho rằng, sự ra đời của đứa con là nguyên nhân khiến quan hệ vợ chồng bị rạn nứt. Nhưng thực tế, qua các nghiên cứu thì lý do dẫn đến ly hôn không phải là vì đứa con, mà là vì họ thiếu thời gian dành cho nhau.

Đứa con ra đời đã khiến cho những khoảnh khắc riêng tư giữa hai người ngày càng ít đi. Khó khăn về kinh tế, thiếu sự chia sẻ, những áp lực cuộc sống làm cạn kiệt dần những “tài nguyên” có hạn của tình yêu. Cơ hội để hai người quan tâm đến nhau không còn, thì thậm chí họ không hiểu người kia cần gì nữa. Nhiều người cảm thấy có chồng có vợ cũng như không. Và việc ly hôn đã đến với những vợ chồng trẻ để từ đó nảy sinh ra những mô hình gia đình chỉ có bố hoặc mẹ với tuổi đời rất trẻ sống cùng con.

Bình đẳng ở quyền quyết định hạnh phúc

Trong xã hội hiện đại, do áp lực bộn bề của cuộc sống, mục tiêu được con người kỳ vọng nhất trước ngưỡng cửa hôn nhân là gia đình trở thành một “mái ấm”, là nơi an toàn, yên ổn, là nơi con người được thỏa mãn nhất những nhu cầu tâm lý tình cảm, hài hoà giữa đạo nhà và luật nước, ai cũng phát huy mọi nội lực, trí tuệ, tài năng, nhiệt tình vì mục đích chung là xây dựng một gia đình hạnh phúc. Xã hội Việt Nam đã và đang biến đổi không ngừng với muôn vàn khía cạnh đa dạng của nó.

Con người hôm nay chịu tác động của rất nhiều hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, đặc biệt là có những quan niệm không giống nhau về hạnh phúc. Vì thế, thực tế đã cho thấy không thể đóng khuôn lại trong chuẩn mực một mô hình gia đình nào đó. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp, tuy gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái, nhưng người ta vẫn không cảm nhận được hạnh phúc. Tuy nhiên, mô hình gia đình mới dù đa dạng đến mấy cũng chỉ được cộng đồng chấp nhận khi điều đó không phá hoại hạnh phúc của gia đình khác, cũng như bảo đảm trật tự - ổn định xã hội.

Họ không có gia đình trọn vẹn, không có nghĩa là họ không có khao khát hạnh phúc. Vì những lý do đặc biệt nào đó, họ không thể hoặc không muốn một gia đình truyền thống vì vậy, những thành viên của các mô hình gia đình: đơn thân, đồng tính, ly hôn xanh phải chủ động gánh gấp đôi những khó khăn, sẵn sàng chịu đựng những dị nghị, miệng tiếng, thậm chí sự coi thường của người thân, bạn bè, xã hội. Tuy nhiên, xét cho đến cùng, đó là quyền được lựa chọn hạnh phúc, quyền quyết định cuộc sống của họ.

Bảo Châu

Đọc thêm