Đạ Huoai: Kết nối phát triển du lịch sinh thái

Nằm ở vị trí tiếp giáp và là cầu nối giữa TP Đà Lạt với các vùng kinh tế năng động phía nam: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đạ Huoai trở thành một mắt xích của sự kết nối du lịch giữa các vùng miền trong khu vực.
Nằm ở vị trí tiếp giáp và là cầu nối giữa TP Đà Lạt với các vùng kinh tế năng động phía nam: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đạ Huoai trở thành một mắt xích của sự kết nối du lịch giữa các vùng miền trong khu vực. Hơn nữa, với diện tích tự nhiên rộng lớn, lắm sông suối, hang động, nhiều ghềnh thác, vườn cây ăn trái, Đạ Huoai có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Nếu biết phát huy lợi thế này và có sự kết nối các tour du lịch, Đạ Huoai sẽ trở thành vùng đất có sức hấp dẫn du khách gần xa đến tham quan, nghỉ  dưỡng, thưởng thức các sản phẩm du lịch đặc thù.
Thác nước công viên Thần núi tại Khu du lịch Mađagui - Đạ Huoai.

PHÁT HUY LỢI THẾ ĐỊA LÝ, THU HÚT ĐẦU TƯ

Ông Nguyễn Quý Mỵ - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai khi nói về thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch sinh thái, khẳng định: “Với diện tích rừng rộng lớn, trong đó còn nhiều cánh rừng nguyên sinh, lại có nhiều sông suối, ghềnh thác, hang động, nhiều vườn cây ăn trái, nhiều thôn buôn của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa còn giữ được những nét văn hóa dân tộc độc đáo, Đạ Huoai là vùng đất “lý tưởng” để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Vấn đề còn lại là chính quyền địa phương cần có chính sách cởi mở, mời gọi đầu tư và các nhà đầu tư cần có “con mắt xanh” phát hiện ra lợi thế “ít nơi nào có được đó” để không bỏ mất cơ hội đầu tư vào loại hình du lịch có sức hấp dẫn lớn này ở Đạ Huoai”.

Thực tế cũng đã có nhiều nhà đầu tư sớm mạnh dạn lập dự án đầu tư du lịch sinh thái ở Đạ Huoai, trong đó có một vài dự án đã phát huy được hiệu quả cao. Theo số liệu thống kê, hiện có đến hàng chục nhà đầu tư đã tiến hành thỏa thuận đầu tư và lập dự án trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép đầu tư. Trước mắt, đã có 5 dự án được cấp giấy phép đầu tư, có quy mô lớn đã đi vào hoạt động và đang khởi công xây dựng như: Dự án khu du lịch Mađagui: Đây được đánh giá là dự án du lịch sinh thái có quy mô, hiệu quả nhất không chỉ ở Đạ Huoai, mà còn ở phạm vi cả tỉnh Lâm Đồng. Với diện tích 1.200 ha, từ năm 1989 đến nay, dự án được  đầu tư trên 200 tỷ đồng để khai thác thế mạnh về vị trí, địa hình rừng núi, sông suối để sáng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, như: Leo núi Bằng Lăng, khám phá động tiên, “thiên phúc sơn động”, hang Thầy, hang Thần núi, tượng đá Phật phúc âm và những con vật mang sức mạnh thần bí như trâu rừng, sư tử, voi, long ly, quy phụng…; Du lịch trên mặt nước như bơi thuyền hơi, thuyền độc mộc trên hồ Thạch Lâm, vượt ghềnh, thác trên sông Đạ Oai; du lịch khám phá động - thực vật với những rừng tre, trúc, vườn điều, vườn cây  ăn trái cam, quýt, chanh, chuối và các chuồng nuôi đà điểu, gấu, beo, hồ cá sấu, cá nước ngọt; Du lịch dã ngoại, cắm trại bên cạnh sông Đạ Oai và hồ Thạch Lâm thơ mộng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu niên, học sinh vào mọi thời điểm; Du lịch mang tính rèn luyện kỹ năng chiến đấu bắn súng đạn  nước sơn trên địa hình rừng núi… Đặc biệt, với việc đầu tư xây dựng “công viên thần núi” và hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, vi la, biệt thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi dọc quốc lộ 20 và dưới tán rừng, nhà đầu tư đã làm thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, ẩm thực các món ăn, thức uống đặc sản của khách du lịch. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Hoàn - Giám đốc khu resort Mađagui, đó chỉ mới là giai đoạn một, giai đoạn hai hiện nay dự án đang được đầu tư tiếp để cải tạo hồ thác Voi có diện tích mặt nước 24 ha, đầu tư xây dựng khu tập đánh golf và sân golf 18 lỗ, kết hợp với đồng bào dân tộc buôn Bờ Kẻ tổ chức các tuor du lịch văn hóa dân gian, cồng chiêng. Khi kết thúc giai đoạn hai, Mađagui sẽ là một khu du lịch sinh thái - văn hóa - hiện đại có tầm vóc quốc gia, quốc tế.
 
Cùng với dự án Khu du lịch Mađagui, ở Đạ Huoai hiện còn có các dự án đầu tư tận dụng về lợi thế vị trí, địa hình, địa lý hiện đang được khởi  công xây dựng. Đó là Khu du lịch Hồng Lam ở xã Đạ Oai, diện tích 335 ha, tổng vốn đầu tư 198 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Suối Bạc ở thị trấn Đạmri, diện tích 139 ha, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng; Khu vui chơi giải trí khu phố 4, thị trấn Mađaguôi, diện tích 2,3 ha, tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng; Khu trồng hoa xuất khẩu kết hợp du lịch sinh thái của doanh nghiệp Đài Loan ở xã Đoàn Kết, diện tích trên 500 ha, đầu tư 153 tỷ đồng. Ngoài ra, có nhiều nhà đầu tư bỏ tiền mua lại đất đai, vườn cây ăn trái để xây dựng các điểm dừng chân, bán hoa, cây cảnh, đặc sản địa phương và du lịch sinh thái, kết hợp với tham quan, nghỉ dưỡng… Chẳng hạn như điểm dừng chân Lan và Hươu ở xã Hà Lâm. Đây là hướng đầu tư đầy triển vọng bởi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn sớm khẳng định được thương hiệu nếu được đầu tư bài bản, có khoa học, có ý tưởng.

KẾT NỐI VỚI CÁC VÙNG, MIỀN DU LỊCH BÊN NGOÀI

Nằm ở vị trí cầu nối giữa Đà Lạt với các vùng kinh tế năng động và có tiềm năng du lịch lớn, Đạ Huoai có khả năng tạo được sự kết nối các tuor du lịch lữ hành để phát huy lợi thế về phát triển du lịch sinh thái. Theo ông Nguyễn Linh Hoạt - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đạ Huoai, nếu nay mai dự án đường cao tốc Dầu Dây - Đà Lạt được xây dựng đi vào hoạt động, Đạ Huoai sẽ trở thành trung tâm của tam giác du lịch: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đạ Huoai, Đà Lạt. Lúc đó Đạ Huoai sẽ có cơ hội lớn để thu hút đầu tư phát triển mạnh du lịch sinh thái và ngành du lịch cũng sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn của Đạ Huoai. Nhưng trước mắt, với sự ký kết phát triển tam giác du lịch: Lâm Đồng - TP Hồ Chí Minh - Bình Thuận và Lâm Đồng - Cần Thơ - Kiên Giang của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lâm Đồng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án du lịch sinh thái ở Đạ Huoai phát huy hiệu quả cao hơn. Ông Đỗ Văn Thể - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Hiện tại đã có 27 doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tỉnh kết nối được các tuor du lịch nội bộ và với bên ngoài, trong đó sự kết nối giữa 3 khu du lịch sinh thái Mađagui - ĐạmB’ri - Thung lũng Vàng có tính bền vững và hiệu quả nhất. Chính sự kết nối này, theo ông Hoàng Văn Hoàn - Giám đốc khu Resort Mađagui đã cho phép Khu du lịch sinh thái Madagui tăng lượng khách đến tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng từ 220.000 lượt người năm 2009, lên trên 300.000 lượt người năm 2010. Mặt khác, cũng nhờ có sự kết nối này, khu du lịch mới có điều kiện để tổ chức thêm các loại hình du lịch mới như hội nghị, hội thảo chuyên đề, du lịch học tập, nghiên cứu của các trường cao đẳng, đại học trong nước, quốc tế. “Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ có tính pháp lý của các sở chủ quản, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phải có sự chủ động, sáng tạo trong việc kết nối tour du lịch, mới thu hút được khách du lịch trong nước, nước ngoài ngày một nhiều hơn. Khu du lịch Mađagui - ĐạmB’ri - Thung lũng Vàng là sự minh chứng bước đầu cho điều đó”, ông Đỗ Văn Thể khẳng định như vậy!
Hoàng Kiến Giang

Đọc thêm