UBND TP Đà Nẵng giao Sở Y tế TP chủ trì, phối hợp với các bên liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với vụ việc xảy ra tại BV Phụ nữ TP. Đà Nẵng, báo cáo trước ngày 30/11.
Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng đã thông tin chính thức về sự việc một sản phụ tử vong, một người nguy kịch sau khi nhập viện mổ lấy thai.
Bệnh viện Phụ nữ thành phố |
Cụ thể, ngày 17/11, Bệnh viện Phụ nữ tiếp nhận sản phụ V.T.N.S. (33 tuổi, ngụ quận Cẩm Lệ), mang thai 38 tuần 3 ngày để sinh mổ trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối.
Đến 11 giờ 20 phút cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi. Tuy nhiên, tới cuối ca mổ, bệnh nhân có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
Tương tự, sản phụ thứ hai, chị N.T.H. (33 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu), mang thai 37 tuần 1 ngày, cũng nhập viện lúc 10 giờ 50 phút ngày 17/11 trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15 giờ 5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ. Sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân có các triệu chứng giống sản phụ S., như biểu hiện tê, đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng.
Theo ông Út, ngay sau khi xảy ra sự việc, qua kiểm tra, Sở ghi nhận, việc tiếp nhận, khám và mổ cho sản phụ đều đúng quy trình, quy định của ngành y tế. Hiện, đơn vị tập trung nghi vấn đối với loại thuốc gây tê nên đã yêu cầu BV Phụ nữ thành phố niêm phong phòng mổ, niêm phong các lô thuốc gây tê và lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Loại thuốc gây tê tủy sống mà BV Phụ nữ sử dụng có tên Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (viết tắt Bupivaicane), số lô 01DB0619, tổng cộng 250 ống, đã dùng hết 130 ống.
Liên quan thuốc này, ông Võ Xuân Phúc, Giám đốc BV Phụ nữ thành phố thông tin, từ tháng 1 đến tháng 7/2019, BV nhập loại thuốc Marcain spinal Heavy 0,5% 4ml, sản xuất Cenexi (Pháp) với số lượng 575 ống (kế hoạch được phân bổ 850 ống).
Thuốc gây tê dùng cho 12 sản phụ trên đang được niêm phong |
Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, nhà cung cấp thông báo hết hàng cung ứng. BV đã tìm nguồn thuốc thay thế nhưng chỉ có Bupivacaine của Ba Lan. Từ tháng tháng 5 đến tháng 10, BV đã nhập tổng số 380 ống, đã sử dụng hết 260 ống. Đơn vị cung cấp thuốc là Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC I, chi nhánh Đà Nẵng.
“Ngoài TP. Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng cũng ghi nhận một số BV ở Cần Thơ, Bến Tre cũng từng xảy ra các trường hợp tương tự khi sử dụng thuốc này. Muốn trả lời chính xác phải chờ kết quả kiểm nghiệm, phải có cơ sở khoa học”, ông Út nói.
Cũng lời ông Út, ngoài BV Phụ nữ TP Đà Nẵng, BV Phụ sản- Nhi và Trung tâm y tế quận Liên Chiểu cũng sử dụng loại thuốc này. Ngay đêm xảy ra vụ việc, Sở đã tiến hành niêm phong tất cả thuốc tại BV. Sở cũng đã đề nghị các cơ sở y tế có sử dụng thuốc này tạm ngưng sử dụng, chờ kết quả cuối cùng để tránh trường hợp tương tự. Về khuyến cáo, cảnh báo, Sở chưa nhận được văn bản nào của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nói về loại thuốc này.
Biên bản niêm phong loại thuốc để kiểm tra |
Trao đổi thêm với PLVN, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng chia sẻ, Sở đang làm thủ tục chuyển mẫu thuốc ra Viện kiểm nghiệm Trung ương cũng như đề nghị BV Phụ nữ TP Đà Nẵng có báo cáo cho Trung tâm ADR (phản ứng có hại của thuốc).
Về sức khỏe 1 sản phụ còn lại, ngày 20/11, Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, huy động tối đa nhân lực, kỹ thuật để điều trị cho sản phụ H. So với trước, diễn biến bệnh tình của sản phụ có tiến triển nhưng vẫn nằm trong ngưỡng có nguy cơ rất cao.
Được biết, ngày 22/10 vừa qua, một bệnh nhân ở quận Hải Châu cũng đã tử vong do sốc phản vệ nghi do thuốc cũng nhập viện BV Phụ nữ TP Đà Nẵng để mổ sinh.