Đà Lạt sẽ được gỡ vướng quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trong tương lai được mở rộng với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha và là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.
Một góc TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Một góc TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Sau nhiều lần điều chỉnh, trình Chính phủ phê duyệt, ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 257/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. TP Đà Lạt trong tương lai được mở rộng và là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận là toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.

Phạm vi nghiên cứu vùng bán kính ảnh hưởng của TP Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm: TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình 850 m trở lên. Phạm vi nghiên cứu mở rộng gồm vùng TP HCM, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng tỉnh Lâm Đồng. Thời hạn quy hoạch đến năm 2045.

Theo tính toán, quy mô dân số Đà Lạt đến năm 2035 khoảng 1,1-1,15 triệu người (dân số đô thị khoảng 850-900 ngàn người, dân số nông thôn khoảng 250 ngàn người); đến năm 2045 khoảng 1,9-1,95 triệu người (dân số đô thị khoảng 1,5-1,55 triệu người, dân số nông thôn khoảng 400 ngàn người). Quy mô đất xây dựng đô thị Đà Lạt đến năm 2035 khoảng 25.500-27.000ha (đất dân dụng khoảng 6.800 - 7.200ha); đến năm 2045 khoảng 45.000-46.500ha (đất dân dụng khoảng 12.000-12.400ha).

TP Đà Lạt sẽ là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước, phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.

Đối với những khu sản xuất đất nông nghiệp hiệu quả thấp, thuần túy về nông nghiệp chuyển sang dạng kết hợp và cũng chuyển một phần sang dịch vụ và các hoạt động khác hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng chuyển đổi mạnh đất nông nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch tổng thể cần điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của TP Đà Lạt và vùng phụ cận phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu; tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất đai, đảm bảo khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các ban ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, có phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian - đất đai; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, hệ thống đô thị vệ tinh với TP Đà Lạt và vùng tỉnh Lâm Đồng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên...), cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội TP Đà Lạt và vùng phụ cận nói riêng và vùng tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Trong lần điều chỉnh này, Thủ tướng lưu ý mối quan hệ giữa Đà Lạt và vùng phụ cận với TP Bảo Lộc; giữa sân bay Liên Khương, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt và hệ thống đường cao tốc, quốc lộ để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Chính quyền địa phương được yêu cầu giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan Đà Lạt và vùng phụ cận đặc biệt là hệ thống rừng, cảnh quan sông suối ao hồ, di sản kiến trúc; tăng cường quỹ đất xanh công cộng, cải thiện môi trường khu vực hiện hữu.

Liên quan đến quy hoạch Đà Lạt, PLVN thời gian qua có loạt bài “Tháo gỡ bất cập quy hoạch để Đà Lạt bứt phá” chỉ ra những vướng mắc về quy hoạch khiến Đà Lạt khó phát huy lợi thế về nguồn lực đất đai. Theo đó, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 (quy hoạch 704) và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của Đà Lạt (quy hoạch 1409), được xem là “xương sống” để Đà Lạt phát triển. Nhưng qua thực tế triển khai, những quy hoạch trên đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Cụ thể như, theo quy hoạch 704, Đà Lạt có 5.800ha đất ở đô thị gồm đất hạ tầng giao thông và đất ở, trong đó chỉ 2.800ha xây dựng được. Tỷ lệ này quá ít, từ đó dẫn tới hệ lụy như vi phạm trật tự xây dựng, dựng nhà tạm nhà kính trái phép… do nhu cầu nhà ở quá lớn.

Cũng theo quy hoạch 704, đến 2011, Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên 39.440ha, dân số 211.696 người. Dự báo 2030, dân số 240.000 - 250.000 người, trong đó 40.000 - 50.000 người quy đổi từ khách du lịch… Trên thực tế, dự báo trên là không phù hợp. Thực tế tăng dân số đã gây áp lực rất lớn lên quản lý sử dụng đất, hạ tầng tại khu vực trung tâm Đà Lạt. Bên cạnh đó, quy hoạch 704 chỉ cập nhật lại các khu phát triển mà chưa có định hướng phát triển vùng, thiếu khu vực mới, không có khu vực quy mô để kêu gọi đầu tư so với quy hoạch 409 (Quyết định 409/2002/QĐ-TTg ngày 27/5/2002 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2020).

Đọc thêm